Thần tốc làm đường, xây cầu làm bệ phóng phát triển

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược được nhiều kỳ Đại hội Đảng xác định. Nhờ vậy, hệ thống hạ tầng giao thông của đất nước đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo sức bật từ hạ tầng giao thông

Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, nhất là từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vai trò của hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông đối với sự phát triển đất nước.

Nghị quyết Ðại hội XI (năm 2011) xác định phải đột phá vào ba khâu yếu: Thể chế, nhân lực và hạ tầng. Trong đó, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Thực hiện nghị quyết, trong 5 năm (2011-2016), hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được tập trung đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm. Hơn 700 km đường bộ cao tốc, nhiều tuyến đường trọng điểm cùng hàng loạt cây cầu được đưa vào khai thác, ngay lập tức phát huy hiệu quả.

Thần tốc làm đường, xây cầu làm bệ phóng phát triển - Ảnh 1.

Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long với tổng chiều dài 5,367 km, 4 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc được khánh thành ngày 11/10/2020. Ảnh: Tạ Hải.

Nghị quyết Đại hội XII (năm 2016) tiếp tục khẳng định chủ trương thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược đến năm 2020, trong đó nêu rõ "đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để tiếp tục tập trung đầu tư hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ với một số công trình hiện đại".

Thực hiện chủ trương này, giai đoạn 2016-2020, cả nước đã hoàn thành nhiều công trình, dự án quan trọng.

Tới Đại hội Đảng XIII (năm 2021), Báo cáo Chính trị đã chỉ rõ những mặt còn hạn chế, yếu kém trong thực hiện ba đột phá chiến lược thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng. Đại hội đã bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp ba đột phá chiến lược này với giai đoạn phát triển mới, trong đó, đã nhấn mạnh: Ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu tới năm 2030, cả nước phải có ít nhất 5.000 km cao tốc; Nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; Hình thành đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, việc xác định phát triển hạ tầng cơ sở là một trong ba đột phá chiến lược có ý nghĩa quan trọng, qua từng nhiệm kỳ đại hội, số km đường bộ cao tốc, nhà ga sân bay, cảng, đường sắt không ngừng tăng lên.

Cụ thể, nhiệm kỳ Đại hội XI (2011-2016), chỉ trong vòng 5 năm chúng ta đã có trên 700 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác, đưa nước ta đứng vào top 3 các nước có đường cao tốc lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Tiếp nối thành công của những năm trước, giai đoạn 2021-2026 chúng ta bố trí được hơn 400 nghìn tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Nhờ đó, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai ở TP.HCM và Thủ đô Hà Nội bắt đầu được triển khai. Đây đều là những dự án được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một vài tỉnh, thành phố mà còn là động lực để kéo cả một vùng, thậm chí là cả đất nước.

Khơi thông chính sách, quyết tâm hành động

Theo ông Thịnh, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Quốc hội đã có những ưu tiên, tập trung chỉ đạo quyết liệt, dành nguồn lực, công sức, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông.

Nửa nhiệm kỳ qua, ngành giao thông đã hoàn thành được hơn 600 km đường cao tốc, bằng hơn nửa số kilomet cao tốc làm trong hơn 10 năm trước đó. Các lĩnh vực đường sắt, hàng hải, hàng không cũng có nhiều bứt phá.

Nhấn mạnh ưu tiên cho giao thông - mạch máu của nền kinh tế trong giai đoạn này, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết hiện cả nước đang triển khai và chuẩn bị triển khai xây dựng khoảng hơn 1.900km cao tốc, với nguồn lực khoảng trên 500.000 tỷ đồng. Chưa bao giờ chúng ta dành nguồn lực lớn như vậy cho các dự án cao tốc, dù nguồn lực của chúng ta còn eo hẹp.

"Bộ GTVT là một trong những Bộ đầu tiên mà Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc sau khi ông nhậm chức để định hướng nhiệm vụ thời gian tới. Thời gian qua, Thủ tướng, các Phó thủ tướng cũng dành nhiều chuyến công tác tới khắp công trường từ Bắc vào Nam nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hạ tầng lớn", ông Kiên nói.

Thần tốc làm đường, xây cầu làm bệ phóng phát triển - Ảnh 2.

Nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (chụp tháng 4/2023). Ảnh: Tạ Hải.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho biết để phê duyệt chủ trương đầu tư cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Quốc hội lần đầu tiên họp một kỳ họp bất thường - điều chưa từng có trong tiền lệ.

Để tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế giải phóng mặt bằng, Chính phủ đã trình một số cơ chế đặc thù nhằm giảm bớt những thủ tục hành chính không cần thiết, tiết kiệm thời gian. Trong Nghị quyết 43/2022/QH15, Quốc hội đã cho phép Chính phủ áp dụng một số cơ chế như cơ chế chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn, gói thầu di dời, hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư…

Chỉ riêng năm 2022, Chính phủ đã trình và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia. Lần đầu tiên, một Ban Chỉ đạo Nhà nước về các dự án giao thông tầm quốc gia được thành lập, do Thủ tướng làm trưởng ban. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết nối các công việc, theo dõi, đôn đốc, thúc đẩy, đề xuất xử lý các vướng mắc đều được linh hoạt giải quyết. Các dự án cao tốc Bắc - Nam liên tục về đích. Tất cả cho thấy, nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thực sự đi vào cuộc sống. 

Nhìn nhận hạ tầng giao thông đang được ưu tiên đầu tư và phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) lưu ý việc đầu tư phải dứt điểm, tập trung các nguồn lực để sớm phát huy hiệu quả các công trình, tuyến đường giao thông đầu tư xây dựng. Đồng thời, muốn tăng tốc phát triển phải đồng bộ các lĩnh vực khác để kết nối lĩnh vực giao thông, khi có đường cao tốc rồi phải kết nối với các đầu mối cảng biển, cảng đầu mối, đường sắt kết nối một hệ thống logistics đồng bộ.

Năm 2011, Nghị quyết Ðại hội XI đã xác định phải đột phá vào ba khâu yếu: Thể chế, nhân lực và hạ tầng. Trong đó, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Thực hiện nghị quyết, trong 5 năm (2011-2016), hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được tập trung đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm. Đã có trên 700km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác, đều là các tuyến cao tốc trọng điểm nằm trên trục Bắc - Nam như: TP.HCM - Trung Lương, Pháp Vân - Ninh Bình, Liên Khương - Đà Lạt, Vành đai 3 Hà Nội, Đại lộ Thăng Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Nội Bài - Nhật Tân, TP.HCM - Dầu Giây, Hà Nội - Hải Phòng...

Hai trục giao thông quan trọng là tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ đều hoàn thành sớm hơn 1-1,5 năm. Các cây cầu lớn như: Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Hạc Trì, Đầm Cùng, Năm Căn, Cái Tắt, An Hữu, Rạch Sỏi... đã được đầu tư xây dựng trong giai đoạn này.

Giai đoạn 2011-2016 cũng đánh dấu sự hoàn thành của cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải, nhà ga T2, nhà khách VIP sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh, Phú Quốc, Liên Khương, Pleiku, Thọ Xuân... và các tuyến Vành đai 3 Hà Nội, Vành đai 2 TP.HCM...

Giai đoạn 2016-2020, cả nước đã hoàn thành nhiều công trình, dự án quan trọng như các tuyến cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bắc Giang - Lạng Sơn, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hải Phòng - Quảng Ninh, Hạ Long - Vân Đồn với tổng số khoảng 468km. Nhiều quốc lộ trọng yếu, cầu lớn, hầm lớn, cảng biển được đầu tư, nâng cấp như: Cảng cửa ngõ Hải Phòng; Cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, Thịnh Long, Hưng Hà; Hầm Đèo Cả, Hải Vân; Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi...


09/10/2023, 15:55