TOÀN CẢNH NHÀ THẦU GIAO THÔNG VIỆT NAM

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Cố Tổng thống Mỹ John F.Kennedy thì cho rằng: “Không phải sự giàu có làm nên những con đường mà chính những con đường mới làm nên sự giàu có”.

Những tuyên ngôn trên đều khẳng định một chân lý, đất nước muốn phát triển thì “giao thông phải đi trước mở đường”. Kết cấu hạ tầng giao thông phải được ưu tiên đầu tư phát triển trước, tạo đòn bẩy đưa đất nước phát triển hùng cường.

Cho đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, một trong ba đột phá chiến lược được xác định chính là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; Ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông.

Theo tính toán của các nhà khoa học, hạ tầng, giao thông là lĩnh vực có tác động lan tỏa lớn nhất, mức độ tác động từ 1,26-1,4 lần (1 đồng đầu tư vào giao thông có thể thu về 1,25-1,4 đồng). Khi giao thông được thông suốt, sẽ giúp sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, dịch vụ giảm thời gian, chi phí, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Quyết tâm cụ thể hóa đường lối của Đảng, nhà nước, hệ thống hạ tầng giao thông đất nước không những được mở rộng mà ngày càng hiện đại với mạng lưới đường cao tốc tăng theo cấp số nhân. Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của các nhà thầu giao thông - những chủ thể đã đưa chủ trương, đường lối thành sản phẩm cụ thể, đóng góp lớn vào mục tiêu “khơi thông mạch máu của nền kinh tế”, đánh thức những mảnh đất giàu tiềm năng.

Với ý nghĩa đó, ấn phẩm “Tổng quan nhà thầu hạ tầng giao thông Việt Nam - Những doanh nghiệp đi trước mở đường” do Báo Giao thông xuất bản năm 2023 đã tiếp cận các doanh nghiệp, doanh nhân lĩnh vực hạ tầng giao thông ở một góc độ khác, góc nhìn khác, không chỉ đơn thuần là những người trực tiếp làm ra những con đường, cây cầu, nhà ga, bến cảng mà ở vai trò, sứ mệnh của những người tiên phong “đi trước mở đường”, gánh trên vai sự nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - một trong ba đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Thực hiện sứ mệnh ấy, những năm vừa qua, cùng với sự chuyển mình của đất nước, đội ngũ các nhà thầu hạ tầng giao thông Việt Nam chứng kiến sự phát triển bùng nổ với nhiều mức độ, quy mô khác nhau. Từ những đơn vị có bề dày truyền thống như các Cienco một thời được coi là những “anh cả đỏ”, cho đến các nhà thầu mới nổi nhưng cũng có quy mô và năng lực không thua kém, hay các đơn vị tư nhân mới chân ướt, chân ráo bước chân vào lĩnh vực này.

Mặc dù vậy, có một thực tế không thể phủ nhận, dù lớn mạnh về số lượng nhưng các doanh nghiệp hạ tầng giao thông Việt Nam vẫn chưa thực sự vươn tầm và phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thậm chí thua trên chính sân nhà của mình so với nhà thầu ngoại. Minh chứng cho điều đó là không ít các dự án giao thông tầm cỡ, có kỹ thuật, khoa học công nghệ cao vẫn để các nhà thầu nước ngoài chiếm lĩnh. Hay số doanh nghiệp vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ Việt Nam để đấu thầu, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp ngoại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Quay ngược thời gian, suốt chiều dài lịch sử gần 80 năm hình thành, phát triển, ngành GTVT luôn phát huy tinh thần “đi trước mở đường”. Trong thời kỳ chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành GTVT đã lập nên những chiến công bảo vệ đất nước bằng ý chí quyết thắng “Địch phá ta sửa, ta đi”. Hàng ngàn, hàng vạn con đường ra tiền tuyến, dù khó khăn, vất vả đến đâu cũng không làm sờn lòng những đơn vị mở đường.

Hòa bình lập lại, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước, ngành GTVT tiếp tục để lại nhiều dấu ấn bằng những công trình tầm cỡ như cầu: Thăng Long, Chương Dương, Bến Thủy, Mỹ Thuận, Thanh Trì, Cần Thơ… Các trục đường Thăng Long - Nội Bài, QL1A, QL5, QL51, đường Láng - Hòa Lạc, đường Hồ Chí Minh…

Thời điểm đó, Việt Nam cũng có không ít các nhà thầu giao thông danh tiếng, có thương hiệu, trong đó phải kể đến các Cienco không chỉ đảm đương được các dự án, công trình giao thông lớn, kỹ thuật khó trong nước mà còn tham gia đấu thầu thi công nhiều dự án ở nước ngoài như: Lào, Campuchia, Myanmar, UAE…

Những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự ủng hộ của nhân dân và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà thầu giao thông, diện mạo hạ tầng giao thông Việt Nam ngày càng thay đổi, mở rộng hơn, hiện đại hơn.

Cụ thể hóa mục tiêu đặt ra về hạ tầng giao thông đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án metro, đường sắt tốc độ cao… bên cạnh vai trò quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ GTVT, các doanh nghiệp, nhà thầu giao thông được xác định là lực lượng nòng cốt để triển khai nhiệm vụ, đáp ứng tiến độ và chất lượng các công trình.

Vậy, làm thế nào để các nhà thầu lĩnh vực hạ tầng giao thông thực sự lớn mạnh, phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế; Việt Nam có được những nhà thầu danh tiếng, có đủ năng lực để cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu quốc tế, không chỉ ở các dự án trong nước mà cả nước ngoài; Cơ chế, chính sách liên quan đến các nhà thầu lĩnh vực hạ tầng giao thông đang còn bất cập, vướng mắc gì cần tiếp tục tháo gỡ để nhà thầu phát triển…

Cuốn sách Tổng quan nhà thầu hạ tầng giao thông Việt Nam - Những doanh nghiệp đi trước mở đường lần đầu tiên được xuất bản năm 2023 là tập hợp các bài viết tổng quan về tình hình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước. Cuốn sách cũng giới thiệu những nét chính yếu, cơ bản về các nhà thầu hạ tầng giao thông, cùng những thuận lợi và cả những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách… mà họ muốn sẻ chia để được cùng nhau tháo gỡ. Cuốn sách đồng thời còn là lời thủ thỉ, tâm tình về chuyện đời, chuyện nghề của những người lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà thầu hạ tầng giao thông - những đơn vị đang nỗ lực “đi trước mở đường” để tạo đà, tạo động lực cho đất nước cất cánh và phát triển.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!

Tổng biên tập Nguyễn Thị Hồng Nga