Theo dự thảo nghị định, các doanh nghiệp sản xuất ô tô phải đáp ứng các điều kiện về nhà xưởng, dây chuyền, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường... Ảnh: TTXVN |
Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính, cởi trói nhiều điều kiện kinh doanh, việc đưa ô tô vào ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện với những quy định chặt chẽ có khiến các doanh nghiệp (DN) gặp khó?
Có “khép cửa” với doanh nghiệp nhỏ?
Theo dự thảo Nghị định quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, DN sản xuất, lắp ráp ô tô phải đáp ứng các điều kiện về nhà xưởng, dây chuyền (lắp ráp, hàn, sơn, kiểm tra chất lượng sản phẩm); Đường thử ô tô; Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của DN hoặc thuộc sở hữu của hệ thống đại lý ủy quyền; Người phụ trách kỹ thuật; An toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường…
Theo Bộ Công thương, ô tô là sản phẩm có khả năng gây mất an toàn, với cấu tạo kỹ thuật phức tạp. Quá trình sản xuất, lắp ráp ô tô đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn chế tạo, xử lý sản phẩm. Do đó, phải xây dựng khung pháp lý buộc DN tuân thủ nghiêm ngặt.
Với DN nhập khẩu, phải đáp ứng điều kiện: Có ít nhất một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng (cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phải thuộc sở hữu của DN hoặc do DN ký hợp đồng thuê thuộc hệ thống phân phối của DN); Cam kết bằng văn bản thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu. Ngoài ra, việc nhập khẩu ô tô còn phải tuân thủ các quy định khác về quản lý nhập khẩu ô tô tại các văn bản pháp luật có liên quan.
Ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KH-CN (Bộ GTVT) cho rằng, tinh thần của dự thảo Nghị định là có sự chuyển tiếp nên chắc chắn sẽ không tác động lớn đến các hoạt động của DN. Đây đều là các tiêu chuẩn tối thiểu mà đa số các DN đều đáp ứng được. Đối với các DN lớn, đã có sẵn hệ thống bảo hành, bảo dưỡng, thậm chí vượt cả khung tiêu chuẩn nên không ảnh hưởng gì. Đối với các đơn vị kinh doanh, sản xuất, lắp ráp cơ bản hiện nay cũng đều có các cơ sở để thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng ngay tại nhà máy. Các đơn vị nhập khẩu, nhất là nhập khẩu nhỏ lẻ có thể cần phải nâng cao hệ thống này.
Theo phân tích của Bộ Công thương, các quy định chặt chẽ nói trên nhằm nâng cao trách nhiệm của DN sản xuất, nhập khẩu với sản phẩm, với người sử dụng, người tham gia giao thông và môi trường. Khi đó, người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm của những đơn vị có dịch vụ tốt, qua đó góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các DN.
Bịt kẽ hở thuế cách nào?
Theo báo cáo của Tổ công tác liên ngành về ô tô, việc quản lý trị giá tính thuế đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu chưa chặt chẽ, còn tồn tại hiện tượng gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách và tạo ra sự cạnh tranh chưa bình đẳng đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước… Trong đó, đáng chú ý là hiện tượng “lách” thuế dưới hình thức quà biếu, tặng diễn ra sôi động, nhất là trước thời điểm Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 khiến ngân sách Nhà nước thất thu lớn.
Việc thanh tra xe ô tô nhập khẩu dưới dạng quà biếu, tặng đang được Bộ Tài chính thực hiện. Tuy nhiên, Tổ công tác đã đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính bổ sung các chính sách về thuế đối với các loại xe có kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông, cũng như đối với các chủng loại xe chở người đến 9 chỗ ngồi có giá trị tuyệt đối lớn; Gia hạn thời gian có hiệu lực đối với mức thuế áp cho xe có dung tích xi-lanh dưới 1.500 cm3 đến ngày 31/12/2022; Báo cáo Chính phủ và Quốc hội áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt, thuế suất nhập khẩu đối với xe bán tải (pick-up) có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500kg và từ 5 chỗ ngồi trở xuống như xe ô tô con dưới 9 chỗ. Đồng thời, tăng lệ phí trước bạ cho các dòng xe bán tải; Tăng cường quản lý chặt chẽ giá trị tính thuế, xuất xứ xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu có dấu hiệu tăng đột biến trong thời gian gần đây…
Phó vụ trưởng Vụ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Quách Ngọc Tuấn nhận xét: “Các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, bên cạnh việc tạo cơ sở, giảm nguồn lực trong quản lý chất lượng và kiểm tra an toàn kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước, cũng đồng thời hạn chế việc gian lận thuế gây thất thu ngân sách Nhà nước”.
Ô tô Trường Hải mới đây cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế tại khâu nhập khẩu (đặc biệt từ Ấn Độ), xuất xứ ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, đặc biệt đối với các xe nhập từ khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, đưa ra các tiêu chuẩn kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với các xe đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam, tránh tình trạng gian lận thương mại và phải đảm bảo chất lượng sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Xem xét phương án cấm nhập xe đã qua sử dụng, trừ một số dòng xe đặc thù (an ninh, quốc phòng, xây dựng hạ tầng xã hội)...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận