Quản lý đô thị

Hà Nội tổng rà soát mạng lưới, nâng chất lượng dịch vụ xe buýt

16/04/2025, 20:45

Ngày 16/4, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2066 phê duyệt "Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt" trên địa bàn.

Cơ sở để điều chỉnh mạng lưới, nâng cao chất lượng

Theo UBND TP Hà Nội, đây là cơ sở để thành phố đề xuất các giải pháp điều chỉnh mạng lưới xe buýt, hướng tới phục vụ người dân tốt hơn và tăng tỷ lệ người sử dụng phương tiện công cộng.

Hà Nội tổng rà soát mạng lưới, nâng chất lượng dịch vụ xe buýt- Ảnh 1.

Vinbus phục sự bằng trái tim, được hành khách yêu thích sử dụng đi lại hàng ngày - Ảnh minh hoạ.

Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, những năm qua mạng lưới xe buýt đã được mở rộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, trở thành một trong những phương tiện giao thông công cộng nòng cốt, song hành với hệ thống đường sắt đô thị.

Thành phố cũng đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, đồng thời đa dạng hóa hình thức vé theo nhóm đối tượng.

Đáng chú ý, Hà Nội đã bắt đầu đưa vào vận hành các phương tiện xanh, sạch thân thiện với môi trường. Hiện có 348 xe buýt sử dụng năng lượng sạch (gồm 139 xe sử dụng khí CNG và 209 xe buýt điện), chiếm khoảng 18,5% tổng số xe. Đội xe cũng được nâng cấp về chất lượng và chủng loại phù hợp với điều kiện hạ tầng từng khu vực.

Ngoài ra, thành phố đã triển khai các ứng dụng như "Tìm buýt", Busmap, Vinbus... giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin hành trình và lịch trình xe buýt.

Mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng Hà Nội vẫn đối mặt với không ít thách thức trong phát triển xe buýt công cộng.

Chi phí trợ giá cho xe buýt còn cao, trong khi tốc độ di chuyển còn chậm, trung bình chỉ đạt 16,6 km/h tại khu vực nội đô, khiến xe buýt chưa thật sự hấp dẫn với người dân.

Tỷ lệ xe thân thiện với môi trường còn thấp do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận cơ chế hỗ trợ đổi mới phương tiện, thiếu hướng dẫn cụ thể về vay vốn cũng như ưu tiên chính sách.

Bên cạnh đó, hệ thống nhận diện thương hiệu xe buýt của Thủ đô vẫn chưa được thống nhất về màu sơn, kích thước, kiểu dáng. Hạ tầng hỗ trợ vận hành như điểm đầu/cuối, trung chuyển, làn ưu tiên còn thiếu hoặc chưa phù hợp. Quỹ đất dành cho các hạng mục này cũng gặp khó khăn trong quá trình bố trí và triển khai.

Một số tuyến buýt hiện nay hoạt động chưa hiệu quả do mạng lưới chưa tối ưu, tần suất và sức chứa chưa phù hợp thực tế. Công tác rà soát, điều chỉnh tuyến còn chậm, chưa bắt kịp với nhu cầu di chuyển đa dạng của người dân.

Mục tiêu 40% người dân đi lại bằng vận tải công cộng vào năm 2035

Trước thực trạng trên, Hà Nội đã lựa chọn phương án phát triển theo kịch bản tăng trưởng hợp lý, đặt mục tiêu đến năm 2025 vận tải hành khách công cộng đáp ứng 20% nhu cầu đi lại; năm 2030 đạt 30% và đến năm 2035 đạt 40%.

Để thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ tiếp tục điều chỉnh, hợp lý hóa mạng lưới tuyến xe buýt. Giai đoạn 2025 - 2030, Hà Nội ưu tiên phát triển các tuyến xe buýt sử dụng năng lượng xanh, kết nối chặt chẽ với các tuyến đường sắt đô thị đang được triển khai; đồng thời mở rộng đến các khu đô thị mới, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, bảo tàng…

Từ năm 2031 - 2035, thành phố sẽ phát triển mạng lưới theo hướng hỗn hợp, phù hợp với quy hoạch giao thông đường bộ. Các điểm trung chuyển xe buýt sẽ được hình thành gần các giao cắt trục chính với các tuyến vành đai. Từ đó, hình thành hệ thống xe buýt kết nối từ vùng ngoại thành đến các điểm trung chuyển, rồi tiếp chuyển vào nội đô qua hệ thống buýt nội thành.

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ xây dựng các tuyến xe buýt kết nối trực tiếp giữa trung tâm các đô thị vệ tinh với vành đai đô thị trung tâm; phát triển các tuyến buýt theo quy hoạch hệ thống BRT (xe buýt nhanh) và đường sắt đô thị. Qua đó, từng bước tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng trong cộng đồng dân cư.