Kỹ sư Tạch, người dũng cảm tố cáo Toyota Việt Nam giấu lỗi kỹ thuật trên sản phẩm |
Triệu hồi xe để khắc phục lỗi kỹ thuật là hoạt động không còn xa lạ đối với người tiêu dùng trên thế giới nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Là ngành Công nghiệp non trẻ, lại chủ yếu do các “ông lớn” nước ngoài thâu tóm trong khi thị trường dễ dãi thì việc “dám” thừa nhận và thẳng thắn thực hiện trách nhiệm khi phát hiện xe lỗi luôn bị các hãng xe lờ đi.
Cái tên đầu tiên và sự kiện “đặc biệt” năm 2011
Trước những năm trước 2010, rất khó tìm ra được một thông tin triệu hồi xe ở thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, xe máy có xu hướng “bế quan tỏa cảng” với những thông tin về hoạt động triệu hồi xe đang “bùng nổ” ngoài biên giới Việt Nam. Họ tuyệt nhiên không đề cập đến xe ở trong nước dù đã có những nghi ngờ về chất lượng.
Trong giai đoạn đó, không hẳn ô tô, xe máy ở Việt Nam không có lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xe thường “âm thầm” sửa lỗi khi người tiêu dùng mang xe đi bảo dưỡng định kỳ hoặc tổ chức đơn lẻ những chương trình kiểm tra xe miễn phí, vốn có thể mục tiêu cuối cùng nhằm khắc phục lỗi mà doanh nghiệp xe không muốn công khai.
Honda Việt Nam trở thành cái tên đầu tiên bị người tiêu dùng và giới truyền thông “lật tẩy” khi cố tình giấu diếm lỗi kỹ thuật trên dòng xe Lead. Giữa tháng 10/2010, nhiều chủ sở hữu xe Honda Lead không khỏi hoang mang khi một số đại lý ủy nhiệm (HEAD) của liên doanh xe máy lớn nhất Việt Nam đã thông báo mang xe đến bảo dưỡng, nhưng lại được thay bình xăng mới mà không có bất kỳ khuyến cáo nào.
Trong khi các HEAD ồ ạt thay mới bình xăng cho Lead, Honda Việt Nam vẫn luôn khẳng định với báo giới họ không hay biết về hoạt động này. Phải đến khi truyền thông trong nước đưa ra những bằng chứng cụ thể, Honda Việt Nam mới chính thức ra một thông báo triệu hồi 2.154 chiếc Lead do rò rỉ nhiên liệu ở bình xăng.Kể từ đó, người tiêu dùng trong nước bắt đầu đặt những dấu hỏi xung quanh trách nhiệm của các hãng xe đối với sản phẩm của mình.
Khi các câu hỏi chưa có lời đáp cụ thể, một vụ việc hy hữu liên quan đến chất lượng xe Toyota xuất hiện và nhanh chóng trở thành “sự kiện” đặc biệt của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong năm 2011.Sự việc bắt nguồn từ nội bộ Toyota Việt Nam (TMV), khi KS Lê Văn Tạch, một nhân viên của liên doanh ô tô Nhật Bản gửi đơn tố cáo TMV đến nhiều cơ quan chức năng và báo chí về hành vi ăn bớt vật liệu sản xuất một số dòng xe cũng như không triệu hồi xe dù biết rõ lỗi.
“Cuộc chiến” giữa kỹ sư Tạch với chính tổ chức của mình ngày càng được mở rộng. Các cơ quan quản lý vào cuộc điều tra và trước sức ép của đông đảo người tiêu dùng, TMV buộc phải công khai lỗi trên sản phẩm và lần đầu triệu hồi hơn 66.000 xe ở thị trường trong nước.
Sau sự việc của TMV, một số doanh nghiệp xe trong nước đã rút ra được “bài học” và thể hiện có trách nhiệm hơn đối với người tiêu dùng. Năm 2012, chính thức trở thành cột mốc đáng nhớ khi nhiều hãng xe ít giấu diếm hay né tránh vấn đề lỗi kỹ thuật trên sản phẩm.
Năm đó, các doanh nghiệp xe đã “tự nguyện” hoặc “miễn cưỡng” công bố các chương trình triệu hồi với số lượng xe lỗi lên đến gần 170.000 chiếc các loại gồm cả ô tô và xe máy. Triệu hồi nhưng không công khai lý do lỗi Tuy nhiên, không phải chiến dịch triệu hồi nào phát đi cũng mang đến sự hài lòng cho người tiêu dùng, bởi vẫn có những thương hiệu thực hiện triệu hồi nhưng không công khai lý do lỗi...
Triệu hồi nhưng không công khai lý do lỗi
Tuy nhiên, không phải chiến dịch triệu hồi nào phát đi cũng mang đến sự hài lòng cho người tiêu dùng, bởi vẫn có những thương hiệu thực hiện triệu hồi nhưng không công khai lý do lỗi...
Còn nhớ, thời điểm 2012, chương trình triệu hồi xe Liberty của Piaggio Việt Nam từng gây bức xúc lớn với người tiêu dùng. Liên doanh xe Italy đã bất ngờ gửi thông báo tới rất nhiều khách hàng đưa xe Liberty trở lại đại lý để thay vành sau nhưng giữ kín nguyên nhân và số lượng xe lỗi.
Đặc biệt, chương trình triệu hồi lần đó của Piaggio Việt Nam cũng khá “nực cười” khi có không ít đại lý chính thức của liên doanh xe Italy không biết đến thông tin này và bắt khách hàng phải trả tiền khi được yêu cầu thay vành mới theo thư thông báo của hãng.
Trong năm đó, GM Việt Nam cũng đã có hành động tự làm khó mình với loạt sản phẩm lỗi. Sau khi phát hiện cụm điều khiển hệ thống chống bó cứng phanh ABS trên dòng xe Chevrolet Captiva, liên doanh xe Mỹ lập tức lên kế hoạch khắc phục và sửa chữa lỗi, kèm văn bản xin phê duyệt gửi tới Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt thực hiện triệu hồi, GM Việt Nam lại “quên” thông báo tới khách hàng. Khi báo chí phản ánh vụ việc, GM Việt Nam “bao biện” rằng, chương trình triệu hồi của họ đã được đăng công khai trên trang thông tin của Cục Đăng kiểm Việt Nam và khách hàng cứ chủ động mang xe đến đại lý để khắc phục lỗi.
Sau khi bị tố, GM Việt Nam mới phát đi thông cáo báo chí nêu rõ về chiến dịch triệu hồi với số lượng xe lên đến 10.342 chiếc.
Ở những năm tiếp sau, các chiến dịch triệu hồi xe ở Việt Nam thể hiện “bộ mặt” mới khi các doanh nghiệp kinh doanh xe tỏ ra minh bạch khi phát hiện lỗi kỹ thuật. Những hoạt động sửa chữa hoặc triệu hồi hàng loạt xe lỗi theo quy định của hãng mẹ diễn ra thường xuyên hơn.
Án phạt gây “chấn động” Trong suốt chiều dài lịch sử của ngành công nghiệp ô tô và xe máy thế giới, số lượng các chiến dịch triệu hồi sửa chữa xe lỗi cộng dồn đến thời điểm hiện tại nhiều đến mức mà chưa có bất kỳ một tổ chức nào dám công bố một con số cụ thể. Tần suất xuất hiện các chương trình triệu hồi xe luôn tỉ lệ thuận với mức độ gia tăng số lượng xe sản xuất ra hằng năm. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một thập kỷ qua, những chiến dịch triệu hồi có quy mô lớn, lên đến cả triệu xe mới thường xuyên diễn ra. Nếu như ở thế kỷ trước, các chương trình triệu hồi xe lỗi thường nhỏ lẻ với số lượng xe không nhiều, bởi tính toàn cầu hóa trong quy trình chế tạo xe ở mức thấp, và các hãng cũng khá dè dặt khi đề cập tới những vấn đề liên quan đến chất lượng. Thì đến nay, các hãng sản xuất có phần chủ động và minh bạch hơn trong việc triệu hồi xe. Để có được điều đó, các cơ quan thực thi pháp luật, cũng như người tiêu dùng ở nhiều nước đã phải “đấu tranh” quyết liệt trong một khoảng thời gian dài với các nhà sản xuất. Dấu mốc trở thành “cuộc cách mạng” khiến các hãng xe thay đổi nhận thức và hành động đối sản phẩm lỗi chính là vụ việc Toyota bị cơ quan chức năng Mỹ đưa ra “ánh sáng” vì hành vi cố tình che dấu và chậm khắc phục lỗi tăng tốc đột ngột trên nhiều dòng xe. Án phạt nặng nề dành cho Toyota tại Mỹ cuối thập niên trước đã gây “chấn động” đối với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nơi trước đó người tiêu dùng hầu như không có khái niệm về triệu hồi xe. |
Kỳ tới: Hiệu quả của các chiến dịch triệu hồi xe
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận