Tài chính

Chuyện thuế đối ứng từ Mỹ làm nóng mùa đại hội cổ đông 2025

24/04/2025, 16:10

Mùa đại hội cổ đông năm nay, chuyện Mỹ áp thuế đối ứng trở thành chủ đề nóng của mọi doanh nghiệp. Phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp quan ngại và thận trọng về kế hoạch kinh doanh 2025.

Từ ưu tiên về chất lượng chuyển sang quan tâm về giá

Trong những tháng gần đây, chủ đề thuế quan thương mại từ Mỹ thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, đặc biệt là giới doanh nghiệp, nhà đầu tư và cổ đông. Diễn biến này tác động trực tiếp đến chiến lược kinh doanh và hiệu quả tài chính, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải lên tiếng và điều chỉnh định hướng để đối phó.

Tại các đại hội cổ đông đầu năm 2025, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn đã có những chia sẻ thẳng thắn nhằm trấn an cổ đông và công khai các phương án đối phó. Họ đều có điểm chung là xây dựng kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn, ưu tiên kiểm soát rủi ro và chủ động ứng phó với các chính sách thuế quan mới từ Mỹ – trong đó mức thuế 46% dự kiến áp dụng với hàng hóa Việt Nam là tâm điểm lo ngại.

Chuyện thuế đối ứng từ Mỹ làm nóng mùa đại hội cổ đông 2025- Ảnh 1.

Tập đoàn APH đang tích cực mở rộng sang các thị trường thay thế, giảm phụ thuộc vào Mỹ.  Ảnh: Nhật Hạ.

Ông Phạm Đỗ Huy Cường, Tổng giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings (APH), nhận định năm 2025 tiếp tục là một năm đầy thách thức, với nền kinh tế toàn cầu suy giảm, nhu cầu tiêu dùng yếu đi, trong khi căng thẳng địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại leo thang.

Một trong những mối lo lớn của APH là mảng bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN), vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dòng vốn FDI. Ông Cường cho biết, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế mới, nhiều nhà đầu tư đã tạm dừng kế hoạch khảo sát và đầu tư vào Việt Nam để chờ mức thuế chính thức.

Bên cạnh đó, mảng xuất khẩu sang Mỹ – hiện chiếm khoảng 7% tổng doanh thu của APH và được kỳ vọng tăng lên 10% trong năm nay – cũng sẽ chịu áp lực lớn. Do đó, Tập đoàn APH đang tích cực mở rộng sang các thị trường thay thế, giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Ở góc nhìn khác, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex (Pitco) cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn có cơ hội tăng trưởng nhờ đầu tư công và dòng vốn FDI ổn định. Tuy nhiên, những rủi ro từ bất ổn địa chính trị và chính sách thuế thương mại quốc tế đang là mối đe dọa lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Chủ tịch HĐQT Trần Trung Kiên cho biết: Nếu Mỹ chính thức áp thuế, Pitco có thể gặp khó tại hai thị trường lớn là Indonesia và Brazil – nơi mà yếu tố giá cả đang trở nên quyết định do chênh lệch giá giữa Việt Nam và các quốc gia khác tăng lên. "Trước kia, chất lượng là ưu tiên, nhưng nay giá thành lại là yếu tố đầu tiên được xem xét", ông Kiên chia sẻ.

Đại diện cho ngành thép (lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách bảo hộ thương mại), Tập đoàn Hòa Phát cũng có những động thái phòng vệ rõ rệt. Chủ tịch Trần Đình Long thẳng thắn cho biết ngành thép đang bị siết chặt bởi hàng rào thương mại tại nhiều quốc gia. Trong bối cảnh thị trường nội địa gặp khó khăn năm 2024, tỷ trọng xuất khẩu của Hòa Phát từng tăng vọt lên 31% – mức cao nhất từ trước đến nay – nhưng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn.

Hòa Phát hiện duy trì chiến lược kiểm soát tỷ trọng xuất khẩu ở mức an toàn dưới 20%, đồng thời chia nhỏ thị trường xuất khẩu ra nhiều quốc gia (hiện là 40 nước), trong đó Mỹ chỉ chiếm 1%. Chiến lược này giúp tập đoàn giảm thiểu rủi ro trước các biến động từ chính sách thuế quan.

Ngoài ra, nhằm bảo toàn dòng tiền và chuẩn bị cho các kịch bản xấu nhất, Hòa Phát đã đề xuất không chia cổ tức tiền mặt trong năm nay, giữ nguyên quỹ dự trữ tài chính khoảng 25.000 tỷ đồng. Đây được xem là lớp đệm giúp tập đoàn chủ động trước những biến động chưa thể đoán định.

Ngành ngân hàng tự tin 

Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu đang tỏ ra lo lắng, thận trọng trước những biến động về thuế quan từ phía Mỹ, thì ngành ngân hàng lại giữ được sự vững tâm và ổn định. 

Chính sự vững vàng này không chỉ phản ánh khả năng thích ứng linh hoạt của hệ thống tài chính, mà còn đóng vai trò như một nền móng kiên cố, góp phần giúp nền kinh tế duy trì thế cân bằng và bản lĩnh vượt qua những cơn sóng gió từ thị trường quốc tế.

Trước lo ngại của cổ đông về ảnh hưởng từ chính sách thuế quan Mỹ, các lãnh đạo ngân hàng lớn như MSB, TPBank và ACB... đều lên tiếng trấn an, cho rằng tác động là có nhưng nằm trong tầm kiểm soát và đã có phương án ứng phó phù hợp. Tại MSB, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết tổng dư nợ hiện là hơn 191.000 tỷ đồng, trong đó các lĩnh vực chịu ảnh hưởng từ xuất khẩu sang Mỹ (như gỗ, dệt may, thủy sản, điện tử...) chiếm khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương 9,5%. 

Trong thời gian 90 ngày hoãn áp thuế, MSB đã đánh giá kịch bản rủi ro xấu nhất, cho thấy tỷ lệ rủi ro chỉ khoảng 2,34% – vẫn thấp hơn mức kiểm soát 3% của Ngân hàng Nhà nước.

Chuyện thuế đối ứng từ Mỹ làm nóng mùa đại hội cổ đông 2025- Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT TPBank - ông Đỗ Minh Phú.  Ảnh: TPBank.

Chủ tịch HĐQT TPBank - ông Đỗ Minh Phú, thừa nhận thị trường xuất khẩu, đặc biệt là sang Mỹ, đang gặp khó do tác động của chiến tranh thương mại. Dư nợ với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ là khoảng 10.800 tỷ đồng, nhưng doanh số từ Mỹ chỉ chiếm dưới 20% nên mức ảnh hưởng không lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI – nhóm ít vay vốn nội địa – chủ yếu chỉ dùng dịch vụ thanh toán, do đó cũng không tạo áp lực lớn lên tín dụng ngân hàng.

TPBank đã xây dựng các kịch bản ứng phó, bao gồm kiểm soát chi phí và tạm dừng các khoản đầu tư chưa cần thiết. Trong bối cảnh người dân có xu hướng tìm đến kênh trú ẩn an toàn, TPBank cũng sẽ điều chỉnh chính sách lãi suất hợp lý để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.

Về phía ACB, Tổng giám đốc Từ Tiến Phát cho biết ngân hàng đã chuẩn bị cho các biến động kinh tế toàn cầu như phục hồi chậm, áp lực cạnh tranh và rủi ro từ chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, nhờ cơ cấu tín dụng tập trung vào khách hàng cá nhân (trên 60%) và doanh nghiệp vừa và nhỏ – SME (gần 30%) – ACB ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế quan Mỹ vốn tập trung vào hàng xuất khẩu quy mô lớn.

Ông Phát thừa nhận chính sách thuế quan có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam thông qua tỷ giá, đầu tư nước ngoài và tiêu dùng, từ đó tác động đến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống. Tuy vậy, ACB vẫn tự tin giữ nguyên kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16–18% nhờ sự phục hồi tín dụng cá nhân và sự sôi động trở lại của thị trường bất động sản phía Nam.

Ngoài ra, ACB cũng nhìn thấy tiềm năng lớn từ nhóm doanh nghiệp lớn và FDI, hiện mới chiếm khoảng 1% thị phần của ngân hàng. Về lãi suất huy động, dù có xu hướng tăng nhẹ nhưng nhờ sự ổn định vĩ mô và điều hành hợp lý từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, ACB không lo ngại rủi ro lãi suất đột biến.