Tối 22/11, tại Quảng trường 10/3 TP Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024).
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, từ ngày thành lập đến nay, tỉnh trải qua nhiều chặng đường chuyển mình và phát triển cùng lịch sử dân tộc.
Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng bào các dân tộc Đắk Lắk đã đóng góp sức người, sức của, anh dũng chiến đấu, hy sinh trong bom đạn, trong đó có hơn 9.500 liệt sĩ, hơn 7.600 thương binh; 641 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Trong gần 50 năm qua, tỉnh đã cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Trải qua quá trình lịch sử 120 năm thành lập và phát triển, đến nay Đắk Lắk đã trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung-Tây Nguyên; có diện tích tự nhiên, dân số thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; có diện tích và sản lượng cà phê, tiêu, sầu riêng đứng hàng đầu cả nước; là đầu mối giao thông quan trọng của Tây Nguyên.
Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đứng đầu khu vực Tây Nguyên.
Giai đoạn 2021 - 2023, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%/năm, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng; GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt gần 75 triệu đồng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực cùng những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong thời gian qua.
Thời gian tới, để vươn mình phát triển bền vững, xứng đáng với vị trí trung tâm và điểm động lực chính của vùng Tây Nguyên, Phó Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk tập trung bám sát chỉ đạo của Trung ương, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2050 Đắk Lắk "trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống".
Huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao.
Đổi mới mô hình kinh tế, trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế, quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn;
Thúc đẩy hoạt động nông nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo; xây dựng nền kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng giao thông, thủy lợi;
Phát triển dịch vụ - logistics - du lịch dựa trên nền tảng chuyển đổi số; bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, lựa chọn các hoạt động kinh tế phù hợp với đặc trưng văn hóa địa phương.
"Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, liêm chính, hành động, vì nhân dân phục vụ; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả với quyết tâm cao;
Siết chặt kỉ luật, kĩ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư;
Khuyến khích đội ngũ cán bộ các cấp năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội;
Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, biên giới quốc gia; nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, phải luôn xác định nhiệm vụ vun đắp, gìn giữ, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc là "chìa khóa" để xây dựng địa phương ngày càng bình yên, ấm no, hạnh phúc", Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh
Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông công bố Quyết định và trao Bằng công nhận Bảo vật quốc gia "Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai" cho tỉnh Đắk Lắk.
Ngoài ra, Viện kỷ lục Quốc gia đã kiểm tra, xác lập 3 kỷ lục quốc gia của tỉnh là: Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất Việt Nam (đạt 212.106ha); Hồ Lắk là hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây Nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam (rộng hơn 500ha, ở độ cao gần 417m so với mặt nước biển) và Vườn quốc gia Yok Đôn là Vườn quốc gia bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp lớn nhất Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận