• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
360° xe

Chuyện chưa kể về chiếc ô tô bảo vật quốc gia “Made in Việt Nam”

13/02/2021, 08:30

Chiếc xe “Quốc tế” được công nhận là bảo vật quốc gia và đang được lưu giữ đặc biệt.

Cán bộ, chiến sỹ Bảo tàng Hậu cần cùng ôn lại lịch sử ra đời của xe “Quốc tế” dịp cuối năm 2020

Chiếc xe “Quốc tế” nắm giữ nhiều kỷ lục khi là phương tiện vận tải cơ giới đầu tiên do người Việt Nam sản xuất, lắp ráp và sử dụng linh kiện của nhiều hãng nhất. Chiếc xe này đã được công nhận là bảo vật quốc gia và đang được lưu giữ đặc biệt.

Xe “Quốc tế” chạy bằng... than

Kể về chiếc xe đặc biệt này, Trung tá Đặng Việt Cường, Giám đốc Bảo tàng Hậu cần cho biết, lý do chiếc xe được đặt tên là “Quốc tế” bởi các chi tiết, bộ phận của xe được nhặt nhạnh từ nhiều loại xe của các hãng trên thế giới. Từ động cơ 6 xi-lanh của hãng Renault (Pháp), buồng lái, hộp số, sát xi, cầu xe của hãng xe Ford (Mỹ) và một số thương hiệu ô tô khác…

Sau chiến thắng Thu - Đông năm 1947, các lực lượng quân sự của ta phát triển đến cấp Đại đoàn, nhu cầu vận chuyển, vận tải về lương thực, trang bị, vũ khí phục vụ chiến đấu lớn. Trong khi đó, các phương tiện vận tải bấy giờ rất thô sơ, chủ yếu là ngựa thồ, xe trâu kéo, xe quệt… khiến thời gian vận chuyển lâu, khối lượng vận chuyển ít.

Để đáp ứng yêu cầu vận tải của cuộc kháng chiến, ngày 4/8/1949, Phái đoàn Mậu dịch Thống nhất Quốc phòng được thành lập do ông Vũ Văn Đôn, Cục phó Cục Vận tải bấy giờ làm Trưởng phái đoàn có nhiệm vụ tổ chức thu mua vũ khí, thuốc nổ, trang bị phương tiện từ biên giới Việt - Trung, vận chuyển về Việt Bắc, cung cấp một phần cho các đơn vị vũ trang Liên khu.

Sau khi được giao nhiệm vụ, ông Vũ Văn Đôn đã lên nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ (Thái Nguyên) xin một số người có trình độ kỹ thuật về xe - máy để chuẩn bị cho việc “chế tạo” một chiếc xe vận tải. Sau đó, tổ thợ hơn 10 người đã vượt mưa bom bão đạn lên Bắc Kạn thu gom các xe hỏng của Pháp bỏ lại trong chiến dịch Thu - Đông 1947.

Bất chấp sự nguy hiểm luôn rình rập vì còn nhiều bom, mìn địch gài lại ở các bãi xe, tổ thợ đêm ngày tháo gỡ vật tư, phụ tùng của từng phương tiện.

“Các cụm chi tiết khi lắp ráp đều đã cũ, để có thể lắp ráp các bộ phận từ nhiều nguồn khác nhau họ đã phải chế tạo lại các chi tiết ghép nối của hộp số, ly hợp, các - đăng... khoan lại các lỗ lắp ghép trên sát xi. Sau gần 4 tháng, chiếc xe vận tải cơ giới đầu tiên được lắp ráp thành công”, Trung tá Cường kể lại.

Chiếc xe mang màu xanh cỏ úa dài 6,7m; rộng 2,2m; chiều cao 3,1m. Động cơ tiêu chuẩn của hãng Ford chạy xăng nhưng do thiếu nhiên liệu, các kỹ sư đã sáng chế cho phép nó hoạt động bằng than, tận dụng cây gỗ ở rừng, đốt nóng trong môi trường yếm khí, tạo khí CO đẩy vào các buồng đốt, đánh tia lửa điện, hỗn hợp khí cháy tiếp thành CO2, tạo áp lực đẩy các piston, sinh công làm cho xe hoạt động.

Sau khi hoàn thành, chiếc xe chạy thử thành công khi chở được hàng chục tấn hàng trên đoạn đường dài 93km từ đèo Tài Sìn Hồ (cách Cao Bằng 19km) đến Bắc Kạn, góp phần hoàn thành kế hoạch đầu tiên của Cục Vận tải.

“Xe Quốc tế chạy bằng than là chiếc xe đánh dấu thời kỳ vận tải từ thô sơ lên cơ giới - thời kỳ trưởng thành nhanh chóng của lực lượng vận tải quân sự trong các chiến dịch. Đây là hiện vật minh chứng cho sự sáng tạo, lòng quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn để tạo nên kỳ tích mang dấu ấn thời đại. Sự độc đáo, sáng tạo thể hiện ở việc cải tiến, từ phụ tùng của nhiều chủng loại xe khác nhau mà lắp hoàn chỉnh thành một xe mới, từ chạy bằng xăng thành xe chạy bằng than củi”, trung tá Cường chia sẻ.

Không chỉ vận tải hàng hóa, xe “Quốc tế” còn nhiều lần đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh lên công tác ở Chiến khu Việt Bắc. Xe cũng đưa một số khách quốc tế, trong đó có đồng chí Lê-ô Phi-ghe, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp lên thăm căn cứ địa Việt Bắc (1950).

“Các đồng chí đi cùng kể lại rằng, ngồi trên xe, đồng chí L.Phi-ghe hết sức khâm phục bàn tay khéo léo, trình độ kỹ thuật của cán bộ, công nhân ta và hơn cả là ý chí chiến đấu kiên cường bất chấp mọi hoàn cảnh của nhân dân Việt Nam”, Trung tá Cường tự hào nói.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ, với số máy móc, thiết bị già cỗi, nguyên vật liệu không đồng bộ, sự hiểu biết về kỹ thuật và tay nghề hạn chế, để sản xuất, lắp ráp ô tô thì rõ ràng nhiệm vụ này đối với ngành Vận tải quân đội lúc bấy giờ là không tưởng.

Chỉ có lòng yêu nước thiết tha, đội ngũ cán bộ, công nhân ngành Xe đã thể hiện khả năng tài tình để sản xuất thành công chiếc xe ô tô đầu tiên mang nhãn hiệu Việt Nam.

Động lực thúc đẩy ngành xe - máy quân đội

Chiếc xe vận tải cơ giới đầu tiên của Việt Nam lắp ráp mang tên “Quốc tế”

Từ năm 1950 đến năm 1954, sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới, Việt Nam nhận được một số xe viện trợ của các nước anh em.

Xe “Quốc tế” lúc đó vì chạy bằng than nên không còn phù hợp với điều kiện vận chuyển hàng trên cung đường dài nên được chỉ dùng để vận chuyển hàng trên cung đường ngắn và sau đó được đưa về Hà Nội để đại tu, bảo dưỡng.

Dù chỉ sử dụng trong thời gian ngắn nhưng sự ra đời của xe Quốc tế đã trở thành bước đệm để thúc đẩy ngành xe - máy quân đội phát triển nhanh chóng.

Việc lắp ráp thành công xe “Quốc tế” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Cục Vận tải, vừa giải quyết khó khăn về phương tiện, vừa có giá trị tinh thần to lớn, làm cho bộ đội tin tưởng vào trình độ, khả năng sáng tạo của mình, thể hiện tinh thần vượt khó, không cam chịu của bộ đội Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Điều, nguyên Cục trưởng Cục Vận tải


Thiếu tướng Nguyễn Văn Điều, nguyên Cục trưởng Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần kể, để tạo thêm nhiều chiếc xe phục vụ kháng chiến như xe “Quốc tế”, tháng 5/1950, Cục Vận tải quyết định thành lập xưởng Tiền phong (Xưởng A96-AX) được xây dựng ngay đầu cầu Bắc Kạn với nhiệm vụ thu hồi vật tư xe chiến lợi phẩm, dồn lắp xe hỏng thành xe chạy được, sản xuất các bộ lò ga chuyển từ xe chạy xăng sang xe chạy than và sửa chữa xe hoạt động trên tuyến Thái Nguyên - Cao Bằng. Sau đó, tiếp tục thành lập thêm một xưởng sửa chữa ô tô khác mang tên Đông Khê (Xưởng 96-BX) ở xã Hoàng Sáp (Yên Sơn, Tuyên Quang).

Đến cuối năm 1950, toàn quân đã có 113 ô tô vận tải, gồm 73 xe chiến lợi phẩm, 30 xe viện trợ, 6 xe do xưởng Tiền Phong lắp ráp, sản xuất và 4 xe trưng dụng của tư nhân.

Sau khi lắp ráp, cải tiến thành công chiếc xe đầu tiên, đã tạo niềm tin, động lực cho xưởng Tiền phong tiếp tục cải tiến các phương tiện vận chuyển khác. Hòa bình lập lại, xe “Quốc tế” được đưa về lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng.

Từ năm 2005 đến nay, xe “Quốc tế” được trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội), phục vụ công tác tuyên truyền cho khách tham quan trong nước và quốc tế, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân và các thế hệ cán bộ, chiến sỹ trong quân đội.

Ngày 25/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1821 công nhận Bảo vật quốc gia đợt 7 cho 22 hiện vật và nhóm hiện vật, trong đó có xe “Quốc tế”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.