Số lượng khách hàng mang xe đến kiểm tra chiếm tỉ lệ rất thấp khi Toyota triệu hồi hai dòng xe Innova và Fortuner. |
Người tiêu dùng không mặn mà
Đối với một chiến dịch triệu hồi xe, ngay sau khi phát hiện ra lỗi, doanh nghiệp sẽ phải lên kế hoạch chi tiết về thời gian, địa điểm thực hiện và chuẩn bị phụ tùng thay thế (nếu cần), đồng thời gửi báo cáo xin ý kiến chấp thuận từ Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Sau khi kết thúc thời gian khắc phục lỗi theo kế hoạch trước triệu hồi đã được phê duyệt, doanh nghiệp phải tổng hợp số lượng xe đã sửa chữa và kết quả thực hiện, gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam để đánh giá chất lượng và hiệu quả của chương trình.
Nếu như ở thời điểm trước năm 2013, khi các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xe ở Việt Nam thường tìm cách né tránh hoặc giấu diếm các chương trình triệu hồi, lập tức sẽ bị lên án thiếu trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, lúc vấn đề triệu hồi trở nên công khai và kịp thời, thì trên thực tế lại xuất hiện nghịch lý khiến hiệu quả đạt được luôn ở mức thấp, mà nguyên nhân bắt nguồn từ người tiêu dùng.
Khi các nhà sản xuất và kinh doanh xe thực hiện nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi tất yếu cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, thì cũng là lúc họ nhận ra rằng người tiêu dùng Việt không mấy mặn mà với việc đưa xe đi kiểm tra và khắc phục lỗi (nếu có) dù đã nhận được khuyến cáo kịp thời.
Trong các báo cáo tổng kết các chiến dịch triệu hồi gửi tới Cục Đăng kiểm Việt Nam, không có bất kỳ một chương trình nào đạt đủ 100% số lượng xe đến kiểm tra theo danh sách công bố trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ triệu hồi thực tế luôn chỉ đạt mức dưới 50% lại là một con số đáng để suy ngẫm.
Trở lại năm 2013, thời điểm người tiêu dùng trong nước đang “sôi sục” về vấn đề chất lượng xe cũng như tần suất xuất hiện các chiến dịch triệu hồi dày đặc, thì kết quả mà các hãng xe ghi nhận cũng chỉ đạt khoảng 20%.
Hiệu quả thấp
Số liệu tổng hợp từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh và Bộ Công thương đều cho thấy, hiệu quả của hầu hết các chương trình triệu hồi với tổng lượng xe lỗi lên đến hàng trăm nghìn chiếc, đều ở mức rất thấp.
Bằng chứng cho thấy, sau hai năm tiến hành triệu hồi hơn 66 nghìn chiếc Innova và Fortuner (từ tháng 4/2011 đến giữa năm 2013), số lượng khách hàng của Toyota mang xe đến kiểm tra và sửa chữa miễn phí cũng chỉ đạt 18%. Điều đặc biệt, chương trình triệu hồi này vốn chỉ được Toyota mở ra dưới áp lực của người tiêu dùng, sau vụ kỹ sư Tạch tố cáo liên doanh xe Nhật Bản ỉm lỗi kỹ thuật và chất lượng xe.
Ít thời gian sau đó, một chương trình triệu hồi khác từ VinaStar, đơn vị phân phối chính thức xe Mitsubishi ở Việt Nam cũng đạt hiệu quả rất thấp (dưới 10%), dù lỗi nứt tay đòn treo và rò rỉ nhiên liệu trên hai dòng xe Pajero Sport và Triton được đánh giá là rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, trong rất nhiều chiến dịch triệu hồi xe thời gian qua, chỉ có duy nhất một chương trình được đánh giá có hiệu quả khả quan với tỷ lệ xe đến khắc phục lỗi lên đến 68% trong vòng nửa năm, do Yamaha thực hiện trên dòng xe Nozza.
Tâm lý chủ quan là nguyên nhân khiến nhiều người tiêu dùng trong nước không mấy mặn mà với các chiến dịch triệu hồi khắc phục xe lỗi, dù đã nhận được thông báo và khuyến cáo từ nhà sản xuất về những nguy cơ gây mất an toàn trong khi sử dụng. Từ đó, cũng không quá khó hiểu khi hiệu quả của các chiến dịch triệu hồi xe ở Việt Nam luôn ở mức rất thấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận