Honda Việt Nam đã triệu hồi khoảng 300 chiếc Honda Civic 1.5 Turbo được nhập khẩutrực tiếp từ Thái Lan do gặp lỗi với hệ thống làm mát động cơ - Ảnh: HD |
Hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh, bảo hành, bảo dưỡng ô tô sẽ vào “khuôn khổ” hơn theo điều kiện tại dự thảo nghị định của Chính phủ về vấn đề này. Hành lang pháp lý mới này sẽ tác động như thế nào đến các doanh nghiệp (DN), thị trường và người tiêu dùng?
Kỳ 1: Người tiêu dùng lợi gì?
Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, DN sản xuất, lắp ráp ô tô phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm từ khâu sản xuất, đưa vào lưu thông, thậm chí cho đến khi xử lý sản phẩm thải bỏ. Điều này có khiến DN đội chi phí, giá thành sản xuất, kinh doanh, dẫn đến khả năng người tiêu dùng phải mất nhiều tiền hơn?
Quyền được triệu hồi: phải ràng buộc trách nhiệm bằng pháp lý
Trung tuần tháng 5 vừa qua, Audi Việt Nam phát đi thông báo triệu hồi xe Audi Q5, Audi A5 và Audi A6. Đơn vị nhập khẩu này cho biết, trong quá trình nghiên cứu theo dõi chất lượng sản phẩm được tiến hành liên tục tại Audi, Audi AG đã phát hiện ra hai sự cố kỹ thuật nên quyết định thực hiện chương trình triệu hồi nhằm kiểm tra, khắc phục, dù đến thời điểm này, toàn bộ các mẫu xe Audi A5, A6 và Q5 vẫn hoạt động an toàn.
Trước đó, trung tuần tháng 4, Honda Việt Nam cũng triệu hồi khoảng 300 chiếc Honda Civic 1.5 Turbo được nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan do gặp lỗi với hệ thống làm mát động cơ. Hay cuối tháng 4, Tập đoàn Motor Image Vietnam (MIV) cho biết, nhận được thông báo chính thức từ Tập đoàn Fuji Heavy Industries (FHI) về việc triệu hồi xe Subaru Tribeca sản xuất năm 2011- 2015 đối với sự cố bơm thổi phồng túi khí, trong đó thị trường Việt Nam có 8 xe Tribeca nằm trong đợt triệu hồi...
Theo dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, người tiêu dùng khi mua ô tô cần được hưởng các dịch vụ sau bán hàng (bảo hành, bảo dưỡng) được cung cấp bởi các đơn vị sản xuất, nhập khẩu ô tô. Bảo hành sản phẩm là nghĩa vụ của người sản xuất, người nhập khẩu ô tô (được quy định tại Điều 10 và Điều 12 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa). Bảo dưỡng là hoạt động cần thiết để đảm bảo cho trạng thái kỹ thuật của ô tô được ổn định, tin cậy, an toàn cho người sử dụng và người tham gia giao thông cũng như góp phần giảm thiểu khí thải, tiếng ồn gây tác động xấu đến môi trường. |
Trên thực tế, việc triệu hồi để sửa chữa lỗi kỹ thuật xe ô tô mới được một số các DN thực hiện trong thời gian gần đây khiến người tiêu dùng hết sức thiệt thòi.
Bộ Công thương chỉ rõ, việc thiếu ràng buộc đối với các nhà nhập khẩu ô tô đã dẫn tới những bất cập như nhà nhập khẩu không có trách nhiệm đối với người tiêu dùng khi phát sinh yêu cầu xử lý lỗi kỹ thuật xảy ra trong quá trình sản xuất; Hệ thống bảo hành, bảo dưỡng của nhà nhập khẩu không tương thích với xe nhập khẩu dẫn đến khả năng gây mất an toàn; Không ràng buộc được trách nhiệm triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật đối với nhà nhập khẩu theo thông lệ quốc tế; Không đáp ứng được yêu cầu thu hồi, thải bỏ ô tô theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…
“Do đó, với việc đưa ô tô vào ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện, trong đó có điều kiện về bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi là những cơ sở quan trọng nhằm đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng”, ông Lê Ngọc Đức, Phó tổng giám đốc Hyundai Thành Công (HTC) nhận xét.
Theo dự thảo nghị định mới này, người tiêu dùng được sử dụng ô tô theo đúng chuẩn mực thương mại từ khâu sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu đến khâu bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng; Đồng thời, có thể yên tâm về dịch vụ hậu mãi được đảm bảo từ pháp luật và cam kết chính hãng và được đảm bảo quyền về triệu hồi sản phẩm, thu hồi sản phẩm thải bỏ. “Sản phẩm ô tô đối với người dân Việt Nam là một tài sản, vì vậy phải được đảm bảo về giá trị và an toàn cho tính mạng con người. Do đó, các quy định về bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi không gì khác là nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, sự hài lòng của khách hàng”, ông Đức nhấn mạnh.
Giá xe có bị ảnh hưởng?
Ông Đàm Văn Nguyên, Giám đốc Kinh doanh Đại lý 3S TMT Motors Trần Khát Chân (Hà Nội) nhận định: Với các điều kiện đưa ra tại dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, các đơn vị kinh doanh, nhập khẩu nhỏ lẻ khó có khả năng đáp ứng để tiếp tục nhập khẩu xe. Những nhà kinh doanh nhỏ lẻ sẽ dần biến mất và những DN lớn phát triển.
Ông Nguyên cũng cho biết, nhằm đáp ứng các quy định mới về điều kiện kinh doanh ô tô, đầu năm 2017, TMT Motor đã lần đầu tiên mở các đại lý 3S, trạm dịch vụ, bảo dưỡng để phát triển theo định hướng của Chính phủ. Để đáp ứng thật tốt về điều kiện, TMT Motor phải chuẩn bị cho các khâu hỗ trợ toàn bộ hệ thống khách hàng. Ví dụ như: Xây dựng tổng kho phụ tùng ở các vùng miền để đáp ứng khách hàng tốt hơn và cũng là một trong những điều kiện bắt buộc để phát triển.
Việc tăng trách nhiệm đối với nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô có khiến DN tăng chi phí, giá thành, đẩy giá bán đến tay người tiêu dùng cao hơn? Trả lời câu hỏi này của Báo Giao thông, ông Nguyên cho rằng, với các quy định khác không có nhiều tác động nhưng với quy định áp dụng Tiêu chuẩn khí thải đối Euro 4 đối với toàn bộ xe tải tại Việt Nam thì giá xe chắc chắn sẽ cao hơn hiện nay.
Đại diện một đại lý Toyota cho biết, các đại lý Toyota hiện nay đều bảo hành, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn của Toyota. Nếu theo các điều kiện đưa ra tại dự thảo nghị định, đại lý sẽ làm đúng các quy trình của Toyota Việt Nam yêu cầu. Vì vậy, việc tăng hay giảm giá xe phụ thuộc vào Toyota Việt Nam.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, đại diện hãng xe Toyota cho rằng, giá xe sẽ còn cạnh tranh hơn khi các hãng phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng, ưu đãi giá để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận