Thế giới

Rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở là một sai lầm lớn của nước Mỹ?

05/06/2020, 06:16

Mỹ vừa tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở với lý do Nga nhiều lần vi phạm các điều khoản.

img
Hiệp ước Bầu trời mở cho phép các nước thành viên thực hiện các chuyến bay do thám trên không phận của nhau

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lawrence J.Korb, một chuyên gia về an ninh Mỹ, quyết định này sẽ đặt nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung trước nguy cơ chạy đua hạt nhân.

“Sai lầm lớn”

Tiến sĩ Lawrence J.Korb là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Vì sự tiến bộ Mỹ, trợ lý Bộ Quốc phòng từ năm 1981 đến 1985, từng giảng dạy tại Học viện Bảo vệ bờ biển từ năm 1971 đến 1975. Trên tờ The National Interest, ông đã có bài viết lý giải nguyên do tại sao lại nhận định động thái của Mỹ là sai lầm lớn.

Theo ông Lawrence, Mỹ đã đưa ra quyết định vào đúng lúc toàn cầu đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế và y tế cộng đồng, trong khi đây đáng lẽ là thời điểm mà Mỹ cần phải dẫn đầu cộng đồng quốc tế, hợp tác với các đồng minh và tránh những động thái gây bất ổn môi trường quốc tế. Nhưng họ đã làm ngược lại. Quyết định của chính quyền Tổng thống Trump đã đưa Mỹ và thế giới đến gần hơn với tình huống nguy hiểm tương đương như thời điểm xảy ra khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Hiệp định Bầu trời mở do Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đề xuất lần đầu tiên vào năm 1955 và được ký kết vào năm 1992 dưới thời Tổng thống George H. W. Bush, với sự tham gia của Nga, Mỹ cùng khoảng 1/3 số nước trong khu vực Liên minh châu Âu và Canada.

Hiệp định Bầu trời mở bắt đầu có hiệu lực từ năm 2002 dưới thời Tổng thống George W. Bush. Thỏa thuận này cho phép các nước thành viên thực hiện những chuyến bay do thám không vũ trang trong không phận của nhau để thu thập thông tin tình báo về các hoạt động quân sự, cung cấp thông tin để chắc chắn không có nước nào đang âm mưu thực hiện chiến dịch tấn công quy mô lớn và chia sẻ thông tin với các thành viên khác. Từ khi thỏa thuận có hiệu lực đến nay, các quốc gia thành viên đã thực hiện các chuyến bay sang không phận của nhau hơn 14.000 lần.

Song, cũng như bao hiệp ước khác, Thỏa thuận Bầu trời mở cũng tồn tại nhiều vấn đề trong quá trình vận hành. Giới chức tại Mỹ chỉ trích Nga nhiều lần vi phạm. Chẳng hạn như Nga đã gia hạn tối đa khoảng cách các chuyến bay qua khu vực Kaliningrad chỉ trong vòng 500km từ năm 2014 và chặn toàn bộ mọi chuyến bay gần biên giới giữa Nga và Gruzia từ năm 2010.

Tuy những hạn chế mà Nga đặt ra đã vi phạm thỏa thuận, nhưng thực sự nó chỉ ảnh hưởng rất nhỏ tới khả năng giám sát của Mỹ. Chưa kể, Mỹ cũng phản ứng đáp trả bằng cách chặn các chuyến bay mà Nga đề xuất qua Hạm đội Thái Bình Dương ở Hawaii và khu vực phòng thủ tên lửa ở Alaska.

Kể cả vậy, hiệp ước này vẫn mang lại cho Mỹ nhiều lợi ích hơn các bên tham gia khác, đặc biệt là Nga. Bốn thành viên Đảng Dân chủ của Quốc hội Mỹ đã gửi thư lên chính quyền Tổng thống Trump, lưu ý rằng, với Hiệp ước Bầu trời mở, Mỹ có thể thực hiện các chuyến bay trong năm 2014 sau khi Crimea bị tách khỏi Ukraine, sáp nhập vào Nga. Hay như năm 2018 khi người Nga bắt giữ 3 tàu và thủy thủ đoàn người Ukraine tại Biển Đen, Mỹ đã bay tới Nga thường xuyên hơn hoạt động của phía Nga những 3 lần.

Có thể kích động cuộc đua vũ khí mới

img
Máy bay do thám của Không quân Mỹ - ảnh minh họa.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở đã tiếp nối tư duy cắt giảm chế độ thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga mà phải rất khó khăn mới xây dựng được từ năm 1972, dưới thời Tổng thống Richard Nixon.

Theo cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz và Chủ tịch Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ Sam Nunn, những thỏa thuận kiểm soát vũ khí toàn diện đã giúp tăng cường an ninh quốc gia Mỹ trong suốt 50 năm qua, kể cả dưới thời Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Việc xé bỏ các thỏa thuận đó mà không có những hiệp ước khác thay thế sẽ đe dọa an ninh của các nước đồng minh và cả của Mỹ ngay từ hôm nay và nhiều năm sau nữa.


Động thái đầu tiên nhằm giảm kiểm soát vũ khí là từ Tổng thống Mỹ George W. Bush vào năm 2002 khi ông đơn phương rút Mỹ khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo. Tiếp đó, Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) và từ chối đề nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc mở rộng Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

Theo đánh giá của tiến sĩ Lawrence J.Korb, dựa vào các phân tích trên, chưa có lý do nào quá quan trọng để Mỹ phải đi đến quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Thay vì phá bỏ hiệp ước, Mỹ đáng lẽ nên nâng cấp các máy bay quan sát để phù hợp với hệ thống máy bay tiên tiến hơn từ Nga và bàn cách để củng cố hoặc làm sống lại những hiệp ước đã bị chấm dứt như INF, mở rộng thời hạn với New START.

Tiến sĩ Lawrence J.Korb cho rằng, chính quyền ông Trump đã khiến quan hệ giữa Moscow và Washington thêm tồi tệ khi tính đến chuyện thực hiện một vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 1992, nhằm gây áp lực lên Nga và Trung Quốc để buộc họ phải bắt tay vào một thỏa thuận vũ khí hạt nhân chiến lược mới. Động thái mới của Mỹ có thể tác động tới Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện và kích động một cuộc đua vũ khí mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.