Obayashi và công trình nhà ga Tokyo thế kỷ
Một trong số đó phải kể đến Obayashi, một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất tại Nhật Bản, bao gồm 86 công ty con và 26 công ty liên doanh, với hơn 13.000 nhân viên và tổng doanh thu ròng hàng năm lên đến 1.400 tỷ yên (khoảng 9,4 tỷ USD).
Nhà thầu này cũng từng để lại nhiều dấu ấn trong các dự án lớn tại Việt Nam. Công ty Obayashi ra đời vào năm 1892 tại Osaka, Nhật Bản, được đặt theo tên người sáng lập - ông Yoshigoro Obayashi. Các hoạt động chủ yếu của tập đoàn là xây dựng các công trình (trong đó có nhiều công trình giao thông) và kinh doanh bất động sản.
Sự phát triển và uy tín của tập đoàn này thể hiện rõ qua những công trình mà Obayashi thực hiện trên đất nước Nhật Bản từ những năm đầu khởi nghiệp cho đến nay. Mở đầu là các dự án xây dựng Cảng Osaka, Trung tâm triển lãm công nghiệp quốc gia thứ năm.
Năm 1914, Công ty Obayashi tiến hành xây dựng nhà ga trung tâm Tokyo (ngày nay là nhà ga Tokyo), đánh dấu mốc công nghệ kỹ thuật của công ty đã phát triển lên tầm quốc gia. Trải qua trận động đất Kanto kinh hoàng khiến thủ đô Tokyo bị tàn phá vào năm 1923 nhưng nhà ga này vẫn còn nguyên vẹn.
Sau nhiều năm hoạt động, Obayashi đã phát triển vượt bậc qua nhiều dự án, đặc biệt là các công trình giao thông như hệ thống tàu điện ngầm thành phố Osaka đầu tiên, chạy từ Yodoyabashi đến Kitakyutaro-machi.
Năm 1991, kỷ niệm 100 năm thành lập, Obayashi tiếp tục tham gia vào nhiều công trình giao thông trọng điểm như xây dựng sân bay quốc tế Kansai, đường cao tốc xuyên vịnh Tokyo.
Không dừng ở quy mô quốc gia, Obayashi ghi dấu với nhiều kỷ lục vươn tầm quốc tế. Năm 1962, Obayashi là công ty xây dựng Nhật đầu tiên nhận được dự án xây dựng ở nước ngoài. Sau đó, công ty thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ và trở thành nhà thầu Nhật Bản đầu tiên thắng thầu dự án xây dựng hệ thống thoát nước của chính quyền thành phố San Francisco.
Tại Việt Nam, Công ty Obayashi đã có bước khởi nghiệp đầu tiên từ năm 1992, thành lập các văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP.HCM. Qua nhiều năm, Obayashi được biết đến với nhiều dự án nổi bật như: cầu Thanh Trì, ga hành khách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đường hầm Thủ Thiêm, đại lộ Đông – Tây (TP.HCM)...
Bên cạnh kinh nghiệm với bề dày hàng trăm năm, Obayashi vẫn tiếp tục sáng tạo, phát triển nhiều công nghệ mới. Mới đây nhất là thử nghiệm hệ thống hạ tầng đường bộ mới tại Trung tâm Nghiên cứu công nghệ ở TP Kiyose, vùng Tokyo cùng với nhiều đối tác ngoài ngành xây dựng.
Công ty này sẽ thực hiện các cuộc thử nghiệm để phát triển công nghệ cung ứng điện cho xe điện trong khi các phương tiện này đang di chuyển hay tạm dừng trên đường và cả những công nghệ đảm bảo liên lạc trong sử dụng dịch vụ hệ thống.
Dự án này mang tên "e-MoRoad" được kỳ vọng có thể đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề mới phát sinh của thế giới như xe điện thân thiện môi trường và trung hòa carbon.
Vinci quản lý tới 7.000km cao tốc, 36 sân bay
Một nhà thầu xây dựng quy mô lớn nổi tiếng thế giới khác là Vinci S.A. Vinci có trụ sở chính tại Rueil-Malmaison, ở ngoại ô phía tây của Paris.
Vinci là một công ty lớn trong thị trường ngành xây dựng cũng như nhượng quyền toàn cầu, công ty hiện có 116.377 nhân viên trên 100 quốc gia khác nhau.
Vinci còn hoạt động trong khá nhiều lĩnh vực, từ các dự án xây dựng cao ốc, nhà máy năng lượng, cơ sở hạ tầng cho tới (giao thông vận tải đường bộ, vận tải hàng không, xã hội). Vinci quản lý trên 4.000km đường cao tốc, 36 sân bay tại Pháp và nhiều quốc gia khác như: Bồ Đào Nha, Campuchia, Cộng hòa Dominican, Chile và Nhật Bản. Đây được đánh giá là nhà thầu lớn nhất châu Âu trong lĩnh vực xây dựng với doanh thu lên tới 49,3 tỷ euro (hơn 52,6 tỷ USD) tính đến năm 2022.
Nếu tính về số km, Vinci cũng là công ty sở hữu nhiều đường cao tốc được nhượng quyền khai thác lớn nhất Châu Âu (4.400 km).
Công ty tầm cỡ thế giới này bắt đầu được khai sinh từ năm 1899 do hai người sáng lập Alexandre Giros và Louis Loucheur gây dựng với cái tên Giros et Loucheur (gọi tắt là Girolou) từ quy mô một công ty xây dựng nhỏ chuyên phục vụ các dự án công trình công cộng.
Năm 2000 đánh dấu bước ngoặt của công ty này khi vừa đổi tên thành Vinci và vươn lên quy mô hoàn toàn mới khi đạt được thỏa thuận mua lại một công ty nhượng quyền và xây dựng hàng đầu của Pháp là GTM Group. Thương vụ mua lại đó đã đưa Vinci lên đỉnh cao trong ngành, trở thành tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới, vượt lên trên Công ty Bouygues cũng của Pháp với hơn 17 tỷ EUR doanh thu năm 2000.
Hiện, tập đoàn này có trung bình hơn 70.000 dự án trên khắp thế giới mỗi năm, hoạt động của Vinci bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng nước, năng lượng tái tạo và hạt nhân, dầu khí, môi trường và khai thác mỏ.
Vinci cũng đứng thứ năm trên bảng xếp hạng độc quyền của Tạp chí Xây dựng quốc tế về 200 nhà thầu lớn nhất thế giới. Ông lớn của Pháp không ít lần bày tỏ mong muốn được hợp tác với chính phủ, các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực phát triển đường cao tốc; Hợp tác trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ quản lý, vận hành đường cao tốc.
Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng bày tỏ muốn tìm phương thức để cùng với các đối tác Việt Nam cùng đầu tư phát triển các dự án đường cao tốc mới tại Việt Nam.
CREC và chiến lược vươn ra nước ngoài
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) là tổng thầu thi công công trình xây dựng cơ bản bao gồm: Đường sắt, đường bộ, thị chính, giao thông đường sắt đô thị, thủy lợi, thủy điện, sân bay, cảng biển, bến cảng, chế tạo thiết bị công nghiệp và linh phụ kiện, phát triển bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, kinh doanh đường bộ cao tốc và đầu tư tài chính...
Tính đến nay, tập đoàn này có tới hơn 380 chi nhánh tại 105 quốc gia với tổng nhân viên khoảng 290.000 người; Doanh thu năm 2022 là 1.150 tỷ nhân dân tệ (khoảng 157 tỷ USD).
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc là một trong những đơn vị đang thực hiện chiến lược "vươn ra nước ngoài" cùng với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh.
Các dự án của CREC ở nước ngoài liên quan đến đường sắt, đường cao tốc, cầu, đường hầm, xây dựng nhà ở, đường sắt đô thị, kỹ thuật đô thị, phát triển tài nguyên khoáng sản, phát triển bất động sản và đầu tư công nghiệp đã có mặt tại 84 quốc gia và khu vực ở nhiều châu lục.
Trong đó, nổi bật là các dự án đường sắt như: Đường sắt cao tốc Indonesia - Bandung, đường sắt Trung Quốc - Lào, đường sắt Addis Ababa - Djibouti, đường sắt nhẹ tự động tại Kuala Lumpur (Malaysia)...
Tại Việt Nam, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc là tổng thầu thi công dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2 Cát Linh - Hà Đông với tổng giá trị hợp đồng EPC 640 triệu USD; Dự án điện gió Đắk Nông có tổng giá trị hợp đồng 18,1 triệu USD; Dự án nhà máy lốp tại Tiền Giang có tổng giá trị 5 triệu USD.
Tập đoàn Bechtel xây nhiều công trình biểu tượng
Tại Mỹ, tổng thầu xây dựng cơ bản nổi tiếng là Tập đoàn Bechtel - công ty kỹ thuật, xây dựng và quản lý dự án toàn cầu có thâm niên 125 năm. Doanh thu của tập đoàn này tính đến năm 2020 là khoảng 17,6 tỷ USD.
Đây là một trong những công ty xây dựng và kỹ thuật lớn nhất trên thế giới với hơn 55.000 nhân viên ở gần 50 quốc gia. Bechtel cung cấp nhiều loại dịch vụ, bao gồm kỹ thuật, mua sắm, xây dựng, dự án quản lý, vận hành và bảo trì.
Bechtel có lịch sử lâu đời, thực hiện nhiều siêu dự án phức tạp mang tính biểu tượng và đầy thách thức như Nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C ở Vương quốc Anh, mở rộng kênh đào Panama, xây dựng đập Hoover, đường hầm eo biển Manche (Channel Tunnel), cầu Cổng vàng biểu tượng của Mỹ.
Bechtel cũng tham gia vào một số dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới, như đập Tam Hiệp, đường cao tốc Ankara - Gerede ở Thổ Nhĩ Kỳ - một phần trong mạng lưới đường bộ nối Châu Âu và Châu Á vào năm 1986.