Lô xe vừa được Công ty Honda Việt Nam nhập khẩu về nước sau khi có Giấy chứng nhận kiểu loại ôtô từ Thái Lan - Ảnh: Tùng Tin |
Dù lô ô tô Honda nhập khẩu miễn thuế về nước khiến thị trường ô tô rộ lên những đồn đoán về một cuộc đua giữa xe nhập với xe lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ sản xuất, lắp ráp trong nước lớn vẫn đang kiên định với mục tiêu của mình, sẵn sàng cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Đại lý rục rịch bán xe miễn thuế
Trong vai người đi mua xe Honda CR-V, PV trò chuyện với một nhân viên tại đại lý Honda Long Biên. Theo nhân viên này, hiện nếu mua xe sẽ ký hợp đồng đặt cọc với giá bán theo Honda Việt Nam công bố. Tuy nhiên, thời gian giao xe không được ghi cụ thể trong hợp đồng mà chỉ có thời gian dự kiến vào tháng 4 hoặc tháng 5/2018. “Đối với lô xe Honda vừa nhập về, mỗi đại lý được nhận khoảng 50 xe Honda CR-V. Hiện tại đã có gần 40 hợp đồng đặt cọc. Nếu ký hợp đồng đặt cọc mua xe trong tháng 3/2018, khách hàng còn được Honda Việt Nam tặng 1% giá trị xe”.
Thực tế, các mẫu xe nhập Thái của Honda Việt Nam vừa công bố giá, sau khi trừ các chi phí vận chuyển, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, chi phí kiểm định xe… vẫn đắt hơn xe tại Thái Lan. Cụ thể, các mẫu xe nhỏ Honda Jazz đã được miễn thuế có giá bán tại Việt Nam lần lượt là 538, 589 và 619 triệu đồng đắt hơn bán tại Thái Lan từ 70 - 90 triệu đồng.
Mẫu sedan Honda Civic có mức giá bán lẻ từ 758 - 898 triệu đồng trong khi tại Thái Lan rẻ hơn từ 100 đến hơn 130 triệu đồng. Mẫu xe CR-V tại Việt Nam cũng có giá cao hơn tại Thái Lan khoảng 61 triệu đồng.
Điều này cho thấy, mặc dù lô xe đầu tiên của Honda vừa cập cảng đã có giá thấp hơn trước nhưng vẫn còn dư địa để giảm tiếp.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, thời gian tới, xe nhập khẩu có thể về nước, thông quan một cách thuận lợi, nhiều khả năng, giá xe lắp ráp trong nước cũng sẽ phải điều chỉnh lại để đảm bảo sự cạnh tranh.
“Nhập khẩu từ các nước ASEAN được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%, giá xe sẽ giảm so với hiện nay. Bên cạnh đó, các mẫu xe nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam đều cạnh tranh ở những phân khúc nhất định với xe lắp ráp trong nước nên có thể các hãng xe sẽ phải điều chỉnh lại chính sách”, ông Tuấn chia sẻ. Khi được hỏi về khoảng thời gian xe lắp ráp trong nước có kế hoạch điều chỉnh giá, ông Tuấn cho biết sẽ không phải ở thời điểm hiện tại, dự đoán phải tầm tháng 7 hoặc tháng 8, khi xe nhập khẩu của các hãng bắt đầu quay trở lại thị trường Việt Nam nhiều hơn.
Đối với Toyota Việt Nam (TMV), đại diện hãng cho biết, sớm nhất, xe nhập khẩu của hãng có thể đến tay khách hàng vào khoảng quý III/2018. Khi xe nhập khẩu Toyota và các hãng quay trở lại Việt Nam, TMV có lẽ cũng sẽ phải tính toán điều chỉnh giá bán để đẩy mạnh doanh số xe lắp ráp của hãng tại Việt Nam cũng như cạnh tranh với các mẫu xe đối thủ cùng phân khúc được miễn thuế nhập khẩu.
Xe lắp ráp trong nước sẵn sàng cạnh tranh
Theo đại diện Hyundai Thành Công (HTC) cho biết, đến nay công ty đã tạm ngừng hoạt động nhập khẩu ô tô du lịch, đẩy mạnh hoạt động sản xuất lắp ráp tại Việt Nam. Bằng việc tăng tỷ lệ nội địa hoá, xe Hyundai lắp ráp tại Việt Nam không chỉ phục vụ khách hàng trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Kế hoạch của HTC là chuyển dần sang lắp ráp 90-95% các mẫu xe du lịch. Với tỷ lệ nội địa hoá từ 40% trở lên, xe Hyundai lắp ráp tại Việt Nam sẽ được hưởng thuế nhập khẩu nội khối ASEAN 0%.
Còn theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO Trường Hải - doanh nghiệp có sản lượng và doanh số đứng đầu Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tỷ lệ xe nhập khẩu nguyên chiếc hiện nay không lớn, chỉ chiếm khoảng 40%. “Năm vừa rồi, chúng tôi chiếm khoảng 37% thị phần VAMA. Chúng tôi đang cố gắng nâng thị phần trong VAMA lên 45% trong năm nay”, ông Dương cho biết.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Toyota Việt Nam cũng cho biết, dự kiến trong tuần tới cơ quan chức năng tại Thái Lan sẽ cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô cho các mẫu xe của Toyota và dự kiến lô xe nhập khẩu đầu tiên của hãng sẽ cập cảng Việt Nam vào đầu tháng 4/2018. Tuy nhiên, Toyota cũng sẽ vẫn duy trì và đẩy mạnh sản xuất các mẫu xe đang lắp ráp tại Việt Nam hiện nay.
Trong khi đó một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh ô tô nhận định, chắc chắn khi ô tô nhập khẩu về nước và bán ra tại thị trường Việt Nam sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới khiến các mẫu xe lắp ráp trong nước (CKD) phải tham gia một cuộc đua về giá trong thời gian tới.
Kiểm soát chặt xe nhập miễn thuế Ngày 8/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp nghe ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến các quy định tại Nghị định 116 và Thông tư số 03 về điều kiện kinh doanh ô tô. Phó Thủ tướng cho rằng, do năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0% khiến giá xe giảm rất mạnh. Vì vậy, đây là một thách thức với công nghiệp ô tô Việt Nam. Ngoài việc phải xây dựng các chính sách bảo đảm sự công bằng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Công thương có biện pháp tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu ô tô từ ASEAN xem có đủ điều kiện hưởng thuế suất bằng 0% theo quy định hay không. Bên cạnh đó, nghiên cứu, tiếp thu và giải trình, cần thiết thì hoàn thiện Nghị định 116 để đảm bảo yêu cầu công bằng, minh bạch, cạnh tranh theo các cam kết và thông lệ quốc tế nhưng phải đảm bảo phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng đề nghị các doanh nghiệp chấp hành các quy định và cho biết, ngay trong tuần tới, Bộ GTVT sẽ thành lập một tổ liên ngành xuống làm việc với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến về các kiến nghị liên quan đến Nghị định 116 và Thông tư số 03. Có vấn đề gì thì sẽ giải quyết, tháo gỡ từ yêu cầu thực tiễn. T.M |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận