Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều mẫu ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã chuyển sang nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN. Đây được coi là động thái tái cơ cấu sản xuất của các thương hiệu ô tô lớn, khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%.
Nhiều mẫu xe chuyển sang nhập khẩu
Ngay trước thời điểm 1/1/2018, khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN chính thức về 0%, nhiều thương hiệu ô tô trong nước đã chuyển từ sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) sang nhập khẩu nguyên chiếc (CBU).
Khởi đầu là Toyota Việt Nam (TMV) ngưng lắp ráp mẫu xe ăn khách Toyota Fortuner từ đầu năm 2017 để chuyển qua nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia. Đây là động thái chạy đà sớm và thành công nhất của liên doanh ô tô Nhật Bản. Sau khi nhập khẩu, Fortuner liên tiếp dẫn đầu phân khúc của mình.
"Bộ Công thương vừa đề xuất phương án không tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho các ô tô sản xuất trong nước. Tôi thấy chính sách này rất tốt và phải làm ngay. Nếu chúng ta làm cái này, ngay cả các doanh nghiệp chuyển từ lắp ráp sang nhập nguyên chiếc cũng sẽ quay trở lại lắp ráp. Khi họ lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ mới có thể phát triển."
Ông Trần Bá Dương
Chủ tịch THACO - Trường Hải đề xuất tại Hội nghị Công nghiệp hỗ trợ vừa diễn ra tại Hà Nội
Sau TMV, Honda Việt Nam (HVN) cũng chuyển đổi một số mẫu xe ăn khách như: CR-V và Civic từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu nguyên chiếc. Khi còn chịu thuế nhập khẩu 30% giá xe CR-V và Civic khá cao nhưng từ thời điểm 1/1/2018 loạt xe nhập khẩu của Honda đã giảm giá mạnh do được miễn thuế nhập khẩu.
Hai mẫu xe Suzuki Swift và Mazda2 cũng đã chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan. Việc mẫu xe Suzuki Swift chuyển sang nhập khẩu được coi là dễ hiểu khi mẫu xe này không có doanh số ấn tượng. Do đó, việc tiếp tục đầu tư vào lắp ráp tại Việt Nam được coi là bài toán không mấy hiệu quả với Suzuki Việt Nam. Lý giải nguyên nhân chuyển sang nhập khẩu Mazda2, đại diện THACO cho biết: “Việc chuyển đổi chỉ là phân bổ lại cơ cấu sản xuất các mẫu xe Mazda trong khu vực ASEAN để đảm bảo hiệu quả chung của các nhà máy Mazda trong khu vực”.
Mới nhất, Ford Việt Nam cũng đã ngừng lắp ráp mẫu Fiesta tại nhà máy ở Hải Dương và theo dự đoán rất có thể mẫu xe này sẽ được nhập khẩu trong thời gian tới.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, việc chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu đối với một vài mẫu xe tại Việt Nam trong thời gian qua đã được các hãng chuẩn bị từ trước đó bằng cách mở rộng sản xuất ô tô tại Thái Lan và Indonesia bởi việc nhập khẩu tốn ít chi phí hơn sản xuất lắp ráp. Trong khi đó, công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam chưa phát triển, dẫn đến việc xe sản xuất, lắp ráp muốn cạnh tranh với ô tô nhập khẩu càng khó khăn. Vì vậy, hiện tượng các hãng có nhà máy trong khu vực tái cơ cấu lại sản xuất trong khu vực là xu thế tất yếu.
Công nghiệp phụ trợ sẽ quyết định sự thành bại
Là người theo dõi khá sâu về lĩnh vực ô tô, ông Thành Lê, Quản trị viên Diễn đàn Otofun nhận định: “Các hãng xe đều đang kinh doanh và phải tính toán tối đa lợi nhuận. Khi các rào cản về thuế quan được gỡ bỏ, các hãng xe thường tính toán đến hình thức kinh doanh tối ưu nhất. Hiện tại, ô tô nhập khẩu ASEAN có thuận lợi về mặt tâm lý khách hàng ưa chuộng hàng nhập khẩu. Ngoài ra, chi phí xe nhập khẩu thấp hơn giá thành của xe sản xuất lắp ráp trong nước. Nhưng hiện tại chất lượng ô tô trong nước sản xuất những năm gần đây đã cải thiện rất nhiều. Nhiều thương hiệu ô tô lớn đã đưa vào sử dụng công nghệ sản xuất và quản lý mới nhất để đảm bảo chất lượng cho những chiếc xe của mình”.
Theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng không phải là chuyển hướng hay không mà phải nhìn vào những đầu tư cho ngành công nghiệp này. Nếu những nhà máy có sản lượng lớn được đầu tư dây chuyền hiện đại thì ngoài chất lượng, chi phí khấu hao cũng được giảm xuống. Điều này sẽ giúp giá thành những chiếc xe sản xuất, lắp ráp trong nước có thể giảm đáng kể. Vì vậy, ngoài đầu tư sản xuất, công nghiệp ô tô cần một nền công nghiệp phụ trợ đủ mạnh để có thể song hành. Vì vậy, cần có những chính sách bài bản và dài hơi mới có thể giúp những chiếc ô tô được sản xuất tại Việt Nam đủ sức cạnh tranh, vươn ra khu vực.
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, thông thường trên một chiếc xe, các doanh nghiệp phụ trợ đóng góp khoảng 65% tổng thành còn hãng xe chỉ khoảng 35% như: động cơ, hộp số... Do đó, việc phát triển công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng đối với nền công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.
“Để phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam, việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện nhập khẩu là việc trước sau gì cũng phải làm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể miễn một số loại thuế cho doanh nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện đạt tiêu chuẩn quốc tế như: thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện trong nước, thuế nhập khẩu nguyên vật liệu,… trong một số năm nhất định, để thu hút sản xuất phụ trợ vào Việt Nam. Tuy không có nguồn thu từ các loại thuế này nhưng bù lại, khi các doanh nghiệp phụ trợ vào, tạo công ăn việc làm cho nhiều người nên vẫn có thể thu được từ thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, việc miễn thuế phải xem xét kỹ lưỡng để tránh vi phạm cam kết quốc tế”, ông Nguyễn Minh Đồng cho biết.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam vừa diễn ra, nhóm công tác công nghiệp ô tô và xe máy đưa ra quan điểm ủng hộ chủ trương hỗ trợ của Chính phủ để phát triển ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Để làm được điều đó, nhóm công tác đề xuất nhóm chính sách nhằm duy trì và thúc đẩy thị trường ô tô tăng trưởng ổn định và dài hạn. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe CKD và xe CBU dựa trên nguyên tắc đảm bảo đối xử công bằng, minh bạch với tất cả các hãng xe trong nước. Cuối cùng, cần có chính sách cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phát triển sản xuất trong nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận