Năm 2018 chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của ô tô nội với tăng trưởng đột biến về cả doanh số cũng như thị phần. Trụ vững trước áp lực rất lớn từ xe nhập khẩu miễn thuế từ ASEAN, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sự chuyển hướng mạnh mẽ mang tính bước ngoặt làm bàn đạp cho một chu kỳ phát triển mới.
Xe nội tăng cả doanh số lẫn thị phần
Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 11/2018, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp trực thuộc đã đạt hơn 253 nghìn xe, tăng 4% so với cùng kỳ. Trong đó, các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt doanh số hơn 193 nghìn xe (tăng 11%), trong khi xe nhập khẩu (CBU) chỉ đạt hơn 60 nghìn xe (giảm 14%) so với cùng kỳ. Tỷ lệ trên chưa thể hiện hết sự vươn lên của các mẫu xe lắp ráp trong nước (CKD) bởi chưa tính doanh số của một hãng xe lớn khác hoàn toàn được lắp ráp trong nước là Hyundai Thành Công (không nằm trong VAMA).
Nếu cộng thêm doanh số gần 58 nghìn của cả Hyundai Thành Công (doanh nghiệp hiện chuyển hoàn toàn sang lắp ráp ô tô) thì tỷ lệ xe CKD chiếm tới gần 80% thị phần ô tô tại Việt Nam.
"Nếu đạt được tỷ lệ nội hóa trên 40% và được ASEAN công nhận, ô tô Việt Nam hoàn toàn có thể tính tới việc xuất khẩu đi các nước trong khu vực để cạnh tranh. Ví dụ, như VinFast hiện đang rất muốn xuất khẩu ô tô, nếu đạt được các yêu cầu thì đó là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, có thể giúp tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay cũng cần phải có những cơ chế, chính sách từ phía Nhà nước và sự nỗ lực từ chính doanh nghiệp muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa."
Chuyên gia kinh tế
Lê Đăng Doanh
Đến nay, THACO Trường Hải vẫn là doanh nghiệp có thị phần ô tô lớn nhất tại Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2018, doanh số của 8 thương hiệu thuộc THACO đã đạt doanh số 88.181 nghìn xe (tăng 9% so với cùng kỳ năm trước) và chiếm 36% miếng bánh thị phần, tăng 0,4% thị phần so với cùng kỳ năm trước.
Một thương hiệu có mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2018 là Hyundai Thành Công (HTC). Cộng dồn 11 tháng đầu năm 2018, HTC đã bán ra tới 57.519 xe và nắm giữ 19,4% thị phần ô tô trong nước, tăng gấp đôi doanh số của cả năm 2017. HTC đang có những tháng ngày đặc biệt thành công khi hầu hết các mẫu xe của thương hiệu Hyundai đều đang tăng trưởng mạnh sau khi chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp tại Việt Nam. Nhiều mẫu xe như: Accent, Kona, i10… đều “cháy hàng” do không sản xuất kịp để đáp ứng nhu cầu.
Mảng xe lắp ráp của Toyota cũng có một năm thành công, đặc biệt là với 4 mẫu xe chiến lược gồm: Vios, Innova, Camry, Altis. Trong 11 tháng đầu năm 2018, 4 mẫu xe lắp ráp của Toyota đạt doanh số 46.144 nghìn xe so với 36.620 xe cùng kỳ năm trước, tăng 26%.
Chỉ tính riêng mảng xe lắp của Ford Việt Nam (EcoSport, Fiesta, Focus, Transit) đến hết 11 tháng của năm 2018 cũng đã bán được 11.942 xe, tăng 14,3% so với cùng kỳ và chiếm 57,7% tổng doanh số của hãng.
Trong năm qua thị trường ô tô Việt Nam cũng đón nhận một nhân tố mới là VinFast. Thương hiệu xe thuần Việt này đang ấp ủ nhiều kỳ vọng trở thành một thế lực mới tại thị trường trong nước. VinFast dự kiến sẽ có tỷ lệ nội địa hóa cao để hướng tới xuất khẩu ô tô ra khu vực, thế giới. Dự kiến, những chiếc xe đầu tiên của VinFast sẽ bắt đầu được bán ra ngay đầu năm 2019.
Xác lập hướng đi mới
Có thể nói, ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam đã trải qua một năm 2018 với nhiều chính sách quan trọng, mang tính bước ngoặt. Đầu tiên là Nghị định 116 quy định về điều kiện kinh doanh, sản xuất và nhập khẩu ô tô chính thức có hiệu lực ngay lập tức đã tác động đến thị trường xe nhập khẩu. Với các quy định mới về tiêu chuẩn đối với xe nhập khẩu như: Bắt buộc phải có giấy chứng nhận kiểu loại (VTA); Kiểm tra theo lô thay vì theo mẫu xe như trước... đã khiến xe nhập khẩu phải tự nâng cao các điều kiện để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng cũng như tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn với xe lắp ráp trong nước.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) khẳng định, các quy định đối với ô tô nhập khẩu tại Nghị định 116 và Thông tư 03 là nhằm mục đích đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ đối với ô tô nhập khẩu về Việt Nam, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như sự bình đẳng giữa ô tô sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu chứ không phải là lập hàng rào để làm khó xe nhập khẩu, tạo lợi thế cho xe sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, với những hàng rào kỹ thuật đối với xe nhập khẩu đã mở ra những cơ hội cạnh tranh tốt hơn giữa xe nội với xe ngoại, nhất là trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về mức 0% theo Hiệp định Thương mại ATIGA. Các quy định mới đã khiến xe nhập khẩu phải định hình lại cuộc chơi và buộc phải tính toán kỹ hơn các phương án nhập khẩu xe để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Các chính sách mới cũng được coi là cơ hội cho các doanh nghiệp có tâm huyết phát triển công nghiệp ô tô yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất và nâng cao tỷ lệ nội địa hoá.
Thực tế, trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô tại VN hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều vừa sản xuất, lắp rắp đồng thời cũng là nhà nhập khẩu ô tô. Chính vì vậy, theo nhận định, với cơ cấu doanh nghiệp như vậy, các doanh nghiệp sẽ rất linh hoạt trong việc điều chỉnh chiến lược của mình. Nếu thấy mảng lắp ráp thuận lợi thì sẽ đẩy mạnh sản xuất trong nước, ngược lại sẽ chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2018 gần như tất cả các hãng đã lo xong thủ tục nhập khẩu ô tô về Việt Nam. Nên sang năm 2019, lợi thế bán hàng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ mất dần.
Ô tô Việt tìm đường xuất khẩu
Là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn nhất Việt Nam hiện nay, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACOTrường Hải mới đây cho biết, bước vào giai đoạn hội nhập ASEAN doanh nghiệp này đã chủ động nắm bắt cơ hội và từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô, từng bước xuất khẩu xe.
Cụ thể, hiện nay xe buýt của THACO chiếm hơn 70% thị trường Việt Nam. Thời gian tới THACO sẽ ký kết với Mercedes, Volvo để sản xuất xe bán tại thị trường Việt Nam và xuất qua ASEAN nhằm tận dụng thuế suất ưu đãi 0%. Trong tháng 1/2019, THACO bắt đầu xuất khẩu xe buýt sang thị trường Thái Lan, Philippines. Đối với xe tải trung cấp, THACO cũng đang chiếm 40% thị phần tại Việt Nam và sẽ được xuất khẩu sang các nước ASEAN với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40%.
“Trong giai đoạn tới đây, chúng tôi cũng đang nỗ lực để nâng tỷ lệ nội địa hóa của xe con (Kia, Mazda) lên 40%, xuất khẩu sang các nước có tay lái thuận trong ASEAN”, ông Dương cho biết thêm.
Kể từ năm 2018, Hyundai Thành Công (HTC) cũng đã chuyển hoàn toàn sang sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với tỷ lệ nội địa hóa đạt trung bình 12 – 14%. Mục tiêu của nhà sản xuất này đến năm 2019 đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% và trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm ô tô Hyundai trong khu vực. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc HTC cho biết, Nhà máy Ô tô Hyundai thứ 2 đang được gấp rút xây dựng không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu, trở thành trung tâm sản xuất của Hyundai trong khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó, HTC cũng đã và đang nỗ lực mở rộng mạng lưới các doanh nghiệp phụ trợ nhằm cung cấp phụ tùng linh kiện, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Toyota Việt Nam (TMV) cũng đang đẩy mạnh việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Điều này thể hiện rõ nhất thông qua mẫu xe Toyota Vios 2018 ra mắt hồi tháng 8/2018 vừa qua. Tại lễ ra mắt, ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc TMV chia sẻ: “Trên Toyota Vios, mẫu xe CKD chiến lược của TMV, số lượng phụ tùng trong nước đã tăng gấp 3 lần so với thế hệ cũ, từ 51 phụ tùng lên 151 phụ tùng. Hiện tại, về số lượng nhà cung cấp đã tăng lên 29 nhà cung cấp với trên 400 sản phẩm, trong đó có 4 nhà cung cấp Việt Nam”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận