Hiện nay, nhà thầu Việt đã làm chủ máy móc, trang thiết bị, tự xây dựng giải pháp, phương án để chinh phục những công trình hiện đại, phức tạp nhất. Tuy nhiên, phải thừa nhận, nhà thầu Việt vẫn phát triển chưa xứng với tiềm năng, cả tiềm lực và năng lực còn hạn chế, thua thiệt so với nhà thầu ngoại...
Vậy nhà thầu Việt cần làm gì để bứt phá, chinh phục những đỉnh cao mới, nhất là khi chúng ta đang dồn lực đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP Invest:
"Hoàn thiện thể chế để nhà thầu Việt cất cánh"
Những năm gần đây, chúng ta từng ngày chứng kiến sự sôi động của thị trường. Nếu như những ngày đầu, ngành xây lắp giao thông chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước thuần túy thuộc Bộ GTVT như: Cienco1, Cienco4, Cienco8, thì giờ đây, có thêm sự góp mặt của doanh nghiệp tư nhân.
Song, trước yêu cầu của dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2), chúng ta cũng nhận thấy còn thiếu những doanh nghiệp đủ mạnh để chinh phục những "gã khổng lồ". Doanh nghiệp có số vốn trên 3.000 tỷ đồng đếm không hết hai bàn tay. Doanh nghiệp xây dựng có số vốn 1.000-3.000 tỷ đồng chỉ khoảng 2-3%. Doanh nghiệp xây dựng có vốn dưới 100 tỷ chiếm tỷ lệ 90% số doanh nghiệp.
Qua rà soát của Bộ GTVT, hầu như không nhà thầu nào có năng lực đáp ứng được những gói thầu trên 10.000 tỷ đồng. Trong 5 năm gần đây, chỉ có 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng có giá trị khoảng 3.600 tỷ đồng. Mở rộng 10 năm, có thêm 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng có giá trị khoảng 5.700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là tình trạng thiếu hụt lao động. Nếu trước kia, lao động chạy theo việc làm, ở đâu có việc là tới, thì nay, họ chọn điều kiện làm việc, chế độ làm việc và vị trí dự án xây dựng thuận lợi, phù hợp với bản thân. Do đó, nhiều nhà thầu, nhất là nhà thầu nhỏ, những dự án vùng sâu, vùng xa khó khăn trong tuyển lao động. Bắt buộc nhà thầu phải sử dụng những lao động phổ thông, lao động miền núi chưa có kỹ năng tốt.
Cùng đó là tình trạng thiếu những lao động tay nghề cao. Thống kê, ngành xây dựng chỉ có khoảng 30-35% lao động được đào tạo qua trường lớp, có kỹ năng tốt, đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật hiện đại. Còn lại 66-70% là lao động phổ thông, thời vụ. Điều này khiến chúng ta đánh mất cơ hội trên sân nhà.
Do đó, tới đây, khi Nhà nước dồn lực phát triển hạ tầng giao thông (giai đoạn 2020-2025 khoảng 470 nghìn tỷ đồng; Năm 2030 khoảng 900 nghìn tỷ đồng) với mục tiêu mở rộng không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại là cơ hội để doanh nghiệp trong nước bứt phá.
Đặc biệt, sau năm 2025, Nhà nước ưu tiên cho đường sắt, đường sắt tốc độ cao. Đó là cơ hội để các nhà thầu xây dựng tiếp tục phát huy trí lực, vật lực, có thêm công ăn việc làm, tiếp tục khai thác nguồn lực sẵn có về nhân công, máy móc, trang thiết bị chúng ta đã mua sắm để phục vụ các dự án ở những giai đoạn trước.
Do đó, nhà thầu trong nước cần nhìn nhận, định hướng, phải đi trước, đón đầu nắm bắt cơ hội này. Ngay từ lúc này, cần có sự chuẩn bị về vật lực, đào tạo kỹ sư, lao động, vận hành, làm chủ các trang thiết bị xây dựng đường sắt và đường sắt cao tốc. Chuẩn bị kỹ lưỡng về trí lực, vật lực lúc này chính là tạo tiền đề cho cơ hội trở thành nhà thầu chính trong các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, là điểm cộng khi tham gia đấu thầu đường sắt, đường sắt cao tốc quốc gia.
Hiện nay, hệ thống pháp luật như: Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai... đang được sửa đồng bộ, tạo hành lang pháp lý thống nhất, mà không phải nước nào cũng làm được. Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên có những nghị quyết gỡ khó cho thị trường như lãi suất, khoanh nợ, trái phiếu; Ban hành những chính sách đặc thù như: Chỉ định thầu dự án trọng điểm quốc gia, tạo cơ chế đặc thù cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ dự án trọng điểm, thưởng nhà thầu đảm bảo tiến độ. Đây thực sự là những cơ sở vững chắc để ngành xây dựng chinh phục đỉnh cao mới.
Do đó, đây là lúc, doanh nghiệp trong nước tăng cường liên kết, hợp tác để tăng tính cạnh tranh, nâng cao hiệu quả, từng bước trau dồi, tích lũy kinh nghiệm, từng bước chinh phục những "gã khổng lồ", dành những vòng nguyệt quế mới. Đặc biệt là tầm nhìn chiến lược, khi tới đây, ngành xây dựng không chỉ làm những công trình trên mặt đất mà còn định hướng phát triển ngầm đô thị. Do đó, nắm bắt được cơ hội lúc này, chúng ta không những làm chủ hoàn toàn thị trường trong nước mà là tiền đề để "vươn khơi", mở rộng ra thị trường quốc tế.
Tôi cũng kỳ vọng, Nhà nước sẽ tiếp tục, kịp thời hoàn thiện thể chế, chính sách để minh bạch, lành mạnh thị trường xây dựng như: Bổ sung quy định, kịp thời cập nhật đơn giá, định mức; Cụ thể hóa quy định điều kiện nhà thầu chính, thầu phụ...
Đồng thời, Nhà nước cần bổ sung chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước khi đảm nhận công trình khó đòi hỏi năng lực tài chính, trình độ khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao; Đảm bảo công ăn việc làm dài hạn để nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng yên tâm gắn bó, mua sắm đầu tư trang thiết bị mới, bớt nỗi lo máy chưa khấu hao đã hết việc làm.
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4:
"Nới tiêu chí, tăng cơ hội cho nhà thầu nội"
Việc chưa có nhiều doanh nghiệp giao thông Việt Nam tham gia đấu thầu các dự án quy mô lớn như nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành vừa qua là trăn trở lớn.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nhà thầu giao thông có điều kiện lớn nhanh, mạnh nhanh, đủ năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế? Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc mạnh dạn chia các gói thầu lớn là điều cần thiết. Đây là yếu tố vừa giúp nhà thầu tích lũy kinh nghiệm, vừa nhanh chóng nâng cao năng lực, đáp ứng tiêu chí về giá trị hợp đồng tương tự khi tham gia gói thầu.
Tăng cơ hội cho nhà thầu nội tiếp cận các dự án quy mô, gói thầu lớn, cơ quan có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu nới một số tiêu chí để doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia. Ví dụ, theo quy định pháp luật đấu thầu hiện hành, doanh nghiệp tham gia dự thầu phải có hợp đồng tương tự với giá trị bằng 70% giá trị gói thầu đang xét, giờ có thể nghiên cứu giảm chỉ còn 50%.
Chẳng hạn, với hợp đồng tương tự có giá trị 1.000 tỷ đồng, nhà thầu có thể tham gia đấu thầu các gói có giá trị 2.000 tỷ đồng thay vì chỉ được tham gia gói thầu 1.400 tỷ đồng theo quy định hiện nay.
Số lượng nhà thầu tham gia trong một liên danh cũng cần xem xét theo hướng mở, không giới hạn để nhà thầu Việt tăng khả năng liên kết đáp ứng tiêu chí về nhân lực, thiết bị, nguồn lực tài chính. Yêu cầu đặt ra là các nhà thầu phải đưa ra được phương án phân bổ khối lượng công việc, cam kết tổ chức thi công đúng tiến độ, chất lượng. Nếu không làm được sẽ phải chịu hình thức xử lý phù hợp.
Thời gian qua, cơ chế vốn Nhà nước ưu tiên doanh nghiệp trong nước đã được thực hiện. Ở các dự án lớn, khi nhà thầu ngoại sắm vai chính, nhà thầu nội vẫn được tham gia một khối lượng công việc nhất định. Tuy nhiên, nếu không có những cơ chế đột phá hơn, nhà thầu giao thông Việt Nam sẽ vẫn yếu thế khi "vươn ra biển lớn".
Ông Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp:
Cần coi xây dựng như ngành công nghiệp "không khói"
Gần đây, các nhà thầu xây dựng giao thông trong nước không ngừng lớn mạnh và góp mặt ở nhiều dự án giao thông lớn, trong đó có cao tốc Bắc - Nam, metro và nhiều cầu tầm cỡ bắc qua những con sông lớn như sông Tiền, sông Hậu… điển hình là cầu Mỹ Thuận 2. Toàn bộ các gói thầu từ thiết kế đến xây lắp của cầu Mỹ Thuận 2 đều do các nhà thầu Việt Nam thực hiện, trong khi trước đây các dự án cầu lớn đều do đối tác nước ngoài tham gia xây dựng.
Về năng lực kỹ thuật, các nhà thầu Việt Nam không thua các nhà thầu nước ngoài, nhưng khi so nguồn lực về tài chính, các nhà thầu trong nước còn yếu, chưa đảm bảo tài chính để "đứng mũi chịu sào" những gói thầu lớn. Ngay ở vòng sơ loại, so về tài chính, các nhà thầu Việt Nam đã không đảm bảo. Đây là thua thiệt lớn của các nhà thầu nội.
Còn về cơ chế, chính sách, hiện chúng ta đã có một số ưu đãi nhất định. Trong khi các nhà thầu nước ngoài khi vào Việt Nam phải chịu nhiều loại lệ phí, thuế thì các đối tác trong nước hưởng nhiều ưu đãi tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ coi xây dựng là ngành kinh tế hỗ trợ mà cần coi trọng là một ngành công nghiệp "không khói" chủ lực như ngành du lịch để tập trung đầu tư phát triển.
Ngoài việc nâng cao vị thế và tiềm lực cho doanh nghiệp Việt, chúng ta có thể tận dụng nguồn nhân lực trong nước để làm những công trình lớn, thay vì phải đổ tiền thuê các đối tác nước ngoài, dùng nhân lực, nguồn lực ở nước ngoài. Đó là điều rất lãng phí.
Ở chiều ngược lại, các nhà thầu nội cũng cần tự soi lại mình vì sao chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vẫn phải đi làm thuê, làm thầu phụ cho các "ông lớn" nước ngoài để qua đó thay đổi tư duy trong quản lý, điều hành, đồng thời ứng dụng công nghệ tiên tiến để vượt lên.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh:
Nhà thầu Việt cần một "nhạc trưởng"
Trải qua nhiều thập kỷ phát triển, từ việc các dự án giao thông có tính chất kỹ thuật phức tạp phải phụ thuộc chủ yếu vào các nhà thầu nước ngoài, đến nay, nhà thầu Việt Nam đã vươn lên làm chủ nhiều công nghệ thi công hiện đại, tự thiết kế, xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông hiện đại, đó là cầu Bạch Đằng, cầu Rạch Miễu dây văng hai mặt phẳng dây, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Thế nhưng, thẳng thắn nhìn nhận, các nhà thầu giao thông Việt Nam vẫn chậm lớn về bề dày nguồn lực tài chính, máy móc, thiết bị...
Gia tăng nội lực giúp doanh nghiệp giao thông Việt tự tin tiến sâu vào các dự án đấu thầu quốc tế, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi, miễn giảm thuế phù hợp cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị thi công.
Cùng đó là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, tạo đà đẩy mạnh sản xuất thi công, gia tăng tích lũy nguồn vốn.
Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước hoặc hiệp hội cần sắm vai "nhạc trưởng", cầu nối tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng, đảm bảo liên danh mạnh về tài chính, nguồn lực thi công, khả năng thiết kế, xây dựng. Sự liên kết này có thể giữa các nhà thầu cùng lĩnh vực giao thông hoặc giữa nhà thầu giao thông với các doanh nghiệp khác ngoài ngành, nhưng có thể cùng hợp tác để tạo ra một sản phẩm.
Thay vì mỗi doanh nghiệp chia nhau làm một đoạn độc lập thì cùng nhau làm một sản phẩm xuyên suốt, mỗi người một nhiệm vụ, hạng mục khác nhau.
Muốn làm được vậy, cần có cơ chế khuyến khích, có thể là thưởng điểm trong đấu thầu hoặc một cơ chế thưởng phù hợp để các nhà thầu thấy được cái lợi trước mắt và tìm đến nhau.
Trước mắt, việc chia gói thầu cũng cần nghiên cứu ở mức độ phù hợp, không xé nhỏ, nhưng cần đảm bảo tính khả thi để nhà thầu nội có thể tiếp cận, từng bước nâng cao năng lực thi công và quy mô gói thầu đảm nhận.