Xe phân khối lớn xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố |
Hiện, nhiều mẫu xe mô tô phân khối lớn (PKL) đang ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, loại phương tiện này vẫn chỉ được phép lưu hành trên đường phố, quốc lộ, chưa được đi vào đường cao tốc. Nhiều ý kiến đề xuất nên xem xét cho một số xe PKL nhất định đi vào đường cao tốc để đảm bảo việc hội nhập quốc tế và thúc đẩy du lịch.
Hàng loạt thương hiệu xe PKL vào Việt Nam
Hiện, cả nước có khoảng gần 30 nghìn xe PKL đang lưu hành. Đa số người mua và sử dụng phương tiện này xuất phát từ niềm đam mê những chiếc “chiến mã” có công suất lớn. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, thời gian gần đây, liên tiếp các thương hiệu xe mô tô PKL cho ra mắt thị trường Việt Nam.
Sự kiện mới và đáng chú ý nhất là việc Honda Việt Nam lần đầu tiên nhập khẩu và phân phối các mẫu xe PKL. Để hiện thực hóa mục tiêu gia nhập phân khúc xe cao cấp này, Honda Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ càng tới gần 10 tháng để giới thiệu hệ thống phân phối, bảo hành và bảo dưỡng các mẫu xe PKL của mình với tên gọi Honda Moto. Ngay tại thời điểm giới thiệu, Honda Moto chính thức phân phối tới 9 mẫu mô tô có dung tích trên 500CC với dải sản phẩm phủ khắp các phân khúc từ Sport, Cruise, Adventure đến Touring như: CB 500F, CB 500X, Rebel 500, Gold Wing… có giá từ 172 triệu - 1,2 tỷ đồng.
Chỉ trong ít ngày sau khi giới thiệu các mẫu xe PKL của mình, Honda Moto đã nhận tới gần 200 đơn đặt hàng, trong đó có 3 đơn đặt hàng dành cho mẫu xe “hàng khủng” Gold Wing thế hệ mới, có giá tới 1,2 tỷ đồng. Điều đó cho thấy sức hút cũng như là nhu cầu sử dụng xe PKL tại thị trường Việt Nam đang ngày càng tăng.
Ông Kawahara, Tổng giám đốc Honda Việt Nam cho biết: “Thị trường xe PKL tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Hiện, Honda Việt Nam không đặt mục tiêu doanh số cụ thể cho phân khúc xe này. Tuy nhiên, đây là những bước đi đầu tiên để thăm dò, khai phá thị trường có nhiều hứa hẹn trong tương lai”.
Trước đó, Triển lãm Mô tô, xe máy Việt Nam 2017 cũng đánh dấu một cột mốc mới cho thị trường xe PKL khi hàng loạt tên tuổi lớn như: Honda, Piaggio, Yamaha hay Suzuki... không giấu tham vọng tham gia vào phân khúc này. Bên cạnh đó, các thương hiệu mô tô kỳ cựu như: Ducati, Harley Davidson, Kawasaki… cũng tung ra hàng loạt sản phẩm mới với nhiều cải tiến mạnh mẽ.
Gần đây nhất, tại Triển lãm Quốc tế AutoExpo diễn ra từ ngày 6-9/6, phân khúc xe PKL cũng liên tiếp đón nhận hàng loạt mẫu xe mới đáng chú ý như: Ducati Panigale V4, Royal Enfield Hymalayan, Triumph Tiger 800. Đây đều là những mẫu xe vừa được giới thiệu trên thế giới đã nhanh chóng được bán tại Việt Nam.
Có nên cho xe PKL đi vào cao tốc?
Được nhập khẩu, xe có công suất mã lực lớn và người lái được cấp GPLX nhưng tại sao xe PKL không được đi vào đường cao tốc? Đây là câu hỏi được thảo luận khá nhiều, đặc biệt là đối với các thành viên của các CLB mô tô thể thao và CLB xe phân khối lớn. Một trong những lý do được người điều khiển xe PKL đưa ra là việc điều khiển loại xe này rất khó khăn khi đi vào những đường nhỏ dành cho xe gắn máy. Chẳng hạn như, xe Harley Davidson có động cơ 1800CC có thể đạt tốc độ hơn 200km/h nhưng hiện nay chỉ được đi tối đa ở tốc độ 70km/h khiến xe gằn máy. Hơn nữa, những chiếc xe này thường rất cồng kềnh nếu chỉ đi đường nhỏ, dễ mất ATGT.
Cũng theo nhiều thành viên các CLB, với những chiếc xe PKL, việc duy trì ở tốc độ quá thấp sẽ khiến bộ phận lốc máy nhanh “xuống”. Hơn nữa, xe đi tốc độ thấp dễ khiến toàn bộ kết cấu của động cơ, hệ thống truyền động giãn nở nhanh bị bào mòn. Quan trọng nhất là việc cưỡi trên những con “chiến mã” nhưng lại phải di chuyển với tốc độ của một “con lừa” khiến nhiều biker cảm thấy khó chịu.
Trao đổi với PV, ông Lê Công Hoàng, Chủ tịch Hội những người chơi xe Harley Davidson Hà Nội (H.O.G Hanoi Chapter) cho biết: “Chúng tôi từng nhiều lần đề xuất và mong muốn sẽ được thí điểm mô hình cho các mẫu xe PKL đi vào cao tốc. Theo đề xuất này, đối với những CLB hay tổ chức có quy củ sẽ làm cam kết đảm bảo các yếu tố an toàn khi di chuyển vào cao tốc như: Đi đúng đội hình, đúng làn hay giữ đúng tốc độ… Hiện tại, theo thông lệ quốc tế, nhiều quốc gia đã cho phép các dòng xe mô tô đi vào cao tốc”.
Ông Hoàng cũng cho biết, hiện nay rất nhiều CLB chơi xe PKL đều tổ chức các buổi training, đào tạo các thành viên rất chuyên nghiệp. Đây cũng chính là việc làm cần thiết trong việc đảm bảo an toàn và góp phần giảm thiểu tối đa tai nạn khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, trước đây, Bộ GTVT cũng đã có đề xuất cho phép xe mô tô PKL được phép đi vào đường cao tốc nhưng sau đó tạm dừng. Theo ông Lăng, việc tạm dừng có hai lý do. Thứ nhất, trong Luật GTĐB hiện nay không cho phép xe PKL đi vào đường cao tốc. Bên cạnh đó, loại xe này khi chạy tốc độ cao sẽ gây nguy hiểm. Một khi xảy ra tai nạn trên đường cao tốc sẽ rất thảm khốc.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, dù không nên cho phép tất cả xe PKL đi vào đường cao tốc nhưng việc cho phép thí điểm, khoanh vùng một số đối tượng xe PKL được phép đi vào đường cao tốc là khả thi, cần thiết. Lý do, loại xe này được thiết kế để chạy tốc độ cao mà đường cao tốc dành cho xe chạy nhanh nên mô tô PKL đi vào sẽ không bị ảnh hưởng nếu đi đúng tốc độ cho phép, chạy đúng làn và tuân thủ pháp luật ATGT.
Ông Trần Văn Toản, thành viên CLB H.O.G Hanoi Chapter cho rằng, không nên mở bung cho tất cả các loại xe PKL đi vào cao tốc. Tuy nhiên, có thể sàng lọc đối tượng và loại phương tiện phù hợp để cho phép đi vào đường cao tốc nhằm bảo đảm ATGT. Chẳng hạn, chỉ nên cho các loại xe PKL có động cơ từ 500CC trở lên đi vào cao tốc bởi loại phương tiện này có tốc độ và khả năng tăng tốc tương đương, thậm chí cao hơn cả ô tô. Bên cạnh đó, nên xem xét cho các thành viên của các CLB, hiệp hội có tổ chức, quản lý, tập huấn và cam kết đảm bảo ATGT. Khi đó các cơ quan quản lý sẽ cấp phép cho CLB tự quản lý, đi theo đoàn, đúng làn đường trên cao tốc.
“Để thực hiện việc này, có thể cho phép thực hiện thí điểm trên một số tuyến cao tốc như: Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Hà Nội - Lào Cai… Việc cho phép loại phương tiện này đi vào cao tốc theo tôi không hẳn chỉ thỏa mãn niềm đam mê của người chơi xe PKL mà còn cho thấy sự hội nhập và thúc đẩy phát triển du lịch. Hiện nay, các đoàn xe PKL ở nước ta vẫn đi sang các nước láng giềng như: Thái Lan, Campuchia, Lào… nhưng ngược lại thì không được”, ông Toản cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận