Nhiều vụ việc liên quan đến ô tô nhập khẩu gần đây đã hé mở những chiêu lách thuế trong lĩnh vực buôn bán, nhập khẩu ô tô |
Sau khi cơ quan chức năng khởi tố lãnh đạo doanh nghiệp nhập khẩu ô tô Euro Auto… để điều tra tội trốn thuế đã hé lộ những chiêu “làm giá”, lách thuế trong lĩnh vực buôn bán, nhập khẩu ô tô khiến ngân sách Nhà nước thất thoát hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Từ câu chuyện của Euro Auto
Công ty Cổ phần ô tô Âu Châu (Euro Auto) được biết đến là nhà nhập khẩu ủy quyền chính thức của thương hiệu xe hơi BMW, MINI và xe mô tô phân khối lớn Motorrad tại Việt Nam. Trước thời điểm cuối năm 2016, Euro Auto vẫn được coi là đối trọng với Mercedes-Benz Việt Nam trong việc nhập khẩu, phân phối xe sang thương hiệu Đức. Năm 2016, BMW công bố doanh số bán xe của hãng tại Việt Nam đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á.
Nhưng chưa kịp hết năm 2016, Euro Auto đã vướng phải vòng lao lý, khiến cái tên này gần như biến mất hoàn toàn khỏi thị trường ô tô Việt Nam. Cuối năm 2016, Bộ Tài chính sau khi thực hiện thanh tra hoạt động nhập khẩu ô tô thương hiệu BMW của Euro Auto đã phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, Công ty Cổ phần ô tô Âu Châu đã tự ý tiêu thụ hàng hóa (là lô hàng ô tô nhập khẩu BMW) khi chưa được cơ quan Hải quan địa phương cho thông quan trong thời gian được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định.
Năm 2016, cơ quan hải quan đã ban hành nhiều quyết định truy thu hàng nghìn tỷ đồng thuế nhập khẩu ô tô. Đơn cử như quyết định ấn định, truy thu 719 tỷ đồng tiền thuế với Công ty Tân Thành Đô - nhà phân phối xe Jaguar Land Rover; Quyết định ấn định thuế truy thu 49,854 tỷ đồng đối với Công ty Cổ phần Ô tô Regal (Công ty Regal) - đơn vị phân phối chính hãng thương hiệu xe Rolls-Royce; Quyết định truy thu hơn 100 tỷ đồng tiền thuế đối với Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam... |
Đặc biệt, Euro Auto được xác định đã sử dụng tài liệu giả như: Hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại... để nhập khẩu lô xe BMW.
Ngay sau khi phát đi thông báo trên, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan, ngừng thông quan các lô hàng xe ô tô nhập khẩu của Euro Auto về Việt Nam, đề nghị cơ quan công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo trình tự pháp luật.
Thông tin Euro Auto bị khởi tố ít nhiều ảnh hưởng tới các hãng xe sang nhập khẩu tại Việt Nam, có thể theo chiều hướng tốt hoặc xấu.
Cùng đợt sai phạm của Euro Auto bị phát giác, sau khi thanh, kiểm tra, Công ty Tân Thành Đô, nhà nhập khẩu Jaguar Land Rover cũng đã bị truy thu 719 tỷ đồng tiền thuế. Theo cơ quan Hải quan, các sai phạm được xác định là mối quan hệ “đặc biệt” giữa nhà nhập khẩu với nhà xuất khẩu ảnh hưởng đến trị giá giao dịch, giá khai báo thấp hơn so sánh của Hải quan, hoặc doanh nghiệp không thực hiện khai báo chiết khấu, giảm giá.
Trao đổi với phóng viên, một giám đốc làm trong lĩnh vực tư vấn nhập khẩu ô tô cho biết, kết luận cuối cùng của vụ việc này phải do cơ quan điều tra. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, Euro Auto đã tự làm chứng từ nhập khẩu vì đây là “mánh” hạ thấp giá trị của xe với mục đích phải nộp thuế ít hơn. Dù chưa thể khẳng định nhưng có thể đơn vị này đã khai thông tin sai giá. Ví dụ, sản phẩm xuất khẩu ở bên kia là 10 nghìn USD, bên này lại tự làm chứng từ là 5 nghìn USD. Chiêu thức này có thể đã bị phát giác qua các loại tài liệu có được để chứng minh sự sai lệch của các chứng từ giả để trốn thuế.
Chiêu “làm giá” qua công ty thứ 3
Trong văn bản chỉ đạo các đơn vị Hải quan địa phương thực hiện kiểm tra, tham vấn và xác định trị giá trong khâu thông quan mới đây, Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, qua kiểm tra theo dõi tại cơ sở dữ liệu giá đối với các mặt hàng nhập khẩu ô tô phát hiện có tình trạng doanh nghiệp khai báo giá thấp hơn cơ sở dữ liệu giá của cơ quan hải quan.
Tiết lộ những chiêu thức “làm giá” để trốn thuế, một người trong giới nhập khẩu xe cho biết, hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cả chính hãng và không chính hãng đều nhập khẩu ô tô từ một công ty thứ 3 thay vì nhập khẩu trực tiếp từ nhà sản xuất. Việc này sẽ được lợi dụng để khai báo giá trị các mẫu xe nhập về thị trường Việt Nam không đúng với giá nhập khẩu. Về nguyên tắc, những chiếc xe có giá trị cao thì thuế cũng cao. Vì vậy, khi xe “qua tay” bên thứ 3, giá bán đã được “xử lý” và thông thường được khai báo thấp hơn giá trị thực để khi về Việt Nam sẽ có giá trị thấp hơn thực tế.
Cũng theo tiết lộ của một người am hiểu trong lĩnh vực nhập khẩu xe, bên thứ 3 thường là các công ty nằm tại các nước như: Panama, Hong Kong, Malaysia… có chính sách miễn thuế doanh nghiệp. Về mặt pháp lý, đường đi của những chiếc xe này là vận dụng luật thương mại quốc tế nhưng cái sai ở chỗ là giá trị thực tế của chiếc xe đã được khai báo không đúng với giá nhập khẩu nhằm giảm thiểu khá nhiều tiền thuế. Tại Việt Nam hiện nay, chỉ có một vài doanh nghiệp ô tô trưng được tờ khai xuất khẩu. Tờ khai xuất khẩu thể hiện sự minh bạch vì trên tờ khai xuất khẩu sẽ có giá nhập khẩu ô tô khi về đến Việt Nam.
Để thực hiện chiêu thức này, khi chiếc xe nhập khẩu đi qua bên thứ 3 trước khi nhập về Việt Nam, nhà sản xuất vẫn sẽ nhận đủ tiền nhưng do bên thứ 3 thanh toán chứ không phải doanh nghiệp nhập khẩu ô tô Việt Nam.
Ví dụ, một chiếc xe có giá trị nhập khẩu là 50.000 USD, nhà sản xuất vẫn nhận đủ số tiền 50.000 USD và là giá trị nhập khẩu được ghi trong hóa đơn thương mại gốc. Nhưng ở Việt Nam, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô sẽ chỉ khai báo giá trị 40.000 USD và chuyển cho bên thứ 3 số tiền 40.000 USD theo khai báo giá trị để thanh toán cho nhà sản xuất. Còn lại 10.000 USD sẽ được thanh toán theo kênh không chính thức, chuyển tiền đen.
Thực tế gần đây đã có nhiều doanh nghiệp bị Tổng cục Hải quan bác bỏ tờ khai thuế với những mẫu xe nhập về và truy thu số tiền thuế chênh lệch do đã thực hiện theo cách lách thuế kể trên.
Một chiêu thức lách thuế khác cũng được các công ty nhập khẩu xe áp dụng là nhập khẩu xe theo diện quà biếu, tặng. Hiện, quy định cho phép mỗi công ty trong 1 năm được nhập 1 chiếc nên sẽ có tình trạng lập công ty làm trung gian nhập xe về. Sau khi đã hoàn thành phi vụ sẽ giải thể, lập ra công ty khác để tiếp tục nhập xe khác theo dạng quà biếu về Việt Nam. Về bản chất, đây chính là chiêu lách thuế hiệu quả của các doanh nghiệp. Với cách thức này, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện có sai phạm, truy thu thuế thì công ty đã giải thể, không thể truy thu thuế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận