“Mua xe chạy thuế” là khái niệm được dân kinh doanh ô tô đặt ra từ hàng chục năm trước, hàm ý người tiêu dùng đổ xô mua xe trước mốc tăng thuế, giá xe sẽ lên sau thời điểm hiệu lực.
Những mốc “chạy thuế” đáng nhớ trong hai chục năm qua có thể kể tới. Như năm 2004 thuế tiêu thụ đặc biệt xe dưới 5 chỗ tăng từ 5% lên 24% khiến cuối năm 2003, khách hàng giành giật nhau suất cọc để mua xe trước mốc 1/1/2004.
Năm 2008, thuế nhập khẩu ô tô lại tăng từ mức 60% lên 70% cho xe mới và thuế tuyệt đối của xe cũ nhập khẩu tăng 10% để hạn chế ách tắc giao thông, theo yêu cầu của Chính phủ. Trước mốc tăng thuế, thị trường xe hơi lại nháo nhào chạy thuế.
Đầu tháng 5/2009 do kinh tế khó khăn Chính phủ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ và 50% thuế GTGT cho ô tô đến hết năm. Trước thời điểm chính sách kết thúc hiệu lực cuối năm 2009, dân tình lại đua nhau mua xe.
Một mốc đáng nhớ là ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu xe dưới 9 chỗ từ ASEAN về Việt Nam giảm từ 30% về 0% theo hiệp định ATIGA. Mốc này khiến thị trường ô tô điêu đứng suốt năm 2017. Người dân trì hoãn mua xe nội địa, sau đó bùng nổ doanh số với mức tăng gần gấp đôi lượng tiêu thụ trong những hai đầu năm 2019.
Từ năm 2020 đến nay, thêm một khái niệm mới "đợi giảm phí trước bạ" của dân kinh doanh ô tô. Nhịp điệu của việc chờ đợi giảm phí trước bạ giống như lò xo bị nén, chờ thời điểm bung ra hết cỡ.
Số liệu chứng minh, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2020, thời điểm chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ gần hết hiệu lực, thị trường ô tô đột nhiên hồi phục mạnh mẽ, người tiêu dùng mang tâm lý “mua xe chạy lệ phí trước bạ” khi tới showroom, giúp sản lượng xe lắp ráp trong nước tăng vọt. Doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 12/2020 đạt 47.865 xe, tăng 31,6% so với tháng 11/2020 và tăng 45% so với tháng 12/2019.
Tháng cuối cùng của năm 2023, sức mua ô tô tăng đột biến, đạt 38.740 xe, tăng 39% so với tháng 11/2023 và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân không mới, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ đối với ô tô trong nước hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023.
Mới nhất, tiêu thụ ô tô tháng 9 vọt lên với tổng số 36.585 xe được bán ra, tăng 45% so với tháng 8 (25.196 xe) và tăng 44% so với cùng kỳ năm trước (24.687 xe). Đây cũng là tháng có lượng tiêu thụ ô tô cao nhất trong 9 tháng của năm 2024. Các hãng đua nhau báo sản lượng tiêu thụ kỷ lục tính theo tháng, nhờ 50% lệ phí trước bạ được giảm từ 1/9.
Thị trường ô tô Việt Nam có đặc thù rất riêng, không giống các nước trong khu vực.
Thứ nhất, Việt Nam vẫn là thị trường tiêu thụ là chính, xuất khẩu không đáng kể, phụ thuộc rất lớn vào sự điều tiết về thuế phí của Nhà nước, thuế phí hiện chiếm một phần ba giá trị xe.
Thứ hai, các nhà sản xuất lớn vừa nhập khẩu vừa lắp ráp song song cho một thương hiệu nước ngoài. Sức ép của xe nhập khẩu nội khối ASEAN ngày càng tăng, trong khi giá thành các mẫu xe lắp ráp vẫn cao.
Thứ ba, phí trước bạ ô tô và thuế GTGT vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách nhiều địa phương, các địa phương vẫn cần khoản thu này trong dài hạn.
Bởi vậy, cách thị trường ô tô vận hành trong thời gian tới sẽ không thay đổi nhiều, do cách điều hành chính sách tạo nút thắt - mở về thuế phí, giải phóng sức mua có tính tức thời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận