
Các khách mời tham gia tọa đàm trực tuyến
Bà Nguyễn Nga: Chúng ta nói nhiều đến "hành lang xanh" cho vận tải hàng không, nhưng thưa ông Võ Huy Cường và ông Trần Đắc Phu, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc.
Nhiều người cho rằng, việc mở lại đường bay là tín hiệu rất tốt của nền kinh tế. Nhưng mọi người vẫn còn đôi chút lo lắng khi chúng ta từng có một giai đoạn đã rất khó khăn đi tìm những người trên chuyến bay khi sau đó xuất hiện ca nhiễm liên quan.
Xin được hỏi, từ những căn cứ, số liệu thực tế, các ông có thể cho độc giả biết tỷ lệ lây nhiễm trên các chuyến bay có nhiều không? Việc đeo khẩu trang, ngồi trong không gian kín trên máy bay đã thật sự an toàn?
Ông Võ Huy Cường: Về vấn đề này, tôi xin mạo muội phát biểu trước các hãng hàng không, bởi các hãng hàng không đã trực tiếp tham gia vào việc vận chuyển khách, thậm chí vào cả vùng dịch để vận chuyển, có số liệu cụ thể. Nhưng tôi cũng xin lấy dẫn chứng từ số liệu thực tiễn.
Thứ nhất, chúng ta có vụ Bệnh nhân 17 đi từ Anh về và trên chuyến bay đó cũng có một số bệnh nhân khác nữa, nên chúng ta chưa có cơ sở đánh giá đó là lây nhiễm chéo cộng đồng.
Thứ hai, theo dõi báo cáo hàng ngày của ngành hàng không, cho đến nay chúng tôi mới chỉ nhận được báo cáo có một vụ việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly của Vietnam Airlines của tiếp viên hàng không và vụ việc đã bị xử lý hình sự.
Về một số trường hợp liên quan đến tiếp viên hàng không Việt Nam trên những chuyến bay từ châu Âu, Rumani, Nga về, chúng tôi cho rằng không có cơ sở khẳng định có lây nhiễm của tiếp viên hàng không trên chuyến bay.
Vì các tiếp viên còn có các hoạt động khác ở bên ngoài sau khi thực hiện chuyến bay đến các địa phương. Hơn nữa, trong thời gian chờ đợi để bay tiếp, có thể có những sơ suất nhất định.
Theo thống kê chính thức của ICAO trong cuộc họp về các giải pháp phòng chống lây lan dịch bệnh bằng đường hàng không, đến thời điểm cuối tháng 8/2020, có hơn 1 tỷ lượt khách quốc tế di chuyển bằng đường hàng không, chỉ phát hiện và xác định 41 hành khách lây nhiễm chéo.
Tôi chỉ công bố những số liệu có được, còn báo cáo cụ thể lây nhiễm như thế nào thì các hãng hàng không sẵn sàng cung cấp. Ví dụ như trường hợp của hai người Anh đi máy bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng nhiễm bệnh và lây nhiễm cho nhân viên của Điện Máy Xanh, nhưng hành khách khác và các tiếp viên không bị ảnh hưởng gì cả.
Đó cũng là minh chứng cho thấy an toàn trong đi lại bằng đường hàng không. Chúng ta đã áp dụng tất cả các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Điều đó cho thấy, việc di chuyển bằng đường hàng không cho đến giai đoạn hiện nay là an toàn nhất.
Một điều nữa tôi muốn nói, khi có sự cố xảy ra về lây nhiễm khi di chuyển bằng hàng không, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để nhanh chóng truy vết vì đã có đầy đủ thông tin hành khách là ai, đi chuyến bay nào, ngồi ghế nào, địa chỉ, nơi đến ra sao,…
Thực tế, ngành hàng không đã nhiều lần hỗ trợ cho Bộ Y tế truy vết, không chỉ quốc tế mà cả các chuyến bay nội địa khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ có F0 đi lại trên chuyến bay.

Một chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Anh về nước. Toàn bộ hành khách được trang bị đồ bảo hộ toàn thân trong suốt quá trình bay.
Ông Trịnh Hồng Quang: Tôi khẳng định, việc đi lại bằng đường hàng không là an toàn nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Điều này được thể hiện qua dẫn chứng xác đáng mà ông Võ Huy Cường đã nói.
Tất cả hãng hàng không đều đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, cũng như của các tổ chức hàng không quốc tế và các quốc gia mà chúng ta bay đến.
Riêng với Vietnam Airlines, chúng tôi được Skytrax đánh giá là hàng không 5 sao về phòng chống dịch bệnh. Điều này minh chứng, ngành hàng không nói chung đã ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19, đem lại những chuyến bay an toàn nhất.
Ông Nguyễn Mạnh Quân: Chúng tôi cũng tham gia nhiều chuyến bay giải cứu, các chuyến bay combo thương mại và các chuyến bay vận chuyển vaccine.
Thực sự may mắn là đến giờ, 100% tổ lái và tiếp viên của chúng tôi không có ai nhiễm Covid-19. Các chuyến bay giải cứu mà trước đây chúng ta chưa kiểm soát, chưa tiêm chủng, chưa xét nghiệm, khi về có khách dương tính.
Gần đây, với các chuyến bay sử dụng hộ chiếu vaccine, vận chuyển hành khách đã tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm trước khi lên tàu bay, 100% hành khách đều âm tính. Như vậy, có thể thấy rằng, vận tải hàng không là rất an toàn.
Ông Nguyễn Quốc Phương: Thực tế phục vụ chuyến bay giải cứu, các chuyến bay thương mại, bay chở hàng hoá vừa qua, cán bộ công nhân viên trên toàn bộ 21 cảng hàng không, 100% không bị lây nhiễm từ các chuyến bay. Tôi khẳng định, di chuyển bằng đường hàng không là an toàn nhất.
Ngoài đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế, chúng tôi thực hiện khử khuẩn liên tục tại nhà ga và khu vực hành khách hay tiếp xúc, đảm bảo an toàn trong suốt quá trình hành khách đến sân bay và khi kết thúc hành trình của mình đều không bị lây nhiễm.
ACV đã và đang triển khai hệ thống công nghệ để giảm thiểu tiếp xúc của hành khách tại khu vực sân bay. Khi tích hợp chung với các hãng và Bộ Y tế, hành khách khi đến sân bay được kiểm soát rõ khách nào đã tiêm, khách nào đã xét nghiệm, chúng ta sẽ có quy trình, "hành lang xanh" cho hành khách đi lại.
Chúng ta có đủ cơ sở để báo cáo Chính phủ để có thể hồi phục lại mạng bay trong giai đoạn 1.
Xin hỏi thêm ông Nguyễn Quốc Phương, năm ngoái truyền thông có nhắc đến một số trường hợp nhân viên hàng không tại cảng bị nhiễm Covid-19. Điều này có đúng không, thưa ông?
Các nhân viên của ACV bị lây nhiễm không phải tại cảng mà ở bên ngoài. Số nhân viên ACV dương tính với Covid-19 đến thời điểm hiện tại từ đầu dịch đến giờ chỉ 24 người, hiện đều đã khỏi. Chỉ có 14 người đang theo dõi tại nhà. Hiện tại, cán bộ công nhân viên đi làm theo dõi đầy đủ, có xét nghiệm trước khi vào làm.
PGS.TS Trần Đắc Phu: Tôi chỉ có ý kiến ngắn thế này, thời gian qua có chuyến bay có ca nhiễm. Nhưng quan điểm của tôi, đây không phải là lây nhiễm trên máy bay, bởi lúc đó chúng ta chưa hình dung hết việc lây nhiễm của Covid-19, vì nó quá mới. Lúc đó, rất nhiều khách về từ các nước khác nhau có thể đã lây nhiễm từ nhiều nước.
Thứ hai, việc phòng chống Covid-19 chưa bao giờ chặt chẽ như bây giờ. Lây nhiễm có thể tại sân bay, qua tiếp xúc, cách ly.
Thứ ba, chúng ta chấp nhận không có “zero Covid”, thì không chỉ máy bay có thể có Covid-19, mà ô tô, tàu hỏa cũng có, và cộng đồng cũng có thể lây.
Vấn đề đặt ra là chúng ta cần chú trọng khai báo y tế, nếu phát hiện ca nhiễm thì truy vết, xét nghiệm. Xét nghiệm bây giờ rất thoải mái, ai cũng có thể làm được, nếu âm tính chỉ cần theo dõi tại nhà.
Tôi cho rằng, chúng ta phải chấp nhận kiểm soát, nếu có lây trên máy bay, chúng ta có hàng rào kiểm soát được để những người đi trên chuyến bay an toàn. Kể cả nhiễm Covid-19, những người tiêm vaccine rồi cũng không bị nặng, không sợ.
Xin hỏi ông Võ Huy Cường, ông có ý kiến gì thêm về ban khoăn trên của độc giả?
Ông Võ Huy Cường: Tôi cho rằng, an toàn di chuyển bằng đường hàng không không chỉ là an toàn dịch bệnh, mà là an toàn thực sự cho đi lại.
An toàn dịch bệnh mọi người đều nói rồi, tôi chỉ nói thêm, trong vận chuyển hàng không, chúng tôi yêu cầu tổ bay trong quá trình bay phải quan sát hành khách để phát hiện sớm các hành khách nghi có khả năng nhiễm Covid-19 bằng các dấu hiệu Bộ Y tế công bố.
Điều đó cho thấy, tổ bay phải có trách nhiệm với hành khách, với cộng đồng nơi sân bay hành khách đó sẽ xuống. Phát hiện sớm để cảnh báo, có biện pháp sàng lọc ngay khi tàu bay hạ cánh, rồi khử khuẩn, phòng ngừa. Việc này sẽ đóng góp, tạo niềm tin cho cộng đồng, cho việc đi lại của hành khách.
Tôi đánh giá rất cao sự quan tâm của TP.HCM với lực lượng hàng không. TP.HCM sớm hỗ trợ tiêm vaccine cả 2 mũi cho cán bộ, công nhân viên Tân Sơn Nhất.
Bộ Y tế cũng tạo điều kiện cho toàn bộ nhân viên Tổng công ty Quản lý bay VN tiêm đủ vaccine 2 mũi. Đây là lực lượng chủ công, chúng tôi cần bảo toàn để đảm bảo nhiệm vụ hàng không. Đây cũng là việc để sẵn sàng lực lượng dự bị quan trọng cho hàng không trong bất kỳ tình huống nào.
Liên quan vấn đề an toàn khai thác tàu bay, chúng ta hiện đang duy trì đội tàu bay khai thác thời gian ngắn, mỗi tháng bay 1 lần, để đảm bảo các tàu bay này sẵn sàng đủ điều kiện bay an toàn, hỗ trợ địa phương vận chuyển thiết bị y tế.
Chúng tôi khẳng định, toàn ngành hàng không đang căng mình trong bão dịch Covid-19. Dù khó khăn về tài chính nhưng tuyệt đối không có chuyện buông lỏng việc bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn về khai thác và đảm bảo an ninh hàng không.