Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:
Putin trao tặng Huy chương Chiến thắng cho Kim Jong Un
Theo báo Moscow Times, Chính phủ Nga quyết định trao tặng huy chương "75 năm Chiến thắng trong Cuộc chiến vệ quốc vĩ đại 1941 - 1945" cho lãnh đạo Bình Nhưỡng vì vai trò của ông trong việc gìn giữ ký ức tốt đẹp về những người lính Liên Xô đã hy sinh ở Triều Tiên.
Hãng thông tấn Tass thống kê, tổng cộng 1.375 lính Liên Xô đã ngã xuống và được chôn cất ở Triều Tiên trong Thế chiến thứ hai.
Tại buổi lễ trọng thể diễn ra tại Đại lễ đường Mansudae ở Bình Nhưỡng hôm nay, 5/5, Đại sứ Nga Alexander Matsegora đã thay mặt Tổng thống Putin trao huy chương kỷ niệm chiến thắng nói trên cho Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son Gwon.
Nhà lãnh đạo Kim không xuất hiện trong các bức ảnh chụp sự kiện được chia sẻ sau đó trên Facebook của Đại sứ quán Nga.
WHO kêu gọi điều tra những ca nhiễm nCoV ban đầu
WHO cho rằng thông tin Covid-19 xuất hiện ở Pháp ngay từ tháng 12/2019 "không bất ngờ" và kêu gọi các nước điều tra những ca nghi nhiễm từ trước.
"Báo cáo này cho thấy một bối cảnh hoàn toàn mới về mọi thứ. Những phát hiện như vậy giúp hiểu rõ hơn về sự lây lan tiềm tàng của nCoV", Christian Lindmeier, phát ngôn viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trong cuộc họp hôm nay của Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ.
Ông Lindmeier đề cập đến việc Bệnh viện Avicenne & Jean Verdier ở Pháp phát hiện họ từng điều trị cho một ca dương tính nCoV ngay từ hôm 27/12/2019, gần một tháng trước khi chính phủ Pháp xác nhận các trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên, sau khi kiểm tra lại các mẫu sinh phẩm lưu trữ từ cuối tháng 12/2019 và tháng một.
Phát ngôn viên WHO khuyến khích các quốc gia khác kiểm tra lại hồ sơ của những ca viêm phổi không rõ nguồn gốc từ cuối năm ngoái, giải thích rằng động thái này sẽ mang lại cho thế giới "một bức tranh mới và rõ ràng hơn" về đại dịch.
Liên minh Ngũ Nhãn mâu thuẫn với Tổng thống Trump về nguồn gốc virus gây Covid-19
Liên minh chia sẻ tình báo Ngũ Nhãn và Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng virus Corona chủng mới gây bệnh Covid-19 nhiều khả năng bắt nguồn từ chợ động vật hoang dã Vũ Hán.
Trong cuộc họp báo ngày 5/5, Thủ tướng Úc Scott Morrison được hỏi về giả thuyết virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc).
Ông Morrison đáp rằng quan điểm của chính quyền Úc là không bác bỏ khả năng nào, nhưng nhiều khả năng SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ chợ động vật hoang dã tươi sống, theo đài Sky News.
Tiếp theo đó, Thủ tướng Morrison nhấn mạnh điều quan trọng là cần tiến hành cuộc điều tra độc lập, rõ ràng để tìm ra nguồn gốc của virus và có cách ngăn chặn.
Cùng ngày, CNN dẫn lời hai quan chức phương Tây tiết lộ lực lượng tình báo thuộc liên minh chia sẻ tình báo Ngũ Nhãn (Anh, Canada, Mỹ, New Zealand và Úc) đã chia sẻ báo cáo nêu rằng khó có khả năng dịch Covid-19 do tai nạn từ phòng thí nghiệm, mà là bắt nguồn từ khu chợ ở Trung Quốc.
Một quan chức khác thừa nhận vẫn có khả năng SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm nhưng nhấn mạnh rằng không có bằng chứng để xác minh điều đó. Người này nói rõ ràng dịch bệnh bùng phát từ khu chợ nhưng bằng cách nào SARS-CoV-2 được đưa đến chợ đó là điều chưa được làm rõ, theo CNN.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo trước đó tuyên bố có bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nhưng không công bố rõ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì tin rằng SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên.
Trung Quốc tự cảnh báo về làn sóng thù địch toàn cầu
Báo cáo nội bộ của Trung Quốc cảnh báo nước này phải đối mặt với làn sóng thù địch ngày càng tăng sau khi Covid-19 bùng phát.
Báo cáo được Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, cơ quan tình báo hàng đầu nước này, trình bày hồi đầu tháng trước cho các lãnh đạo ở Bắc Kinh, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình. Bắc Kinh đang đối mặt với làn sóng phản đối toàn cầu do Mỹ dẫn dắt ở mức cao nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi hai cường quốc thế giới đối đầu vũ trang, Reuters dẫn nguồn thạo tin về báo cáo tiết lộ.
Báo cáo được Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (CICIR) xây dựng. Đây là một trong những viện nghiên cứu dân sự lớn, lâu đời và có sức ảnh hưởng nhất trong các cơ quan nghiên cứu quốc tế ở Trung Quốc và có liên kết với Bộ An ninh Nhà nước.
Hiện chưa thể đánh giá báo cáo có phản ảnh quan điểm của giới lãnh đạo nhà nước và mức độ ảnh hưởng của nó đến chính sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc trình bày báo cáo cho thấy Bắc Kinh rất nghiêm túc với phản ứng tiêu cực toàn cầu, điều có thể đe dọa tới chiến lược đầu tư nước ngoài và vị thế an ninh của họ.
Lãnh đạo thế giới họp thượng đỉnh trực tuyến về Covid-19, dự báo nghiêm trọng ở Mỹ
Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người và làm hơn 3,5 triệu người nhiễm bệnh trên toàn cầu.
Kể từ khi ca nhiễm virus Corona chủng mới được phát hiện tại Trung Quốc hồi tháng 12, Mỹ đã trở thành nước bị tác động nặng nề nhất, với hơn 1,1 triệu người được chẩn đoán nhiễm virus và ít nhất 68.326 người chết.
ABC News dẫn thống kê của Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết. Số ca tử vong thực tế được cho là còn cao hơn do việc xét nghiệm không đầy đủ, nhiều trường hợp không được báo cáo.
Phát triển vaccine sẽ là yếu tố chủ chốt để trở lại cuộc sống thường ngày. Ngày 4/5, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhóm họp dưới sự chủ trì của Liên minh châu Âu (EU) để bàn về nghiên cứu vaccine cùng cam kết sẽ đóng góp 7,4 tỷ Euro. Mỹ và Nga không tham gia cuộc họp này.
Tổng thống Macron - đại diện cho Pháp đóng góp 500 triệu Euro, nhấn mạnh, Mỹ hiện đang ở ngoài lề. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống Mỹ Donald Trump và thuyết phục Mỹ tham gia sáng kiến này vào một thời điểm nào đó.
Lệnh phong tỏa dài nhất ở châu Âu được nới lỏng
Bắt đầu từ 4/5, khoảng 4,4 triệu người Italia được phép quay trở lại làm việc khi lệnh phong tỏa dài nhất châu Âu bắt đầu nới lỏng, theo AP.
Italia, quốc gia đầu tiên ở châu Âu bị đại dịch Covid-19 tấn công và là một trong những nước có số ca tử vong cao, đã tái mở cửa thận trọng sau hai tháng phong tỏa.. Giao thông ở Rome trở nên nhộn nhịp, các công trường xây dựng và các hoạt động sản xuất được nối lại, các công viên cũng tái mở cửa, những người bán hoa lần đầu tiên trở lại chợ Campo del Fiori.
Dù vậy, tự do ở châu Âu vẫn còn hạn chế do nhà chức trách lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ bùng phát. Tại Italia, người đi viếng đã có thể tham dự các lễ tang, nhưng chỉ giới hạn ở mức 15 người. Các nhà hàng đang kỳ cọ sàn nhà để chuẩn bị cho dịch vụ giao hàng, song việc phục vụ tại chỗ phải vài tuần nữa mới có thể thực hiện.
Mỹ nói có bằng chứng về nguồn gốc Covid-19, WHO “phản pháo”
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc Mỹ nói có bằng chứng virus Corona gây Covid-19 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm là “võ đoán” và kêu gọi điều tra nguồn gốc đại dịch trên cơ sở khoa học.
“Chúng tôi chưa nhận được bất cứ bằng chứng bằng văn bản cụ thể nào từ phía chính phủ Mỹ liên quan đến nguồn gốc của virus này. Do vậy, theo quan điểm của chúng tôi, đây vẫn chỉ là võ đoán”, ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp của WHO, cho biết.
Ông Ryan cũng kêu gọi một cuộc điều tra nguồn gốc của Covid-19 dựa trên các căn cứ khoa học. Giới chức WHO tuần trước cho biết họ muốn được mời tham gia cùng Trung Quốc điều tra nguồn gốc của Covid-19.
Trước đó, ông Ryan cũng cho biết, WHO đánh giá virus gây Covid-19 có nguồn gốc tự nhiên.
Những bình luận mới nhất của giới chức WHO về nguồn gốc của Covid-19 được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cuối tuần qua nói rằng có “bằng chứng lớn” cho thấy virus Corona mới gây đại dịch viêm phổi cấp Covid-19 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
Trong khi đó, truyền thông quốc gia Trung Quốc đã chỉ trích bình luận này của ông Pompeo, gọi đây là phát ngôn “thoái thác”.
Gần 70.000 người chết vì Covid-19, Mỹ đối mặt tháng 5 “chết chóc”
Theo số liệu trên trang web Worldometer, tính đến chiều 4/5, số người chết vì Covid-19 tại Mỹ là 69.589 ca, tăng 992 ca so với một ngày trước đó. Mỹ cũng ghi nhận thêm hơn 23.000 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại đây vượt 1,2 triệu ca.
Hãng tin New York Times ngày 4/5 dẫn một tài liệu mật cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự đoán số người mắc và tử vong vì Covid-19 tại nước này có thể tăng mạnh trong tháng 5. Cụ thể, mỗi ngày Covid-19 có thể lấy đi sinh mạng của khoảng 3.000 người tại Mỹ đến cuối tháng 5, tăng mạnh so với mức trùng bình gần 1.800 ca tử vong/ngày hiện nay.
Cũng theo dự báo trên, mỗi ngày Mỹ có thể ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca nhiễm virus mới, so với trung bình 25.000 ca/ngày hiện nay.
Dự đoán này được cho là đưa ra dựa trên mô hình phân tích của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ.
Nga: 3 bác sĩ ngã từ cửa sổ bệnh viện giữa lúc căng thẳng chống dịch Covid-19
Trong hai tuần vừa qua, đã có ít nhất ba y bác sĩ Nga ngã từ cửa sổ bệnh viện khi toàn bộ hệ thống y tế nước này đang căng mình chống dịch Covid-19.
Ngày 2/5, Alexander Shulepov - một bác sĩ cấp cứu sau khi than phiền vì bị ép làm việc dù mắc Covid-19 đã ngã xuống từ cửa sổ tầng hai của Bệnh viện Novousmanskaya, ở vùng Voronezh, nông thôn miền Tây nước Nga.
Shulepov hiện đang trong tình trạng nguy kịch vì bị nứt hộp sọ.
Trước khi xảy ra sự cố, Shulepov (37 tuổi) và đồng nghiệp đã quay video vào ngày 22/4 với nội dung phàn nàn rằng người đứng đầu bệnh viện làng Novaya Usman đã buộc Shulepov phải tiếp tục làm việc dù anh được xác nhận mắc Covid-19 và được nhập viện để điều trị.
Shulepov là bác sĩ thứ ba ở Nga gặp tai nạn ngã từ cửa số trong vòng hai tuần trở lại đây.
Trước đó, ngày 1/5, Elena Nepomnyashchaya, người đứng đầu một bệnh viện ở thành phố Krasnoyarsk của Siberia, đã qua đời sau một tuần nằm phòng chăm sóc đặc biệt.
Đài địa phương đưa tin bác sĩ Nepomnyashchaya đã ngã từ cửa sổ trong cuộc họp với các quan chức y tế khu vực, trong đó thảo luận về việc biến trung tâm này thành cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19.
Nepomnyashchaya được cho là đã phản đối đề nghị này do bệnh viện thiếu thiết bị bảo hộ.
Trước đó, ngày 24/4, Natalya Lebedeva, người đứng đầu Khoa Cấp cứu tại Star City, cơ sở đào tạo các phi hành gia Nga, đã qua đời tại bệnh viện sau một cú ngã từ cửa sổ.
Bệnh viện cho biết Lebedeva đã được điều trị vì nghi ngờ mắc Covid-19, cho đến khi xảy ra “tai nạn bi thảm”.
Cả ba vụ việc hiện đang được điều tra.
Bi hài đu đủ xét nghiệm dương tính với virus Corona
Tổng thống Tazania Magufuli hôm 3/5 vừa tuyên bố các kit xét nghiệm virus Corona được sử dụng tại nước này có lỗi khi cho kết quả dương tính trên dê và đu đủ, theo Reuters.
Trong một sự kiện ở Chato, phía Tây Bắc Tanzania hôm 4/5, ông Magufuli cho biết các bộ kit xét nghiệm Covid-19 đã được nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng không cho biết thêm thông tin chi tiết.
Vị tổng thống nói rằng trước đó đã chỉ thị lực lượng an ninh Tanzania kiểm tra chất lượng các bộ kit. Giới chức trách đã lấy một số mẫu ngẫu nhiên không phải con người, bao gồm các mẫu lấy từ đu đủ, dê và cừu, nhưng được dán nhãn với tên và tuổi người.
Những mẫu này sau đó đã được gửi đến một phòng thí nghiệm ở Tanzania để kiểm tra virus Corona. Các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đã không được biết nguồn gốc của chúng.
Kết quả thực sự kỳ lạ: các mẫu từ đu đủ và dê đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Kết quả đáng sửng sốt này làm dấy lên nghi ngại về khả năng nhiều người được xét nghiệm bằng loại kit này có thể đã được kết luận nhiễm Covid-19 trong khi không hề mang virus. Tổng thống Magufuli cho rằng việc này có sự can thiệp của nước ngoài và yêu cầu điều tra kĩ.
Mỹ vay kỷ lục 3.000 tỷ USD do chi tiêu tăng mạnh vì dịch
Chính phủ Mỹ muốn vay thêm 3.000 tỷ USD cho quý II trong bối cảnh những gói cứu trợ vì dịch Covid-19 tạo gánh nặng cho ngân sách.
Con số này cao gấp 5 lần kỷ lục mức vay một quý trước đó từ thời khủng hoảng tài chính 2008, theo BBC.
Mỹ đã phê chuẩn chương trình cứu trợ trong đại dịch Covid-19 trị giá 3.000 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ ngân sách cho các hoạt động y tế và hỗ trợ trực tiếp đến người dân. Tổng nợ công của Mỹ hiện gần chạm mốc 25.000 tỷ USD.
Gói cứu trợ Covid-19 ước tính tương đương gần 14% nền kinh tế Mỹ. Giới chức nước này vẫn đang thảo luận về những chương trình hỗ trợ mới, dù một số thành viên phe Cộng hoà lo ngại về tác động đến nợ công ngày càng tăng.
Mỹ vay mượn từ việc bán trái phiếu chính phủ. Lãi vay mượn thường được định mức thấp do các bên cho vay đánh giá tính rủi ro từ trái phiếu Mỹ cũng ở mức thấp.
Tuy nhiên, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, nợ công của nước này vẫn tăng cao đến mức các chuyên gia kinh tế lo ngại về rủi ro đối với tăng trưởng lâu dài, khi Mỹ chi tiêu nhiều hơn so với thu vào.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ hồi tháng 4 ước tính thâm hụt ngân sách của nước này năm nay có thể đạt 3.700 tỷ USD, trong khi nợ công tăng vượt mức 100% GDP.
".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận