Người tiêu dùng trong nước chờ đợi Honda Việt Nam thể hiện cách ứng xử tương xứng vị thế của một doanh nghiệp lớn - Ảnh chụp màn hình website Honda Việt Nam |
Honda Việt Nam đã thừa nhận lỗi kỹ thuật một bộ phận trên xe SH và xúc tiến việc xin phê duyệt được triệu hồi, nhưng hành động trước đó của liên doanh xe máy lớn nhất Việt Nam phần nào đã làm sứt mẻ niềm tin của người tiêu dùng đối với một thương hiệu lớn của Nhật Bản.
Lỗi chìa khóa xe SH là có thật và Honda Việt Nam biết điều đó chỉ sau một thời gian rất ngắn sau khi sản phẩm ra mắt thị trường. Tuy nhiên, thay vì công khai thừa nhận lỗi và thực hiện đầy đủ trách nhiệm với người tiêu dùng, Honda Việt Nam lại chọn phương án biện minh một cách thiếu minh bạch.
Hơn 12 nghìn khách hàng sở hữu xe SH đối mặt với nguy cơ mất an toàn về tài sản do lỗi kỹ thuật trên sản phẩm, nhưng thông điệp khi Honda Việt Nam thực hiện chiến dịch dịch vụ lại “bỏ quên” vấn đề này, trong khi chỉ tập trung khẳng định về sự an toàn vận hành của sản phẩm.
Honda Việt Nam không sai khi nói lỗi chìa khóa xe SH không ảnh hưởng đến an toàn vận hành, nhưng liên doanh xe máy Nhật Bản thiếu dũng cảm hoặc cố tình ém nhẹm tác hại do lỗi phụ tùng gây ra, một chi tiết mà Honda Việt Nam đã quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông là công nghệ mới có tính an toàn cao trong việc bảo vệ sản phẩm.
Sau khi Báo Giao thông phản ánh sự việc nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Honda Việt Nam đã “lớn tiếng” cho rằng, họ không giấu lỗi sản phẩm và có trách nhiệm với khách hàng khi đang gọi từng người mang xe đến đại lý để thay cụm phụ tùng có "vấn đề".
Sự vào cuộc quyết liệt của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã buộc Honda Việt Nam phải thừa nhận lỗi sản phẩm và chấp nhận thực hiện triệu hồi, mặc dù trước đó liên doanh xe máy Nhật Bản nhiều lần “thuyết phục” cơ quan chức năng là lỗi nằm trên một lựa chọn thêm (option) của sản phẩm và không tạo ra nguy hiểm, nhằm tránh phải mở một chiến dịch triệu hồi xe theo đúng quy định pháp luật.
Honda Việt Nam “cố tình” đẩy vấn đề lỗi sang một hướng khác để làm giảm mức độ nguy hiểm của vụ việc, cũng như tránh bị xấu mặt với sản phẩm “công nghệ hiện đại” vừa ra mắt đã hỏng, mà quên đi rằng chìa khóa điều khiển từ xa của SH đã được họ đăng ký và quảng cáo là một phần của phương tiện.
Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm khi tung ra thị trường và khi sản phẩm mắc lỗi, ảnh hưởng đến tài sản của người sử dụng thì bên bán phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cảnh báo các nguy cơ và sửa chữa lỗi trên sản phẩm cho khách hàng, đó là những điều đã được luật pháp Việt Nam quy định.
Thực tế cho thấy, Honda Việt Nam đã bán ra thị trường sản phẩm có lỗi, nhưng không dám thừa nhận ngay khi phát hiện ra vấn đề. Có thể liên doanh xe máy Nhật Bản chưa nhận ra được sự nghiêm trọng của vấn đề nên đã lựa chọn phương án giải quyết “nhẹ nhàng” và điều đó có thể khiến khách hàng, những người mua sản phẩm vì tin vào quảng cáo, phải chịu thiệt hại về tài sản có giá trị cả trăm triệu đồng.
Cho đến sau thời điểm thừa nhận lỗi sản phẩm với cơ quan chức năng, Honda Việt Nam vẫn không đưa ra bất kỳ thông điệp chính thức giải thích cho người tiêu dùng về lỗi sản phẩm và những nguy cơ mà “thượng đế” của hãng xe Nhật Bản sẽ phải đối mặt.
Sự “im lặng” của Honda Việt Nam trước vụ việc đang diễn ra là một điều khó hiểu, không giống hành động mà các thương hiệu lớn trên thế giới cũng như ở Việt Nam thường làm trước những sự việc gây tổn hại đến người tiêu dùng.
Tổng Giám đốc Toyota Akio Toyoda đã từng phải đứng ra xin lỗi người tiêu dùng sau khi Tập đoàn xe hơi Nhật Bản thừa nhận lỗi kẹt chân ga trên sản phẩm, lãnh đạo GM cũng đã đăng đàn xin lỗi khách hàng do lỗi động cơ xe mà họ tạo ra. Gần đây nhất, người đứng đầu của Tập đoàn xe hơi lớn nhất châu Âu Volkswagen cũng bị mất việc sau khi chính thức xin lỗi người tiêu dùng vì bê bối gian lận khí thải.
Trong lịch sử và văn hóa hoạt động của Honda, lãnh đạo thương hiệu xe Nhật Bản cũng không “ngại” đưa ra lời xin lỗi tới khách hàng. Vụ việc liên quan đến chất lượng túi khí gần đây của Honda, không chỉ xin lỗi xuông với người tiêu dùng, lãnh đạo hãng xe Nhật Bản còn bị cắt giảm lương.
Còn ở Việt Nam, sau khi truyền thông đưa ra "ánh sáng" vụ việc hơn 200 xe Toyota Innova gắn động cơ bị gỉ sét được bán ra thị trường và gây tổn hại cho người tiêu dùng, lãnh đạo liên doanh ô tô lớn nhất Việt Nam Toyota cũng đã đăng đàn lên tiếng xin lỗi công khai sau khi thừa nhận sự việc.
Vụ việc lỗi chìa khóa xe SH chưa ghi nhận được trường hợp mất xe nào của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau khi liên doanh xe máy lớn nhất Việt Nam dám thừa nhận lỗi với cơ quan chức năng, công chúng đang chờ đợi Honda Việt Nam đưa ra thông điệp thể hiện sự tôn trọng với những người đã và đang góp phần tạo nên tên tuổi cho Honda trên dải đất hình chữ S.
Bài 16: Thay khóa SH bị lỗi: "Thượng đế" mỏi mắt ngóng chờ
Bài 15: Honda Việt Nam xin triệu hồi xe SH
Bài 14: "Yêu cầu Honda Việt Nam triệu hồi sản phẩm mắc lỗi"
Bài 13: Honda Việt Nam đối mặt với “án phạt” vì “ém” lỗi xe SH
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận