Xã hội

Khi nhà báo đi viết bài "kiếm thêm"

20/06/2021, 14:57

Cũng như nhiều nghề khác, báo chí không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn trước tác động của dịch Covid-19.

img

Trong vòng xoáy khó khăn, không ít phóng viên phải xoay xở, tìm tới việc viết bài PR cho doanh nghiệp, làm KOL… để có thêm thu nhập. Ảnh: Tạ Hải

Chưa kể, thực hiện quy hoạch báo chí, việc xáo trộn, thay đổi sau khi sáp nhập ở nhiều tờ báo đã khiến không ít phóng viên phải xoay xở đủ cách để có thêm thu nhập. Một trong những công việc mà nhiều người tìm tới là viết bài PR cho doanh nghiệp.

10 năm làm nghề vẫn phải... học cách viết PR

Chị Nguyễn Thị H. (35 tuổi), có thâm niên làm báo hơn 10 năm, hiện đang làm thư ký tại một tờ báo kinh tế có tiếng ở Hà Nội. Trước đây, thu nhập của chị tạm ổn để lo cho cuộc sống gia đình.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 hoành hành, nguồn thu từ quảng cáo, truyền thông của tòa soạn sụt giảm nghiêm trọng. Điều đó khiến lãnh đạo tòa soạn buộc phải đưa ra chính sách giảm 30% thu nhập và 50% các khoản thưởng, phụ cấp của tất cả mọi người trong cơ quan; cắt giảm nhân sự ở tất cả các bộ phận.

Mức thu nhập giảm quá nửa đã khiến cuộc sống của chị H. và gia đình nhiều lúc rơi vào tình trạng bấp bênh. Một ngày, tình cờ “lạc” vào group của những người chuyên viết nội dung quảng cáo (content marketing) trên mạng, chị H. nhận ra mình có thể tranh thủ kiếm thêm từ công việc này.

“Ban đầu nhận viết content quảng bá sản phẩm trên Facebook, tôi cứ tưởng đã làm báo rồi thì quá đơn giản. Nhưng vào việc rồi mới thấy mình còn thiếu hụt rất nhiều kỹ năng. Những yêu cầu về chuẩn SEO (tối ưu từ khóa phục vụ tìm kiếm - PV), về tính linh hoạt, hài hước, 100% sáng tạo, không được sao chép… vô cùng khắt khe. Trong khi, nhuận bút thì vô cùng bèo bọt. Có những bài viết 1.000 - 1.500 chữ giá chỉ từ 25.000 - 30.000 đồng”, chị H. kể.

Sau 1 tháng, khi bắt đầu cảm thấy nản, chị may mắn tìm được công việc cộng tác cho kênh YouTube về lịch sử, địa lý và chính trị với mức nhuận bút khá khẩm hơn, từ 250.000 - 300.000 đồng cho bài 1.500 chữ. Công việc đều đặn, phía đối tác yêu cầu viết 2 bài/ngày, tiền trả vào cuối tháng. Nếu chịu khó viết thì mỗi tháng cũng được hơn 10.000.000 đồng.

“Cứ tưởng “ngon ăn” nhưng tôi thêm lần nữa phải chật vật, làm quen dạng văn nói để có thể dựng thành video. Ban đầu, biết được người “cầm tay chỉ việc” cho mình là một em sinh năm 1997, mới ra trường, tôi có hơi sốc. Tôi giấu nhẹm chuyện mình đang là một biên tập viên và đã có thâm niên làm báo gần 10 năm. Nhưng điều tôi sốc hơn cả là những gì em này “dạy” cho mình về cách viết, cách chuẩn SEO, cách mở đầu và kết thúc hấp dẫn, cách kết đoạn logic và lôi kéo người ta nghe tiếp… Đó là những thứ mà 10 năm làm báo tôi không hề được dạy và được làm!”, chị H. chia sẻ.

Không may mắn như chị H., Trần Văn Phương, phóng viên của một tờ tạp chí, sau khi buộc phải nghỉ việc vào giữa năm 2020 do cơ quan thực hiện quy hoạch, đã quyết định rẽ hướng làm một Freelancer chuyên nghiệp (người làm nghề viết tự do - PV).

“Để sống bằng nghề viết, chỉ còn biết “năng nhặt chặt bị”, cái gì cũng viết từ content tới review sản phẩm… với mức nhuận bút chỉ vài chục nghìn đồng cho mỗi bài hơn 1.000 chữ. Thỉnh thoảng có doanh nghiệp thuê viết bài PR thì nhuận bút khá khẩm hơn, từ 500.000 - 1.000.000 đồng/bài. Đôi khi là viết PR cho một số cá nhân để đăng báo hoặc nâng uy tín trên mạng xã hội. Nhưng sau khi xong việc, tự cảm thấy xấu hổ với bản thân vì nó không đúng sự thật”, Phương chia sẻ.

Nhận mức nhuận bèo bọt nhưng không ít người vẫn bị lừa, bị xù tiền. Nguyễn Phương Anh - một Freelancer xuất thân từ phóng viên cho biết: “Thông thường trước khi nhận việc phía đối tác sẽ yêu cầu phải gửi bài test theo chủ đề mà họ đưa ra.

Nhưng một số đơn vị nhận bài test xong thì chê là bài không hay, không trả nhuận bút, nhưng sau đó lại thấy xuất hiện trên website, kênh YouTube của họ! Kiểu lừa này rất phổ biến và các nhóm lừa đảo chỉ cần lừa được khoảng 7 - 8 ứng viên là đã đủ bài cho dự án của mình”.

Một chiêu trò khác là những dự án “ma” yêu cầu các Freelancer phải đặt cọc tiền để nhận được công việc. “Kinh nghiệm cho những người viết là cần làm hợp đồng trước khi nhận việc. Cần yêu cầu gửi 50% tiền hợp đồng trước khi bắt tay vào làm”, Phương Anh chia sẻ kinh nghiệm.

Khi nhà báo là KOL - cơ hội và cạm bẫy

Cũng là bài PR, nhưng với một số nhà báo mà tài khoản mạng xã hội có lượng người theo dõi cao (giới trong nghề hay gọi vui là “tổ ngàn like”), cơ hội kiếm tiền rộng mở hơn hẳn.

Giám đốc truyền thông một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cho hay, chị thường đặt bài phóng viên viết bài PR rồi đăng trên trang cá nhân của chính phóng viên với mức thù lao trung bình 2.000.000 - 3.000.000 đồng. Còn đối với những người làm báo thuộc “tổ ngàn like” (được xếp hạng KOL - những người có ảnh hưởng), thù lao có thể gấp 5, gấp 10 lần, thậm chí hơn.

Trong 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam có nội dung: Nhà báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Đừng vì thiếu hiểu biết hay thế lực nào đó mà viết báo một đằng song khi lên mạng xã hội lại viết một kiểu…
TS. Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam

“Một số nhà báo có nghề, từ một thông cáo báo chí, họ có thể lồng ghép vào đó những câu chuyện hoặc vận dụng kiến thức để phân tích, xâu chuỗi để thông tin trở nên hấp dẫn. Mỗi người có một văn phong, người hóm hỉnh, người uyển chuyển, duyên dáng... rất lôi cuốn người đọc. Chưa kể, những nhà báo này đã có một lượng bạn đọc đông đảo, nhờ vậy thông điệp được truyền tải rất hiệu quả”, vị giám đốc truyền thông nói.

Phó giám đốc một công ty truyền thông có kinh nghiệm trong mảng truyền thông mạng xã hội cho biết, tùy vào lĩnh vực, nhãn hàng, chiến dịch truyền thông, đối tượng khách hàng cũng như “khẩu vị” của ông chủ doanh nghiệp, công ty sẽ lựa chọn KOL khác nhau, với chi phí cũng khác nhau.

“Có những chiến dịch phủ sóng rộng, có những vụ chỉ cần lên vài kênh KOL đi vào ngách là hiệu quả. Trung bình giá từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng/status, còn cá biệt có những status đi ngược lại dư luận có thể lên vài chục triệu. Tuy nhiên, xét theo đúng nghĩa KOL trong làng báo hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trường hợp này, không phải cứ trả tiền là xong, bởi họ còn xem xét có hợp với quan điểm hay không”, vị này cho biết.

Theo TS. Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, trước đây khi nghề viết content, PR chưa phát triển thì nhà báo cũng đã bắt tay vào làm các cuốn sách, phim tư liệu truyền thống cho các đơn vị để có thêm thu nhập.

Đây cũng là nguồn thu nhập chính đáng và nên khuyến khích. Tất nhiên, phải đi kèm điều kiện là đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ tại cơ quan, không được bỏ bê công việc chính.

Bên cạnh đó, ông Dung cũng lưu ý, hiện đang có rất nhiều cạm bẫy đặt ra khi PV cộng tác làm thêm bên ngoài. Danh nghĩa nhà báo có thể bị các đối tác là cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức tìm cách lợi dụng để làm bình phong, đánh bóng tên tuổi của họ.

“Kể cả nội dung viết không có gì sai trái nhưng khi anh nhận lời mời viết cho một đối tác đang có vấn đề thì cũng gây ảnh hưởng tới tư cách nhà báo và uy tín của tòa soạn”, ông Dung nói và dẫn chứng, một cạm bẫy là khi các đối tác không thể đưa câu chuyện của mình lên trang báo chính thống, họ sẽ xoay sang lợi dụng truyền thông từ mạng xã hội để dẫn dắt dư luận, đổi trắng thay đen, làm sai lệch bản chất sự việc.

Và điều thứ 3, theo ông Dung cần đặc biệt lưu ý là nhà báo đừng để đối tác mượn ngòi bút của mình để trở thành tay “đâm thuê, chém mướn”, hạ bệ đối thủ của nhau. Đây cũng chính là “cung bậc tệ hại nhất của cạm bẫy trong nghề”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.