Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới sáng tạo là "cây gậy thần" đạt tới thịnh vượng
Phát biểu thông điệp chính sách, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, với Việt Nam, dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới; Đổi mới sáng tạo là "cây gậy thần" đạt tới thịnh vượng bền vững.
Chiều 16/4, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam năm 2025 với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm".
Hội nghị có chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm", diễn ra từ ngày 16-17/4, với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị.
Con đường phát triển của Việt Nam không tách rời xu thế chung
Phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng vươn tới một kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Với kinh nghiệm của 40 năm đổi mới, Việt Nam xác định chặng đường hiện thực hóa các mục tiêu nói trên cần bảo đảm nguyên tắc "bền vững, bao trùm, hài hòa".
Trong đó bao gồm: Phát triển nhanh phải đi đôi với bền vững, chất lượng cao, phải hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển đất nước phải song hành với trách nhiệm quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, vì hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu; hợp tác quốc tế trên nguyên tắc "các bên cùng thắng"
Quá trình phát triển phải lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu, động lực của mọi chính sách, chiến lược; nhân dân là người thụ hưởng các thành quả của phát triển.
Thể chế xanh là nền tảng quyết định, công nghệ xanh là động lực đột phá, nguồn nhân lực xanh có vai trò then chốt.
Theo Tổng Bí thư, Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp chiến lược cho phát triển đất nước.
Thứ nhất, thúc đẩy cải cách thể chế là đột phá của đột phá. Tập trung cải cách, mở cửa, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển.
Thứ hai, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia.
Trong đó, dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới. Chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo là "cây gậy thần" đạt tới thịnh vượng bền vững.
Về chuyển đổi xanh, nhờ cách tiếp cận đúng đắn, kịp thời, gắn Chiến lược tăng trưởng xanh với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, dù là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam đã bước đầu đạt một số kết quả quan trọng.
Đặc biệt, về thể chế, Việt Nam cơ bản xây dựng các cơ chế, khuôn khổ cần thiết cho tăng trưởng xanh, bao gồm Quy hoạch quốc gia, quy hoạch tổng thể năng lượng, các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực mũi nhọn, danh mục các dự án trọng điểm và các nghị định tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực năng lượng, tăng trưởng xanh.
Tuy vậy, là một nước đang phát triển có nền kinh tế đang chuyển đổi, Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức về nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực, về khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu và về những biến động địa chính trị trên toàn cầu.
Theo Tổng Bí thư, con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại. Việt Nam chủ trương đặt mình vào dòng chảy của thế giới, kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đồng bộ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ba đề xuất của Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cao vai trò của Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 - diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác công - tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội để cùng đưa ra các giải pháp đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.
Trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối diện những thách thức chưa từng có về thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số… Thủ tướng chỉ ra rằng, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu, là ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược của các quốc gia, dân tộc trên toàn cầu.
Từ kinh nghiệm thực tiễn với những kết quả tích cực bước đầu, với vai trò là nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ tư, Thủ tướng cho biết, Việt Nam có 3 đề xuất để các đại biểu thảo luận, phân tích, đánh giá và thống nhất cách tiếp cận, giải pháp và khuôn khổ hợp tác thời gian tới.
Thứ nhất, thúc đẩy hoàn thiện tư duy xanh, trong đó chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số gắn với tăng trưởng xanh.
Thứ hai, xây dựng một cộng đồng xanh trách nhiệm. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò định hướng, khuyến khích, bảo đảm thể chế ổn định, thuận lợi cho tăng trưởng xanh; khu vực tư nhân là nòng cốt trong đầu tư công nghệ, phổ cập các tiêu chuẩn xanh; cộng đồng khoa học tiên phong trong phát triển công nghệ xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển mạnh các mô hình hợp tác xanh nhiều bên, nhất là hợp tác đối tác công - tư (PPP), các khuôn khổ hợp tác đa phương... nhằm xóa bỏ rào cản về thể chế, tăng cường khả năng tiếp cận và đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch dòng vốn xanh, công nghệ xanh và quản trị xanh.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam mong muốn và tin tưởng rằng, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, bản lĩnh vươn lên và trí tuệ sáng tạo của các quốc gia sẽ thực sự trở thành sức mạnh vô song, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bao trùm, bền vững trên toàn cầu, tất cả vì con người, của con người và do con người.