Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường ô tô đạt 25.196 chiếc trong tháng 8, giảm 13% so với tháng 7.
Trong đó, doanh số xe du lịch giảm 16%, xe thương mại tăng 1%, xe chuyên dụng giảm 23% so với tháng trước.
Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 12.064 chiếc, giảm 13% và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 13.132 chiếc, giảm 13% so với tháng trước.
Nhiều hãng ô tô và xe máy ghi nhận lượng bán thấp hơn tháng liền trước. Đơn cử, doanh số xe máy Honda đạt 178.514 chiếc, giảm 6,7% so với tháng 7. Mảng kinh doanh ô tô đạt doanh số 1.169 chiếc, giảm tới 51,8%.
TC Motor, đơn vị sản xuất, phân phối xe Hyundai, cho biết doanh số tháng 8 là 4.679 chiếc, giảm nhẹ 12,2% so với tháng trước.
Hay như Toyota bán được 4.700 xe trong tháng 8, gồm 1.911 xe lắp ráp trong nước và 2.789 xe nhập khẩu, giảm khoảng 27% so với 6.588 chiếc bán ra tháng 7.
Dù phần lớn tháng 8 trùng với tháng 7 Âm lịch (còn gọi là tháng cô hồn), giai đoạn kiêng kỵ mua xe theo quan niệm dân gian, lượng ô tô bán ra thị trường năm nay không giảm quá nhiều, chỉ khoảng từ 12 - 13%.
Nếu so với cùng kỳ năm 2023, doanh số các hãng thành viên VAMA còn tăng 12%. Tương tự là mảng kinh doanh xe máy của Honda Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ.
Thậm chí, dẫn đầu Top 10 ô tô bán chạy nhất tháng 8 là Mitsubishi Xforce ghi nhận doanh số 2.504 chiếc - cao hơn rõ rệt các mẫu xe đứng đầu hai tháng trước đó, vốn có lượng bán chỉ từ 1.400 - 1.700 chiếc.
Mẫu ô tô điện VinFast VF 5 bán tốt thứ hai toàn thị trường, cũng đạt doanh số tương đối tốt là 2.220 chiếc, theo nguồn tin riêng.
VAMA nhận định, doanh số tháng 8 tăng do đa số người tiêu dùng có niềm tin vào việc Chính phủ sẽ giảm lệ phí trước bạ ô tô. Cùng đó là nỗ lực ưu đãi, kích cầu của các doanh nghiệp.
Mặt khác, việc ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chính thức được giảm 50% lệ phí trước bạ từ từ ngày 1/9 đến hết 30/11 cũng nhanh chóng có tác động tích cực tới thị trường, hứa hẹn quý cuối năm sôi động hơn cho ngành ô tô.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận