
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm
Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong ba đột phá chiến lược là “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông” để hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc”.
Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/4/2022 về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định “Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, Thành phố Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức quan tâm, quyết liệt chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế, chính sách đột phá, tập trung ưu tiên bố trí mọi nguồn lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ GTVT đã rà soát, đánh giá và căn cứ các điều kiện đặc thù, lợi thế của các phương thức vận tải của từng vùng, miền trong đó có vùng ĐBSCL để triển khai lập đồng thời 05 quy hoạch chuyên ngành quốc gia và đến nay đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics.
Về quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc, khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đã hoạch định đến năm 2050 có 1.188km/9.014 km của cả nước, được phân bổ đồng đều trên toàn vùng với 03 trục dọc và 03 trục ngang; trong đó đến năm 2030 có khoảng 760km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km.
Đến thời điểm hiện nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 90km, đang triển khai thi công và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm 458km; Như vậy, đến năm 2025 vùng ĐBSCL có khoảng 548km đường bộ cao tốc, trong đó hoàn thành trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ TP.HCM đến Cà Mau, một số đoạn trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Tây và cơ bản hoàn thành trục ngang cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khởi công ngày hôm nay.
Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 60 ngày 16/6/2022 với chiều dài 188,2km, kết nối từ Châu Đốc tỉnh An Giang đến cảng Trần Đề tỉnh Sóc Trăng, đi qua 4 tỉnh, thành phố; quy mô hoàn thiện là 6 làn xe, quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng.
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 91 ngày 25/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 17 ngày 28/7/2022 về phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần và giao UBND các tỉnh, thành phố làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư. Trong đó: tỉnh An Giang - dự án thành phần 1 dài 57.2km, TP Cần Thơ - dự án thành phần 2 dài 37.2km, tỉnh Hậu Giang - dự án thành phần 3 dài 36.9km và tỉnh Sóc Trăng - dự án thành phần 4 dài 56.9km.
Theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Dự án được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù như: Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc; Được áp dụng các cơ chế khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.