Anh Ngô Văn Tới (Nam Định) hỏi: Em trai tôi điều khiển ô tô đến đỗ trước một cửa hàng, trong lúc mở cửa xe ô tô để xuống mua đồ thì bất ngờ một chiếc xe máy do một nam thanh niên điều khiển đâm vào cánh cửa khiến nam thanh niên này bị thương. Vậy, em trai tôi có phải chịu trách nhiệm gì không và như nào?
Liên quan đến thắc mắc này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật cho biết, tại Điểm g Khoản 2 và Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, trường hợp người điều khiển xe mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Trường hợp có hành vi vi phạm trên gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Trong trường hợp mở cửa xe gây hậu quả nghiêm trọng làm chết người, hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì theo Điều 260 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định mức phạt tiền cho người vi phạm từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Mức phạt này tăng nặng hơn so với mức phạt ở Điều 202 Bộ luật hình sự cũ, tại Điều 202 Bộ luật hình sự cũ, mức phạt tiền chỉ từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Như vậy, theo luật mới, mức hình phạt thấp nhất về phạt tiền (là hình phạt chính) tăng lên gấp 6 lần (từ 5 triệu đồng lên 30 triệu đồng) nhưng mức hình phạt cao nhất về hình phạt tù có thời hạn không thay đổi (5 năm tù).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận