Tài chính

HU3 huỷ niêm yết bắt buộc, nhà đầu tư nên làm gì?

10/04/2023, 16:40

Nhà đầu tư cần có giải pháp phù hợp để tránh rủi do khi HU3 bị huỷ niêm yết bắt buộc.

Mã HU3 bị huỷ niêm yết bắt buộc

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 (mã CK: HU3).

img

Dự án HUD3 Tower (Hà Đông) từng lùm xum về thu, chi tài chính và cung cấp dịch vụ tại tòa nhà

Theo HOSE, nguyên nhân HU3 bị huỷ niêm yết là do báo cáo tài chính kiểm toán 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022) có ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán. Vì vậy, HOSE sẽ thực hiện hủy niêm yết bắt buộc.

Được biết, HUD 3 hình thành từ năm 1978. Hoạt động trong lĩnh vực cải tạo xây dựng nhà ở thị xã Hà Đông (thuộc tỉnh Hà Tây cũ) trong hơn 20 năm. Đến năm 2000, công ty chuyển về trực thuộc Tông công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD với tên gọi Công ty phát triển nhà và đô thị số 3. Năm 2004, Công ty cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty CP đầu tư và xây dựng HUD3.

HUD3 là chủ đầu tư nhiều dự án nhà ở như: Chung cư CT3, Tây Nam Hồ Linh Đàm; Happy House Garden, lô CT18, Khu đô thị mới Việt Hưng; Dự án Khu nhà ở cao cấp và văn phòng cho thuê tại 121-123 Tô Hiệu, Hà Đông; Dự án Khu đô thị mới Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; hay Khu nhà ở thấp tầng BT09, BT10, BT13 và LK29 được Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị giao cho Công ty HUD3 làm chủ đầu tư cấp 2.

Được biết, ý kiến ​​ngoại trừ là một chỉ báo cho thấy kiểm toán viên không thể thu thập đủ dữ liệu hoặc thông tin tài chính về công ty như một giới hạn về phạm vi của cuộc kiểm toán.

Ý kiến của kiểm toán viên tại HUD3 cho biết, Công ty chưa xác định được khả năng thu hồi giá trị chi phí xây dựng dở dang của công trình Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ - Xí nghiệp cơ khí Quang Trung. Đến thời điểm phát hành báo cáo này, bên kiểm toán vẫn chưa xác định được doanh thu còn, được chủ đầu tư chấp nhận thanh toán và chi phí giá vốn còn phải ghi nhận.

Do đó, bên kiểm toán không đủ cơ sở để đánh giá về khả năng thu hồi đối với giá trị chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại ngày 31/12/2022 là: 24.737.248.665 đồng (tại ngày 01/01/2022 vẫn là: 24.737.248.665 đồng). Vì vậy, bên kiểm toán không thể xác định, liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không và ảnh hưởng của nó đến báo cáo tài chính kèm theo của Công ty.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, HUD3 ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế quý 4/2022 là -9,860 tỷ đồng, chênh lệch so với báo cáo được kiểm toán (lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán là 0,479 tỷ đồng).

HUD3 cho biết, nguyên nhân của việc chênh lệch lợi nhuận sau thuế trên là do trên báo cáo tài chính quý 4/2022, Công ty đã chủ động xử lý khoản chi phí dở dang của công trình chưa được quyết toán vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022. Sau khi soát xét, đơn vị kiểm toán đánh giá khoản xử lý này chưa có đủ cơ sở chắc chắn để xác định vào chi phí trong kỳ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chênh lệch lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính công bố quý 4/2022 so với báo cáo được kiểm toán.

Khó chuyển cổ phiếu thành tiền mặt

Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, một chuyên gia lĩnh vực này cho biết, khi cổ phiếu bị hủy niêm yết (cổ phiếu không còn được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán), không được chuyển sàn do tự nguyện hoặc bắt buộc; nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về giá trị sở hữu cổ phiếu. Nhưng giá trị tài sản của cổ phiếu và tính thanh khoản có thể bị ảnh hưởng. Vấn đề lớn nhất của các cổ đông nhỏ là rất khó chuyển số cổ phiếu đang nắm giữ thành tiền mặt.

Trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết, chuyển sàn xuống sàn thấp hơn như Upcom, nhà đầu tư vẫn được giao dịch tại sàn mới, nhưng tính thanh khoản sẽ thấp do giá trị cổ phiếu đã giảm.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng, trong trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết không chuyển sàn, nhà đầu tư nên liên hệ với doanh nghiệp và đề nghị cấp sổ cổ đông, xem lại các chính sách thu mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp nếu có.

Nhà đầu tư cũng có thể tiếp tục nắm giữ đối với những cổ phiếu có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, khả năng phục hồi đối với những cổ phiếu này là khó, bởi trên thực tế, các công ty mà có cổ phiếu huỷ niêm yết và phải rời khỏi sàn thường là những công ty làm ăn thua lỗ liên tục nhiều năm, thông tin thiếu minh bạch.

"Để bảo vệ chính mình, nhà đầu tư không nên mua những cổ phiếu của những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không minh bạch, có dấu hiệu làm giá, hoặc đang trong diện kiểm soát nói chung...", vị chuyên gia khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.