Đánh trúng tâm lý khách hàng
Trong suốt thời kỳ đầu phát triển xe điện, các ông lớn ngành công nghiệp ô tô điện Trung Quốc đều tỏ ra ưu thế trong việc nắm rõ nhu cầu của khách hàng.
Giai đoạn 2019-2020, thị trường xe điện Trung Quốc vẫn còn mới mẻ, xe điện vẫn còn là một công nghệ mới, xa lạ hoàn toàn với người tiêu dùng. Thế nhưng chỉ trong vài năm, hàng trăm hãng xe nội địa phát triển tại thị trường tỷ dân. Các mẫu xe điện được đa dạng hóa từ mẫu mã cho tới giá bán. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng chi một số tiền lớn cho loại phương tiện xanh kiểu mới.
Và hãng xe Wuling đã nhận diện đúng thị hiếu của người tiêu dùng ở thời kì này, với mẫu xe Wuling Mini EV nhanh chóng trở thành tâm điểm, thu hút sự chú ý không chỉ thị trường ô tô nội địa mà còn lan ra toàn cầu.
Theo số liệu từ JATO, HongGuang MinEV là mẫu ô tô điện mini bán chạy nhất thế giới trong 3 năm liền (2020, 2021, 2022), đây là minh chứng cho sự thành công của Wuling.
Qua giai đoạn ban đầu, từ năm 2022 đến nay là thời điểm bùng nổ của các hãng xe Trung Quốc. Khi thị hiếu người tiêu dùng nghiêng về xe xanh nhiều hơn, niềm tin đối với xe điện cũng được củng cố, đồng thời họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho những phương tiện xanh được trang bị công nghệ hàng đầu.
Nắm bắt cơ hội, những ông lớn xe điện của Trung Quốc liên tiếp tung ra những mẫu xe giá rẻ, nhưng trang bị công nghệ không thua kém những mẫu xe đến từ châu Âu.
Nhờ đó họ nhận về hàng chục nghìn đơn đặt hàng trong khoảng thời gian ngắn. Ví dụ như mẫu xe BYD Seagull EV có tới hơn 10.000 đơn đặt hàng sau 24 giờ. Hay mới đây mẫu xe Xiaomi SU7 nhận về con số kỷ lục lên tới hơn 80.000 đơn hàng sau 24 giờ mở bán.
Chiến lược xe giá rẻ
Giá rẻ từ lâu đã được gắn liền với sự thành công của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc khi từ một nước nhập khẩu ô tô với số lượng lớn, trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô số 1 thế giới, vượt qua Nhật Bản kể từ năm 2023.
Khi thị trường ô tô nước này chưa phát triển mạnh mẽ, chính phủ đã mạnh tay với những gói trợ cấp kép, dành cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp sản xuất ô tô điện, sản phẩm của họ sẽ được miễn thuế giúp cho giá bán của những mẫu xe điện rất tốt.
Điển hình tại thời điểm này, mẫu xe Wuling Hongguang Mini EV không chỉ cắt giảm tối đa các option về an toàn và tiện nghi, chi phí chế tạo để giảm giá thành mà còn sự tận dụng tối đa chính sách trợ giá của chính phủ Bắc Kinh đối với xe điện.
Nhờ sự trợ cấp từ nhà nước nên mẫu xe Wuling Hongguang Mini EV có giá bán "rẻ như cho" chỉ 5.000 USD mỗi chiếc. Điều này đã giúp tạo nên cơn sốt với 1,3 triệu xe đã được bán ra.
Hiện nay, khi nhà nước đã không còn trợ cấp nhiều cho các nhà sản xuất. Nhưng các mẫu xe điện mới ra của Trung Quốc vẫn giữ được mức giá bán rẻ hơn giá trị mang lại, nhờ sự bù lỗ từ chính nhà sản xuất.
Điển hình là mẫu xe đang "làm mưa làm gió" tại thị trường nội địa – Xiaomi SU7. Theo Reuters trích dẫn báo cáo của tổ chức nghiên cứu Citi Research nhận định, Xiaomi hiện đang có thể chịu lỗ lên tới gần 10.000 USD cho mỗi xe điện SU7 mới.
Dẫu vậy, đây vẫn là mức lỗ "có thể chấp nhận" với ông lớn công nghệ Trung Quốc đang chập chững bước vào ngành ô tô.
Giá bán chỉ 29.900 USD cho mẫu SU7 phiên bản cơ sở (tương đương khoảng 705 triệu đồng) là mức rẻ hơn đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Tesla Model 3 tới gần 4.000 USD, trong khi đó, hiệu suất động cơ được quảng cáo là vượt cả Model 3.
Tuy có mức giá rẻ, nhưng mẫu xe Xiaomi SU7 vẫn được trang bị đầy đủ các công nghệ hiện đại, đây được coi là thành tựu của Xiaomi. Điều mà các nhà sản xuất "thuần ô tô" lâu đời không có được.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận