Xuất phát điểm từ một công ty xây lắp trực thuộc Công đoàn ngành GTVT, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành đã có bước tiến dài về quy mô, năng lực, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng các công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Nối tiếp những "trái ngọt" đã đạt được, Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Khôi cho rằng, thương hiệu Phương Thành đã được xác lập và định vị bằng chính những công trình, dự án mình tham gia.
Bước ngoặt từ chuyển đổi mô hình
- Gần 20 năm phát triển, ông đánh giá thế nào về bước ngoặt của Phương Thành Tranconsin ở thời điểm bắt đầu chuyển sang mô hình công ty cổ phần?
Phương Thành Tranconsin tiền thân là Công ty Xây dựng và Dịch vụ GTVT, được thành lập tháng 11/1999 từ Công đoàn GTVT Việt Nam với số vốn ban đầu gần như bằng 0.
Lợi thế khi ấy là doanh nghiệp gần như không phải đấu thầu, được tham gia các công trình nhỏ theo hình thức chỉ định thầu. Giá trị thi công thấp, doanh thu hàng năm của công ty ở thời điểm này chỉ dưới 100 tỷ đồng với gần 100 lao động.
Năm 2004, thực hiện chủ trương của Bộ GTVT và Công đoàn ngành, Công ty được chuyển đổi mô hình công ty cổ phần.
Còn nhớ, ở thời điểm cuối năm 2003, đầu năm 2004, số vốn tích lũy của công ty chỉ khoảng hơn 2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí cho công tác cổ phần hóa và phát hành cổ phần ưu đãi cho người lao động (khoảng hơn 600 triệu đồng), số vốn 1,6 tỷ đồng còn lại được sử dụng làm vốn góp Nhà nước cho doanh nghiệp hoạt động với mô hình mới.
Sau 20 ngày Bộ GTVT có quyết định chuyển đổi mô hình công ty Nhà nước sang công ty cổ phần (ngày 3/6/2004), ngày 23/6/2004, Công ty tổ chức đại hội cổ đông lần đầu tiên thành công. Tổng số vốn chủ sở hữu ban đầu chỉ là 7,5 tỷ đồng (gồm 1,6 tỷ đồng vốn Nhà nước, còn lại là vốn huy động từ cán bộ, công nhân viên công ty và các tổ chức, cá nhân khác).
Dò dẫm bước đi với mô hình mới, năng lực hạn chế cả về tài chính, trang thiết bị, doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được những dự án có giá trị công trình lớn như dự án sử dụng vốn Jica.
Trong "bão tố" mới thấy được Phương Thành đã đi đúng hướng, nghĩa là chúng tôi đã đúng khi chọn đi bằng nhiều chân, tham gia các dự án sử dụng dòng vốn khác nhau.
Ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin
Song, may mắn thay, việc cổ phần hóa giúp Phương Thành đáp ứng là doanh nghiệp có Nhà nước dưới 50% vốn góp để đủ điều kiện tham gia các dự án sử dụng vốn WB. Nếu thời điểm trực thuộc Công đoàn ngành, giá trị gói thầu Phương Thành đảm nhận chỉ loanh quanh từ 30-50 tỷ đồng thì sau cổ phần hóa, chúng tôi đã liên danh với một số đơn vị lớn đấu thầu, trúng thầu các dự án/gói thầu giá trị rất lớn từ 250 tỷ đồng như: Dự án cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn Đình Trám - Phố Hương, dự án cải tạo nâng cấp QL38B đoạn cầu Tràng - Hải Dương… vào những năm 2005-2006.
Nguồn việc lớn từ các dự án WB đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng nhanh về giá trị doanh thu hàng năm. Từ 100 tỷ tăng dần lên 200, 300 tỷ đồng ở những năm tiếp theo.
- Thời điểm Phương Thành chuyển đổi mô hình, phần lớn các dự án hạ tầng giao thông vẫn do các tổng công ty công trình giao thông trực thuộc Nhà nước đảm nhận. Phương Thành Tranconsin đã tìm cho mình hướng đi như thế nào để tồn tại?
Sau bước ngoặt lịch sử tiếp cận được các dự án WB, năm 2007, cơ hội tiếp tục đến với các nhà thầu khi nguồn lực ngân hàng ADB cho Việt Nam vay để phát triển các dự án giao thông, nhất là các dự án cao tốc, đường vành đai ven biển là tương đối dồi dào.
Ngặt nỗi, các dự án sử dụng vốn ADB lại không chấp thuận những doanh nghiệp có vốn sở hữu Nhà nước tham gia.
Không để tuột tay thời cơ quý báu này, công ty đã mạnh dạn đề xuất với Công đoàn ngành xin thoái vốn Nhà nước và nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý cấp trên. Khoảng 1,6 tỷ đồng vốn góp Nhà nước đã được cán bộ, công nhân viên Phương Thành mua lại.
Kể từ đây, Phương Thành tiếp tục tham gia được nhiều dự án lớn. Từ dự án cao tốc đầu tiên tham gia thi công là Cầu Giẽ - Ninh Bình, năm 2014-2015, công ty tiếp tục tham gia gói thầu số 7 dự án TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Dự án hành lang ven biển phía tây nam (gói thầu CW7.3 giá trị 550 tỷ đồng); Gói thầu CW2C dự án Cao Lãnh - Vàm Cống giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai được triển khai, Phương Thành Tranconsin nhập cuộc với xuất phát điểm là thầu phụ của một số doanh nghiệp nước ngoài. Song, quá trình thực hiện dự án, khẳng định được uy tín qua tiến độ, chất lượng công việc, Phương Thành tiếp tục được nhà thầu lớn giao lượng việc lớn hơn. Nội Bài - Lào Cai là dự án đã mang đến cho Phương Thành những hợp đồng có giá trị lên tới 500 tỷ đồng và đạt được doanh thu 1.000 tỷ đồng khi kết thúc dự án.
Đây là bước đệm quan trọng để thương hiệu Phương Thành nâng sức cạnh tranh đấu thầu trong các dự án giao thông lớn.
Lập kỷ lục trên những công trình huyết mạch
- Nhìn lại hành trình hơn 20 năm xây dựng và phát triển, ông đánh giá đâu là đột phá lớn nhất Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành đã đạt được?
Để nói về sự đột phá và lớn lên của Phương Thành, những con số có lẽ là minh chứng khách quan nhất.
Nếu thời điểm là doanh nghiệp Nhà nước, doanh thu năm cao nhất của công ty chưa đến 100 tỷ đồng thì đến năm 2014 - dấu mốc kỷ niệm 10 năm cổ phần hóa, doanh thu của Phương Thành lên đến 1.000 tỷ đồng. Năm 2022, đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng và mục tiêu những năm tới là từ 3.000-5.000 tỷ đồng.
Hơn 20 năm qua, với nỗ lực tích lũy không ngừng nghỉ, từ một nhà thầu hạn chế năng lực thi công cầu, Phương Thành cũng từng bước làm chủ những công nghệ tiên tiến trên thế giới, tham gia thi công các công trình cầu quy mô, yêu cầu kỹ thuật cao như: Cầu Bạch Đằng - cây cầu lớn nhất cả nước và đứng thứ 3 trong số 7 cây cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới; Cầu Bến Rừng với kết cấu vĩnh cửu, gồm 4 nhịp Extradosed hiện đại…
Chúng tôi có lợi thế hơn nhiều doanh nghiệp giao thông khác khi đã xây dựng, định vị được thương hiệu của mình trên thị trường. Đó là sự định vị dựa trên tiến độ, chất lượng những công trình từng đảm nhận.
Ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin
Tại các công trình đường bộ, Phương Thành đã sở hữu những kỷ lục của riêng mình như: Kỷ lục với tường chắn MSE cao nhất Việt Nam (16m) ở dự án Nội Bài - Lào Cai và dài nhất ở dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi (600-700m dài)…
Bên cạnh các công trình giao thông lớn, Phương Thành cũng kịp ghi dấu chân tại những dự án qua những địa danh lịch sử, đó là dự án nâng cấp QL37 qua đèo Lũng Lô; Nâng cấp QL6 qua đèo Pha Đin, QL1 qua đèo Bông Lau, đèo Khế, đèo Rọ Tượng…
Đó còn là những công trình mang tính lan tỏa, nằm ở vùng sâu vùng xa như cầu Pắc Ma, Nậm Khao - những cây cầu bắc qua sông Đà lớn nhất, trên thượng nguồn cao nhất mà để làm được nó, những người công nhân của Phương Thành đã nỗ lực, kiên trì vượt những cung đường từng dài tới 60 cây số, đưa máy móc, vật tư vào thi công.
Về giải pháp thi công, Phương Thành cũng tự tin khẳng định đã làm chủ được tất cả các công nghệ xử lý nền đất yếu như: Bấc thấm, giếng cát, cọc gia cố xi mắng, hút chân không…
Sức bật từ kinh nghiệm thi công đến nguồn tài chính tích lũy được, năm 2014, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành chính thức trở thành một thành viên chính, có vai trò quan trọng trong liên danh nhà đầu tư của hàng loạt dự án lớn thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT như: Dự án cải tạo, nâng cấp cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.
Thoát khó nhờ chiến lược "bước bằng nhiều chân"
- Thuận lợi là vậy, nhưng nếu nói về thời điểm khó khăn nhất của Phương Thành Tranconsin, ông nhớ về giai đoạn nào nhiều nhất?
Đó là năm 2011, Phương Thành trúng thầu gần 10 dự án, trong đó có 6 dự án phải đình giãn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Ở một số dự án đã ứng tiền mua máy móc thiết bị, công ty phải trả lại chủ đầu tư, trong khi đó, các nguồn vay ngân hàng hạn chế hoặc lãi suất rất cao, có lúc lên tới 22-24%/năm.
Khó khăn đến cùng cực. May thay, khi ấy, việc tham gia các dự án ODA lại là "cứu cánh" cho doanh nghiệp.
Trong "bão tố" mới thấy được Phương Thành đã đi đúng hướng, nghĩa là chúng tôi đã đúng khi chọn đi bằng nhiều chân, tham gia các dự án sử dụng dòng vốn khác nhau, không chỉ tập trung vào các dự án đầu tư công mà còn mở rộng và tích cực tham gia các dự án sử dụng vốn nước ngoài để có sự tương hỗ khi cần thiết.
Cho đến năm 2018, nguồn vốn Nhà nước cho dự án giao thông bị bó hẹp, công ty dự kiến tiếp tục đầu tư một số dự án theo hình thức PPP nhưng do một số dự án BOT trước đó không được như kỳ vọng, các tổ chức tín dụng mất niềm tin và thu hẹp cánh cửa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Công ty tiếp tục đối diện với sự hụt hẫng về khối lượng công việc, công ăn việc làm với người lao động, khi phải bỏ dở hành trình với các dự án BOT mới.
Tiếp tục chặng đường từ cuối năm 2020 đến nay, Phương Thành được lựa chọn tham gia nhiều dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, song, tương tự như bao nhà thầu khác, đơn vị phải trải qua đợt càn quét của dịch bệnh, "bão giá" vật liệu. Thế nhưng, vững vàng hơn những lần trước, với nguồn lực tích lũy được, công ty vẫn tự tin vượt qua để đưa dự án về đích đúng theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT.
5 trụ cột đảm bảo sức cạnh tranh
- Tiếp nối nhiệm kỳ này, trong khoảng 6 năm còn lại, vốn đầu tư dành cho hạ tầng giao thông vẫn rất lớn. Ông nhận định thế nào về cơ hội của Phương Thành trong thời gian tới?
Trước hết phải khẳng định, với mục tiêu đột phá kết cấu hạ tầng Đại hội Đảng XIII đã đặt ra cộng với 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có lộ trình đầu tư cụ thể với các dự án đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không, cơ hội với các doanh nghiệp giao thông Việt Nam nói chung, Công ty Phương Thành nói riêng là rất lớn.
Nhìn nhận thấy cơ hội, tiềm năng trong thời kỳ đổi mới, Phương Thành Tranconsin vẫn xác định lấy ngành nghề chính là xây dựng các công trình giao thông. Từ xây dựng cầu, đường đơn thuần, tới đây, công ty sẽ nghiên cứu chuyển hướng mở rộng thị trường xây lắp với nhiều loại hình công trình khác như: Đường sắt tốc độ cao, sân bay, bến cảng…
- Cơ hội là rất lớn nhưng trước sự nở rộ của các nhà thầu tư nhân hiện nay, sức cạnh tranh trong lĩnh vực đầu tư xây lắp hạ tầng giao thông cũng rất gay gắt. Vậy đâu là thế mạnh để Phương Thành Tranconsin tự tin bước chân vào các dự án trọng điểm?
Vấn đề đầu tiên đề cập đến là chúng tôi có lợi thế hơn nhiều doanh nghiệp giao thông khác khi đã xây dựng, định vị được thương hiệu của mình trên thị trường. Đó là sự định vị dựa trên tiến độ, chất lượng những công trình từng đảm nhận.
Thứ hai, đối với hạ tầng đường cao tốc, có thể nói, đến nay, Phương Thành vẫn là một trong những nhà thầu thi công cao tốc nhiều nhất Việt Nam (khoảng 180km). Tất cả công trình mang tính công nghệ cao, trong đó có cả những công trình cầu dây văng, công ty đều tham gia thực hiện, là lợi thế cạnh tranh lớn.
Thứ ba, với bề dày thi công đa dạng các dự án, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành đang sở hữu đội ngũ cán bộ, kỹ sư dày dạn kinh nghiệm, có thể tham gia vào các công trình có khối lượng công việc lớn, chịu được áp lực cao.
Thứ tư, công tác đầu tư, mua sắm được nhiều máy móc, thiết bị công nghệ cao như máy rải bê tông sân bay hàng vài triệu đô, máy khoan sâu hàng trăm mét thi công cầu… được công ty thực hiện thường xuyên, liên tục, đáp ứng đủ làm tất cả các dự án lớn nhất trong ngành giao thông.
Thứ năm là nguồn lực tài chính, hàng năm, Phương Thành đều có sự tích lũy để tái đầu tư nguồn lực. Như đã nói trước đó, nếu hơn 20 năm trước, Phương Thành chỉ là một doanh nghiệp có quy mô vốn rất nhỏ (7,5 tỷ đồng) thì hiện tại, con số này đã chạm ngưỡng 1.500 tỷ đồng. Đây là thế mạnh, nền tảng để Phương Thành đủ sức chống chọi với nhiều tình huống bất khả kháng có thể xảy ra trong quá trình triển khai dự án.
Từ xây dựng cầu, đường đơn thuần, tới đây, công ty sẽ nghiên cứu chuyển hướng mở rộng thị trường xây lắp với nhiều loại hình công trình khác như: Đường sắt tốc độ cao, sân bay, bến cảng.
Ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin
Không ngừng nâng cao nội lực, "sức chiến đấu" trên thị trường, với lợi nhuận hàng năm, sau khi trích một khoản nhất định trả cổ tức cho nhà đầu tư, số còn lại đều được Phương Thành dành cho đầu tư phát triển máy móc, thiết bị, nâng cao thu nhập, đời sống cán bộ, nhân viên.
- Nguồn lực của Phương Thành không chỉ để đầu tư thi công xây lắp những công trình lớn mà còn là nhà đầu tư cùng Nhà nước làm nên những công trình lớn. Thị trường đích của Phương Thành hướng đến là gì, thưa ông?
Định hướng của Phương Thành là sẽ tiếp tục tích lũy nguồn lực để khi Luật PPP được hoàn thiện, các dự án BOT được xã hội nhìn bằng ánh mắt thiện cảm hơn, công ty sẽ kết hợp với các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác nghiên cứu đặt chân vào các dự án PPP mới, có phương án tài chính khả quan. Đây là giải pháp vừa tạo công ăn việc làm cho cán bộ, kỹ sư, người lao động, vừa giúp doanh nghiệp có nguồn thu lâu dài.
Tập trung thế mạnh để đi vững chắc
- Ông có đề cập về việc Phương Thành luôn đi bằng nhiều chân, không đi bằng một chân, bằng nguồn lực sẵn có, công ty có hướng đến những lĩnh vực khác để tiếp tục tạo nguồn lực tương hỗ cho ngành nghề cốt lõi là đầu tư, xây lắp hạ tầng giao thông?
Phương Thành sẽ nghiên cứu đầu tư những lĩnh vực khác khi công ty không còn nhiều cơ hội làm trong ngành Giao thông. Ngành Giao thông còn cơ hội thì doanh nghiệp vẫn cứ tập trung sử dụng thế mạnh của mình là đầu tư xây lắp hạ tầng để có được những bước tiến vững chắc.
- Là người gắn bó lâu với ngành Giao thông, trăn trở lớn nhất của ông hiện nay là gì?
Gần 35 năm gắn bó với ngành GTVT, tôi nghĩ ngành Giao thông vẫn còn nhiều cơ hội phát triển khi việc xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, bến cảng mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu tăng tốc.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số cơ chế vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp giao thông như: Đơn giá định mức chưa phù hợp với thực tiễn đầu tư, các địa phương thông báo đơn giá vật tư, vật liệu chưa sát thực tế, ảnh hưởng đến nguồn lực của nhà thầu…
Thêm nữa, giao thông dù là ngành rất vất vả, thu nhập thấp nhưng chưa thực sự được xã hội coi trọng, đánh giá đúng, người theo ngành Giao thông đang dần mai một. Trước thực tế ấy, doanh nghiệp giao thông rất mong cơ chế, quy định pháp luật trong đầu tư xây dựng ngày càng được nghiên cứu hoàn thiện toàn diện, chính sách thu hút nguồn nhân lực gắn bó với ngành Giao thông ngày càng nâng cao để các nhà thầu có đà bứt tốc, có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển, hiện đại hóa hạ tầng giao thông đất nước.
Cảm ơn ông!