Số quãng đường xe đã đi
Yếu tố đầu tiên để định giá một chiếc xe cũ là số quãng đường xe đã đi được. Quãng đường xe đã đi và giá xe tỷ lệ nghịch với nhau, số quãng đường càng cao thì giá trị xe càng thấp và ngược lại.
Thông thường với những chiếc xe có số quãng đường đi dưới 5.000km được coi là xe siêu lướt. Những chiếc xe có số quãng đường đi trên 80.000km sẽ mất giá nhiều hơn, do lúc này xe đã bước vào chu kỳ bảo dưỡng cấp lớn gây tốn kém nhiều chi phí.
Tuy nhiên, chỉ số này hoàn toàn có thể được dân buôn xe chỉnh sửa bằng cách tua công-tơ-mét. Do đó, chỉ số này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là yếu tố quyết định để định giá một chiếc xe.
Năm sản xuất cũng ảnh hưởng đến giá trị một chiếc xe cũ. Thông thường chiếc xe mới xuất xưởng một năm sẽ giảm khoảng 10% giá trị xe. Những chiếc xe đã xuất xưởng trên 1 năm và dưới 3 năm sẽ có mức giảm từ 15-30% tương ứng.
Nếu chiếc xe đã xuất xưởng từ 6-10 năm sẽ mất đi từ 50-70% giá trị xe. Và sau 10 năm sử dụng chiếc xe chỉ còn khoảng 20% giá trị so với ban đầu.
Thương hiệu xe
Xuất xứ của xe cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc định giá xe ô tô cũ. Bởi trong quan niệm của người Việt, xe nhập khẩu thường có chất lượng, độ bền cao hơn xe được lắp ráp trong nước.
Tại thị trường Việt Nam, thông thường những chiếc xe có xuất xứ từ Nhật Bản sẽ ít bị mất giá hơn. Còn những thương hiệu tới từ châu Âu, Mỹ hay Trung Quốc sẽ có mức trượt giá lớn hơn.
Ngoài ra, giá bán xe cũ còn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Những mẫu xe "quốc dân" như Toyota Vios, Mitsubishi Xpander thường được nhiều người tìm mua nên giá trị sẽ cao, ổn định hơn, ít bị mất giá.
Những mẫu xe có nhiều tính năng và công nghệ điện tử sẽ có giá bán cao hơn. Tuy nhiên chúng thường khá kén khách, do chúng có độ tin cậy thấp hơn các hệ thống thuần cơ khí.
Tình trạng nội, ngoại thất xe
Tình trạng thực tế của xe là cơ sở quyết định giá trị xe ô tô đã qua sử dụng, yếu tố này còn quan trọng hơn cả việc xe đã qua sử dụng bao nhiêu năm.
Bởi nếu xe mới mua mà trong quá trình sử dụng nhưng bị tai nạn, thủy kích, trải qua sửa chữa lớn sẽ bị mất giá nhiều hơn so với các mẫu xe cũ sử dụng lâu nhưng có lịch sử "sạch".
Khách hàng có thể đánh giá tình trạng xe thông qua các yếu tố ngoại thất như: màu sơn, hệ thống đèn, gương, bộ tản nhiệt... Nếu xe nguyên bản, các khe hở giữa các cánh cửa, mép ca-pô và tai xe phải đều nhau từ trên xuống dưới.
Quan sát các điểm bất thường đập vào mắt, các chi tiết phải theo nguyên tắc đồng đều nhau về độ cũ và màu sắc, các vết nứt, vỡ ở cản trước và cản sau.
Đối với bên trong nội thất cần kiểm tra chất lượng ghế da, loa, màn hình, máy móc, sơn, phanh, khả năng vận hành…
Nói chung, để định giá một chiếc xe cần rất nhiều yếu tố và kinh nghiệm của con người. Để chắc chắn, người mua nên tìm đến các chuyên gia hoặc các dịch vụ định giá xe để được tư vấn một cách chính xác nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận