Ngày 22/6, Tòa án nhân dân TP Hà Nội ban hành bản án số 283/2023/DS-PT về vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Tiến (trú tại Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội) với bị đơn Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông (trụ sở 19 Phùng Khắc Khoan, phường ĐaKao, quận 1, TP.HCM).
Theo bản án, ông Tiến là chủ sở hữu xe tải 29H-019.97, được bảo hiểm trách nhiệm dân sự bởi Công ty Bảo hiểm Viễn Đông chi nhánh Hà Nội (VASS), thời hạn bảo hiểm từ ngày 23/7/2020 đến ngày 23/7/2021.
Khoảng 19h ngày 25/7/2020, tại địa phận huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) chiếc xe trên do ông Nguyễn Văn Lưỡng (em trai ông Tiến) đang điều khiển thì xảy ra va chạm với xe máy do ông Lê Văn Triết cầm lái, chở theo vợ là bà Trần Thị Năm. Hậu quả vụ va chạm, ông Lê Văn Triết và bà Trần Thị Năm tử vong, xe máy và ô tô hư hỏng.
Công văn số 38/CV-ĐTTH ngày 5/3/2021 của Cơ quan CSĐT công an huyện Mộ Đức kết luận: “Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn giao thông trên là lỗi do ông Lê Văn Triết điều khiển xe mô tô 76N-0096 không nhường đường cho xe ô tô 29H-019.97 đang đi trên đường ưu tiên tại khu vực giao nhau. Còn ông Nguyễn Văn Lưỡng điều khiển xe đi đúng phần đường, nhưng tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe 29H-01997 không đảm bảo an toàn kỹ thuật do hệ thống lái và đèn tín hiệu không đủ tiêu chuẩn, nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn nêu trên”.
Sau vụ việc, ông Nguyễn Văn Lưỡng và anh ruột là Nguyễn Văn Tiến đã tự nguyện hỗ trợ bồi thường cho thân nhân ông Triết và bà Năm số tiền 250 triệu đồng.
Khi làm thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc từ bảo hiểm Viễn Đông, ông Tiến yêu cầu bồi thường 200 triệu đồng, nhưng hãng bảo hiểm chỉ chấp nhận bồi thường tổng cộng 100 triệu đồng.
Đây là nguyên nhân dẫn đến việc ông Tiến đâm đơn khởi kiện bảo hiểm Viễn Đông ra tòa.
Theo phía Bảo hiểm Viễn Đông: “Trong vụ tai nạn này, chỉ có lỗi của ông Lê Văn Triết là nguyên nhân gây ra tai nạn, thì đó là “lỗi hoàn toàn do bên thứ ba”. Căn cứ khoản 3 Điều 13 Thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính, quy định nguyên tắc bồi thường 50% nếu cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của bên thứ ba. Lỗi trong trường hợp này phải hiểu là lỗi gây ra tai nạn”.
Theo phía chủ xe, căn cứ của mức đòi bồi thường (phụ lục 6, Thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính) là 100 triệu đồng/người/vụ. Sự việc này 2 người tử vong nên bảo hiểm phải bồi thường 200 triệu đồng, cộng với lãi chậm trả. Vì vậy, phía chủ xe không chấp nhận mức bồi thường 50 triệu đồng/người tử vong do phía Viễn Đông đưa ra.
Căn cứ tài liệu, lời khai các bên, các quy định pháp luật hiện hành và bản án sơ thẩm số 18/2023/DSST của TAND quận Hà Đông, TAND TP Hà Nội tuyên xử phiên phúc thẩm, theo đó buộc Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông thanh toán cho ông Nguyễn Văn Tiến số tiền 200 triệu đồng bồi thường cho hợp đồng bảo hiểm bắt buộc.
Ngoài ra, phía bảo hiểm phải trả cho ông Tiến tiền lãi chậm trả tính đến ngày xét xử sơ thẩm (23/2/2023) là 21,3 triệu đồng, ngoài ra hãng bảo hiểm phải chịu toàn bộ án phí vụ kiện.
Theo chuyên gia bảo hiểm Phạm Quang Vinh, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới có tính pháp quy gần như cao nhất trong các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc hiện hành.
Ngoài ra, tính chất nhân đạo nhân văn của loại bảo hiểm này được pháp luật quy định (điều 27 nghị định 03/2021), nhằm hỗ trợ kịp thời cho người thứ ba bị thương vong do xe cơ giới gây ra.
Bởi vậy, phán quyết của tòa án Hà Nội buộc doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm bồi thường của mình, đúng như luật định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận