Sáng nay (21/12), Báo Giao thông phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (Green ID) cùng Lab 100RE tổ chức Toạ đàm “Tương lai phát triển xe điện tại Việt Nam”. Tại chương trình, các ý kiến chuyên gia đều đánh giá việc chuyển từ sản xuất phương tiện từ động cơ đốt trong sang xe điện trong là xu thế tất yếu không thể đảo ngược trên thế giới và Việt Nam.
Tại toạ đàm, các chuyên gia cho rằng, việc chuyển sang sử dụng xe điện là xu thế tất yếu không thể đảo ngược và Việt Nam cần nắm bắt cơ hội Ảnh: Tạ Hải
Xe điện ngang giá với các loại xe thông thường vào năm 2025
Tại buổi toạ đàm, TS.Nguyễn Đức Tuyên, Giảng viên Bộ môn Hệ thống điện (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, xu hướng điện hóa trong lĩnh vực giao thông phát triển do sự quan tâm ngày càng lớn tới biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 có 147 quốc gia cam kết phát thải ròng bằng “0”, đã có 6 hãng xe hơi cam kết ngừng sản xuất xe xăng dầu từ đây đến năm 2040, bao gồm: Volvo, Ford, General Motors, Mercedes Benz, BYD va Jaguar Land Rover.
Các nước trong khu vực cũng có những cam kết liên quan đến vấn đề này. Chẳng hạn như Thái Lan cam kết 50% ô tô sản xuất và phân phối từ năm 2030 là xe điện. Năm 2035, tổng số xe chạy bằng điện tại quốc gia này sẽ đạt 18,41 triệu chiếc.
Indonesia đặt mục tiêu 20% sản lượng xe ô tô bán ra là xe điện và xe hybrid vào năm 2025 và tăng dần lên hơn 25% vào năm 2030. 2,2 triệu xe ô tô điện, 13 triệu xe máy điện cùng với gần 32.000 trạm sạc vào năm 2030.
Philippine cũng cam kết xe điện chiếm 21% tổng số phương tiện năm 2030 và 50% năm 2040.
TS. Nguyễn Đức Tuyên, giảng viên Bộ môn hệ thống điện - ĐH Bách khoa Hà Nội - Lab 100 RE
Tại Việt Nam, vấn đề môi trường đang nhận được sự quan tâm của nhà nước và người dân. Các doanh nghiệp sản xuất xe điện trong nước xuất hiện, đi kèm những chính sách hỗ trợ xe điện đang được xây dựng.
Chính phủ cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việc điện hóa trong giao thông và phát triển hạ tầng điện lực, vận hành hệ thống điện và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông có tương tác mạnh mẽ với nhau.
Những động lực cho xe điện phát triển trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng như: Giá dầu cao biến động trong khi giá điện ổn định; Độc lập và an ninh năng lượng và lợi ích về môi trường.
Về công nghệ xe điện, trên thế giới hiện nay đã có những tiến bộ giúp làm tăng phạm vi của xe điện (EV) và giảm chi phí mua xe nói chung. Các chuyên gia trong ngành dự đoán rằng các mẫu xe EV hạng nhẹ sẽ có giá tương đương với các loại xe thông thường vào năm 2025 với thị trường hạng trung và hạng nặng chậm hơn khoảng 5 năm.
Về công nghệ sạc xe, hiện đã có công nghệ hai chiều, hay xe nối lưới, hiện đang trong giai đoạn phát triển thử nghiệm. Ngoài ra, khi thị trường xe điện tiếp tục phát triển, sẽ có cơ hội tái sử dụng pin xe điện để lưu trữ năng lượng trong các hệ thống lưới điện nhỏ. Công nghệ sạc không dây hiện cũng đang được phát triển.
Tuy nhiên, cũng có những rào cản trong việc gia tăng việc sử dụng xe điện như: Phạm vi phương tiện, thiếu cơ sở hạ tầng sạc xe và chi phí trả trước cao cho nhiều loại xe điện; Sự thiếu cơ sở hạ tầng sạc xe; Các mẫu xe EV đắt hơn 38-50% so với các loại xe thông thường.
Về xu hướng phát triển xe điện: Hiện tại, thị trường xe điện các nước được hỗ trợ bởi các chính sách và chương trình của chính phủ nhằm giảm phát thải KNK (khí nhà kính) và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Na Uy, Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu.
Dự báo tăng trưởng thị trường trong tương lai cho thấy hơn một nửa doanh số bán xe mới sẽ là EV vào năm 2040.
"Dự kiến, sau khi xe điện ngang giá với các loại xe thông thường vào khoảng năm 2025, sẽ có nhu cầu lớn hơn đối với xe điện thay vì các mẫu xe PHEV (xe hybrid sạc ngoài) hiện nay", ông Tuyên cho biết.
Hiện nay, phần lớn xe điện ở châu Âu tập trung tại Đức, Na Uy, Anh, Pháp và Hà Lan với 70% tổng số xe du lịch điện tại châu Âu.
Hiện các nước trên thế giới đã công bố lộ trình cụ thể phát triển xe điện. Riêng tại Việt Nam, theo kịch bản của VAMA, 100% xe điện vào năm 2050, lộ trình chia làm 4 giai đoạn: Khởi đầu (2021 – 2030); Tăng trưởng nhanh (2030 – 2040); Tăng trưởng ổn định (2040 – 2045); Hợp nhất ngành công nghiệp (2045 – 2050).
Các điều kiện phát triển xe điện tại Việt Nam như: Cam kết của Chính phú về cắt giảm phát thải; Cơ sở hạ tầng trạm sạc; Tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện ngày càng cao; Chi phí xe điện giảm...
Chuẩn bị nguồn điện thế nào cho xe điện?
Giải đáp câu hỏi về việc phát triển xe điện ở Việt Nam chịu những tác động gì, ảnh hưởng ra sao đến quy hoạch và vận hành hệ thống điện TS.Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia năng lượng cho biết, giai đoạn 2014-2020, mỗi năm trung bình có 5,14 triệu xe máy, 255 nghìn chiếc ô tô con được đăng ký mới. Xe đạp điện đăng ký mới trung bình khoảng 250 nghìn chiếc.
TS. Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia năng lượng, đại diện nhóm nghiên cứu
Tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông giai đoạn này chiếm 21,4% tổng tiêu thụ quốc gia năm 2014, tăng 4,9% giai đoạn 2014-2019, nhanh hơn tốc đọ tăng toàn ngành ở mức 3,4%. Tổng phát thải 33,2 triệu tấn, chiếm 19,3% phát thải từ lĩnh vực năng lượng.
Quy hoạch, chiến lược giao thông chỉ quy định về hạ tầng, không xem xét phương tiện giao thông. Các báo cáo nghiên cứu về tiêu thụ năng lượng ngành giao thông có 3 kịch bản giảm phát thải được xây dựng với mức độ tham vọng tăng dần về mức giảm phát thải khí.
Về quy hoạch phát triển điện 8, công suất lắp đặt tăng gấp đôi vào năm 2030 và tăng gấp đôi lần nữa vào năm 2045. NLTT không bao gồm thủy điện lớn tăng từ 30,2% năm 2020 đạt 42,% năm 2045. Hệ số phát thải điện lưới giảm dần.
Mục đích xây dựng kịch bản điện hóa trong giao thông nhằm ước tính nhu cầu điện tiềm năng từ hoạt động điện hóa trong giao thông, để chỉ ra sự cần thiết phát triển nguồn điện và các yêu cầu về hạ tầng, vận hành… và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của lĩnh vực giao thông.
Về cấu trúc lĩnh vực tiêu thụ năng lượng trong các lĩnh vực, các nhu cầu năng lượng sẽ bao gồm: Hộ gia đình, Thương mại, dịch vụ; Công nghiệp; Giao thông và Nông nghiệp thì nhu cầu điện Nhu cầu điện chiếm tỷ lệ không đáng kể ở kịch bản sử dụng hiệu quả năng lượng.
Nhưng ở kịch bản khác, nhu cầu năm 2030 tương đương điện lượng của 1/2 nhà máy thủy điện Hòa Bình. Năm 2050 tương đương 2 nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Một kịch bản khác, nhu cầu năm 2030 đáng kể, tương đương nhà máy thủy điện Hòa Bình và năm 2050 tương đương 10 nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Khuyến nghị gì về lộ trình phát triển xe điện tại Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Tuyên đề xuất:
Về hạ tầng trạm sạc cho xe điện: Ngoài khoảng 200 trạm sạc của VinFast, hầu như các trạm khác chưa hề có. Các bộ tiêu chuẩn của Việt Nam hiện chưa có hoặc chưa thống nhất. Các chính sách ưu đãi cho xây dựng trạm sạc còn thiếu.
Về kỹ thuật: Các tiêu chuẩn kỹ thuật cần hoàn thiện bao gồm yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện với hệ thống sạc nhanh; Yêu cầu an toàn vận chuyển, thay thế pin/acquy; Yêu cầu kỹ thuật với xe tự lái; Yêu cầu an toàn kỹ thuật xe buýt điện.
Quản lý năng lượng cho xe điện, cần tăng khả năng lưu trữ, giảm kích thước, vận hành linh hoạt; Tối ưu hóa các trạm sạc và vị trí sạc; Sử dụng các nguồn NLTT; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) quản lý doanh thu.
Về ảnh hưởng của xe điện lên lưới điện quốc gia, cần quản lý cân bằng công suất lưới điện.
Về chính sách khuyến khích phát triển xe điện, cần hỗ trợ cho người tiêu dùng (Hỗ trợ trực tiếp vào giá mua xe, thuế, chi phí sạc, lắp đặt trạm sạc tại nhà; Thuế đánh vào phát thải cao, nâng cao nhận thức; Khu vực vận hành riêng cho xe điện).
Chính sách cho nhà sản xuất, phân phối (Hỗ trợ công nghiệp phụ trợ; Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp; Hỗ trợ đưa ra thị trường các loại xe điện).
Chính sách cho bên nghiên cứu đào tạo (Xây dựng các trung tâm nghiên cứu; Nghiên cứu ảnh hưởng tới lưới điện; Đào tạo nguồn nhân lực chế tạo, sản xuất, vận hành, dịch vụ xe điện).
Cần quy hoạch hệ thống trạm sạc, tận dụng cách chính sách song phương, truyền thông,…
Về lộ trình, cần đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu. Bên cạnh đó hợp lý hóa về kinh tế, tạo điều kiện cho thị trường, tăng cường phát triển công nghệ, tạo niềm tin cho người sử dụng và nghiêm túc theo đuổi các cam kết.
Chi phí sản xuất xe điện cao hơn 45% so với xe thường nhưng sẽ rẻ dần
Tại buổi toạ đàm, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, các yếu tố tác động tới chuyển đổi sang xe điện hoá bao gồm: Sự chấp thuận của khách hàng (Cơ sở hạ tầng; Khả năng mua hàng); Giảm phát thải cả vòng đời xe;
Ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam
Bên cạnh đó là yếu tố tác động của cơ cấu năng lượng. Khi các quốc gia đặt mục tiêu giảm khí thải CO2 cần tính đến cả CO2 phát thải trong quá trình sản xuất xe, sản xuất pin và CO2 phát thải trong quá trình tạo ra điện để nạp cho xe trong trường hợp của xe điện.
Từ năm 2016-2018, ở Việt Nam, do hệ số phát thải của điện lưới còn cao nên có thể nói rằng xe xăng/dầu “xanh hơn” so với các xe sạc điện nếu xét đến mức phát thải (gCO2/km) cho tất cả các quá trình Well-to-Wheel (quá trình sản xuất xe và quá trình sản xuất pin cho xe điện).
Về tác động của cơ sở hạ tầng (trạm sạc). Để xây dựng trạm sạc cần phải có chi phí hợp lý (bao gồm: hỗ trợ hợp lý cho điểm sạc, chi phí lắp đặt thấp và điểm sạc phù hợp).
Đối với các nước đã phát triển về các dòng xe điện hóa, trạm sạc là điều kiện tiên quyết. Trạm sạc cũng cần được bao phủ rộng rãi với chi phí hợp lý cho khách hàng.
Về tác động của chi phí sản xuất, để phổ cập xe điện hóa đến khách hàng thì giá xe cũng là một yếu tố quan trọng.
Ở thời điểm năm 2020, chi phí trực tiếp sản xuất ra xe thuần điện cao hơn 45% so với xe động cơ đốt trong. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2030, con số này sẽ được thu hẹp lại còn khoảng 9%. Theo thống kê từ năm 2010 – 2020, giá pin lithium-ion giảm dần liên tục.
Tổng hợp các yếu tố tác động tới sự phát triển xe điện hoá tại Việt Nam có thể thấy, việc phát triển xe điện hóa ở các quốc gia nói chung phụ thuộc vào cơ cấu năng lượng nguồn điện của họ. Năng lượng càng sạch thì càng nhiều xe điện hóa. Tuy nhiên, các ưu đãi của Chính phủ đóng một vai trò quan trọng.
Cơ sở hạ tầng dành cho xe điện của Việt Nam chưa thể sớm sẵn sàng do không có trạm sạc, dù là công cộng hay tư nhân. Tiêu thụ điện để sạc cho xe điện đòi hỏi nguồn cung cấp điện của Việt Nam phải tăng lên rất nhiều. Hơn nữa hầu hết các gia đình ở Việt Nam không đủ điều kiện để lắp đặt trạm sạc tại nhà trong khuôn viên của nhà mình trong khi sạc tại nhà là một hình thức sạc phổ biến cho xe điện.
Chi phí sản xuất xe điện nói chung cao hơn 45% so với xe động cơ đốt trong, do đó giá xe điện cao hơn nếu không có chính sách hỗ trợ.
Dựa trên kinh nghiệm điện hóa phương tiện vận tải của các nước và căn cứ kế hoạch loại bỏ phương tiện chạy xăng/dầu ở các quốc gia dựa trên cơ cấu điện của từng quốc gia, VAMA đề xuất lộ trình và các chính sách hỗ trợ phát triển xe điện tại Việt Nam như sau:
Năm bắt đầu: Tỷ lệ ô tô mới bán ra phải đạt ít nhất bao nhiêu phần trăm là xe thân thiện với môi trường, bao gồm cả xe điện hóa.
Năm đạt 100% xe điện hóa: Từ năm này, 100% xe mới bán ra là xe điện hóa. Thời điểm vàng cho Việt Nam là năm 2045.
"Việt Nam dự tính đặt mục tiêu trở thành nước trung hòa các bon vào năm 2050. Ý tưởng về lộ trình xe điện tại Việt Nam: Giai đoạn khởi đầu (2021 – 2030); Giai đoạn tăng trưởng nhanh (2031 – 2040) và Giai đoạn tăng trưởng ổn định (2041 – 2050): 100% xe điện hoá bao gồm cả xe cá nhân và xe buýt", ông Quyết đề xuất.
Sắp ban hành Quy chuẩn về xe điện
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Quang Hà, Vụ KHCN (Bộ GTVT) chia sẻ thông tin về hạ tầng cho xe điện, chính sách phát triển và việc hoàn thiện các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn cho xe điện tại Việt Nam.
Ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ GTVT
Hiện những tiêu chuẩn phục vụ cho nhà sản xuất, nhập khẩu nghiên cứu áp dụng cho việc ra sản phẩm có khoảng 40 tiêu chuẩn, trong đó, xe máy điện khá đầy đủ còn về ô tô cũng tương đối nhưng vẫn tiếp tục được cập nhật.
Về tiêu chuẩn trạm sạc, những năm gần đây, Vụ KHCN phối hợp các đơn vị xây dựng được 4 tiêu chuẩn, để giúp các nhà sản xuất có cơ sở để đầu tư, xây dựng trạm sạc. Việt Nam là quốc gia đi sau không thể nghĩ ra được tiêu chuẩn mà cần có sự học hỏi, chuyển đổi từ các tiêu chuẩn quốc tế.
Đối với nhóm ô tô, trong 40 tiêu chuẩn phương tiện nói chung có rất nhiều tiêu chuẩn liên quan đến ô tô.
Về hệ thống quy chuẩn, hàng năm, đặc biệt trong năm nay, Bộ GTVT cũng đưa ra nhiệm vụ cập nhật thêm vào QC 09/2015, được coi là nhiệm vụ cấp thiết, hiện Vụ KHCN đã xây dựng dự thảo và sẽ ban hành vào năm 2022.
Đối với xe bốn bánh, việc an toàn về điện và pin là những điều kiện bắt buộc phải đưa vào quản lý với hàng hoá nhóm 2, phải ban hành quy chuẩn, chúng tôi đã đưa vào kế hoạch năm 2022 phải ban hành quy chuẩn về pin.
Tuy nhiên, để đầu tư việc thử theo quy chuẩn quốc tế của pin đang gặp nhiều khó khăn, nan giải vì các thiết bị để thử rất phức tạp, để khắc phục có thể áp dụng phòng thử ở nước ngoài với quy trình kiểm tra nghiêm khắc.
Bộ GTVT đang nỗ lực hoàn thiện các quy chuẩn sớm để kiểm soát được khi xe điện phát triển.
Bộ sẽ quản lý từ cổng sạc trở vào xe, các hạ tầng, quy chuẩn trạm sạc thì cần có sự tham gia của Bộ Công thương và Bộ Tài chính.
"Tôi rất đồng tình với đại diện VAMA mong muốn có lộ trình chuyển đổi dần dần, từ phương tiện hybrid sang xe điện hoàn toàn để từ đó có chính sách về thuế, phí sao cho phù hợp.
Chính phủ hiện cũng đang hoàn thiện ban hành nghị định về thuế trước bạ cho xe thuần điện, do đó cơ hội góp ý cho việc phát triển xe điện của Việt Nam còn rất dài.
Về lộ trình phát triển xe điện trước đây, trong dự thảo đã bỏ quy định cứng năm bao nhiêu có bao nhiêu xe điện để phù hợp hơn với tình hình phát triển trong nước".
Theo dõi toạ đàm, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, phát triển xe điện phải đi đôi với phát triển hạ tầng, Bộ GTVT đã có kế hoạch như thế nào trong phát triển hạ tầng xe điện? ông Trần Quang Hà cho biết: "Trong Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, có đưa các quy định về việc tại các bến xe, trạm dừng nghỉ phải có sự bố trí hạ tầng trạm sạc cho xe điện, và khi xây dựng sẽ có công năng, lưu lượng cho từng vị trí sao cho phù hợp.
Hạ tầng trong chung cư, trung tâm thương mại,… có lẽ sẽ cần nhóm nghiên cứu đưa ra sự phối kết hợp làm sao giữa Bộ GTVT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính sao cho hài hoà, phù hợp nhất".
Cho biết việc chuẩn bị, phát triển nguồn nhân lực cho xu thế phát triển xe điện, theo ông Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cho rằng: Các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường có rất nhiều trong đó xe điện là một giải pháp. Tuy nhiên để vận hành thị trường xe điện cần có sự thay đổi ngay từ nhận thức, tư duy, hạ tầng, dịch vụ. Và không ai khác, chính con người là nguồn lực tạo ra sự thay đổi này.
Ông Vũ Ngọc Khiêm – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải
Đào tạo nguồn nhân lực không chỉ gắn với đào tạo chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến phát triển xe điện nói chung mà còn phải đào tạo nâng cao nhận thức của người dân.
Gần đây nhất, trường Đại học Công nghệ Giao thông đang thực hiện dự án nghiên cứu cùng với sự Điều hành của Uỷ ban Châu Âu. Tại dự án này trường đã có một số kinh nghiệm, gắn với đào tạo, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về việc sử dụng xe điện.
Chúng tôi đang thử nghiệm chương trình đi thử xe điện của Honda, cho thấy, nhận thức của người dùng rất quan trọng trong việc khai thác như thế nào để đảm bảo an toàn cho bản thân, xây dựng lộ trình cho chuyến đi.
Phương tiện thuần điện khá khác so với động cơ đốt trong, nếu có trang bị cần thiết cho nhóm đối tượng này sẽ cải thiện được chất lượng trong quá trình sử dụng.
Đối với nhóm doanh nghiệp, cần có những buổi toạ đàm như ngày hôm nay để trao đổi, nâng cao nhận thức của nguồn nhân lực, thảo luận các chính sách phát triển giao thông điện.
Về bức tranh thực tế triển khai trạm sạc xe điện hiện nay, ông Phan Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty Công nghệ Năng lượng ALENA cho biết: Các lợi ích của trạm sạc đối với xe điện trong tương lai rất lớn bởi vì có thể lắp đặt tại rất nhiều vị trí như trung tâm mua sắm, cửa hàng, trung tâm giải trí, công ty có mặt bằng lớn cũng có thể lắp đặt trạm sạc để phục vụ cho nhân viên công ty và kinh doanh.
Ông Phan Ngọc Ánh – Giám đốc Công ty Công nghệ Năng lượng ALENA
"Về cơ sở hạ tầng, quy chuẩn kinh doanh trạm sạc như thế nào, đề nghị Bộ Công thương và EVN, Bộ GTVT có quy định cụ thể, chi tiết và rõ ràng hơn so với quy định về ước lượng bao nhiêu % xe điện có mặt vào năm 2030 từng đề ra thì rất chung chung. Đề nghị có quy định rõ ràng hơn về các chuẩn mực trạm sạc, các loại xe điện, các loại pin sử dụng trên xe điện.
Về hạ tầng trạm sạc, cần tổ chức lựa chọn các vị trí các trạm sạc công cộng ở những vị trí phù hợp, cần được công bố quy hoạch rõ ràng và cho phép các nhà đầu tư lắp đặt tránh ảnh hưởng đến việc xin – cho hay việc phải đi xin phép lắp đặt ở từng cơ quan muốn lắp.
EVN phải xây dựng được quy trình cũng như mô tả rõ ràng về các quy định này, cần phải bổ sung các trạm lưu trữ điện dự phòng, hỗ trợ điện áp trong thời gian ngắn để giúp cho sự ổn định lưới điện trong khoảng thời gian ngắn, có nhiều xe điện sạc cùng lúc.
Về các app ứng dụng thanh toán cho các nhà đầu tư và liên kết giữa các nhà đầu tư, EVN và ngân hàng giúp cho việc kinh doanh trạm sạc và thanh toán một chạm được triển khai một cách rõ ràng, không phải chuyển đổi qua nhiều ứng dụng khác nhau, bởi khi có quy định sẽ có rất nhiều công ty muốn tham gia kinh doanh trạm sạc giống như kinh doanh trạm xăng.
Cũng cần quy định chi phí thanh toán qua ngân hàng, chi phí mua điện từ EVN để kinh doanh trạm sạc và quy định về giá bán điện cho người sử dụng xe điện, tránh việc người kinh doanh xe điện sử dụng điện sai mục đích.
Ngoài ra, quan trọng nhất là hệ thống IT kết nối phải mạnh mẽ, đảm bảo an ninh kết nối 24/7 giúp cho việc an toàn về kinh doanh trạm sạc", ông Ánh đề xuất.
Làm gì để giảm chi phí “nuôi” xe điện?
Còn một vấn đề thị trường đặc biệt quan tâm là chi phí “nuôi” xe điện, việc áp dụng giá điện cho các tram sạc được tính toán như thế nào? Trả lời câu hỏi này chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến cho rằng: "Vấn đề trạm sạc và mua bán điện khá quan trọng. Tuy nhiên tôi nhìn nhận đây là cơ hội chứ không phải thách thức. Các nước phát triển xe điện hiện nay đã phát triển đồng bộ với lĩnh vực cung cấp điện".
Ông Phan Công Tiến, Chuyên gia năng lượng (bên trái)
Hiện giá điện tại Việt Nam đang phân theo ngành về thương mại, sản xuất, sinh hoạt gia đình.
Nếu sử dụng cách tính của sinh hoạt gia đình áp dụng với xe điện sẽ khiến người dân phải chịu áp mức giá cao nhất vì lượng tiêu thụ điện lớn, do đó, không thể áp dụng cách tính giá này cho người sử dụng xe điện.
Nếu áp dụng giá điện cho thương mại thì đây cũng là mức giá cao, không áp dụng được.
Chi phí sản xuất ra 1 kWh điện có 3 khâu: khâu nguồn (sản xuất ra điện), truyền tải và phân phối. Chi phí ở các khâu này thấp sẽ giúp cho giá điện thấp.
Về nguồn điện cung cấp cho các trạm sạc, đó là sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng sạch) và đặc thù của loại năng lượng này là phải phát triển phân tán giống như phát triển cấp nước, cần có những tổng công ty phân phối và những điện lực tỉnh phân phối nhỏ hơn để phân phối về các trạm sạc. Như vậy, chi phí sẽ giảm đi.
Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị thí điểm Chương trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo bán trực tiếp cho khách hàng. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên phát triển thêm chương trình bán lẻ, làm công tác kinh doanh trạm sạc điện cùng đầu tư xây dựng nguồn điện phân tán để đáp ứng cho khu vực mình kinh doanh.
Và khi người tiêu dùng sử dụng chỉ cần phải trả chi phí cho đơn vị kinh doanh này. Với chính sách này sẽ tạo ra thị trường tự do, đồng thời giúp khách hàng có được giá điện sạc xe tốt hơn.
Với kinh nghiệm nghiên cứu sâu về xe điện, TS Tạ Cao Minh, giảng viên Bộ môn Tự động hoá công nghiệp (Đại học Bách khoa Hà Nội) đề xuất các chính sách, nghiên cứu – phát triển và sản xuất ô tô điện tại Việt Nam.
Theo TS Tạ Cao Minh, chúng ta có thể xem tình hình ở Canada trong 2 thời điểm năm 2008 và 2017. Trước năm 2008 Canada chưa có xe điện nhưng 10 năm sau nước này bắt đầu và ngay lập tức đưa ra lộ trình đến 2028 có 500 nghìn xe điện chạy trên đường.
GS. TS Tạ Cao Minh, Giảng viên Bộ môn Tự động hóa Công nghiệp, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, hiện đang công tác tại ĐH Sherbrooke, Canada
Lộ trình này được cính các doanh nghiệp ô tô cùng các chuyên gia đề xuất. Canada rất thuận lời phát triển vì nguồn điện rất sạch và dồi dào. Họ cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ về giá: hỗ trợ 7 nghìn USD cho dân mua xe.
Hay như Trung Quốc. Năm 2018 quốc gia này đang đứng đầu về mức độ phát triển xe điện. Trung Quốc hiện vẫn là nước phát triển xe điện nhanh nhất (49%), tiếp theo Hà Lan.
Hiện Nhật Bản cũng đang thúc đẩy lộ trình phát triển xe điện. Honda và Toyota đã thúc đẩy phát triển xe hybrid. Nhiều mẫu xe hybrid ra mắt đã ngay lập tức chiếm lĩnh thị trường. Đây là bước đi rất khéo léo để giải quyết các vấn đề về pin. Mitsubishi cũng đã ra mắt mẫu xe điện và ngay lập tức trở thành một trong số ít xe điện bán chạy nhất thế giới.
Mới đây Canada có quy định tất cả nhà mới xây phải có trạm cắm sạc điện ô tô.
Mới đây, Tổng giám đốc Toyota cũng tuyên bố kế hoạch đầu 7 nghìn tỷ USD để phát triển xe điện để bắt kịp xu thế của thế giới. Mục tiêu đặt ra đến 2025 có 30% xe điện bán ra.
Sự phát triển của xe điện hết sức mạnh mẽ, nóng. Các nước làm rất bài bản. Nhà nước luôn đi đầu trong việc xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển. Tiếp đến các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và ngày càng nâng cấp lên các cấp độ.
Từ thực tế trên, chúng ta cần mạnh mẽ hơn nữa phát triển xe điện. Năm 2010, tại triển lãm ô tô tại Hà Nội đã trưng bày xe điện Mitsubishi nhưng sau đó suốt 10 năm nay chúng ta lỡ cơ hội. Nay VinFast đã sản xuất xe điện nhưng có vẻ chúng ta chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho cơ hội việc phát triển xe điện.
Mong Chính phủ sớm có chỉ đạọ các bộ có liên quan cùng nhau làm việc để đưa ra lộ trình này. Khó nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng, trạm sạc điện, pin có đảm bảo môi trường không, xác định lựa chọn dòng dòng ô tô nào? Chúng ta là nước có nhiều ngõ ngách thì nên chọn dòng xe nào, hạng A cơ nhỏ hay hạng B lớn hơn. Rất nên có khuyến nghị.
Bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ người tiêu dùng, cụ thể là bao nhiêu? Cùng với đó cần đẩy mạnh giáo dục thông tin đại chúng về xe điện.
Chúng ta không thể chậm trễ trong cuộc chơi này này. Thủ tướng đã cam kết, hơn nữa sau khi chúng ta đã nỗ lực phát triển động cơ đốt trong không thành công. Tuy nhiên khi phát triển xe điện sẽ đòi hỏi ít yếu tố cơ khí hơn. Tuy nhiên xe điện cũng đặt ra nhiều vấn đề nên cần có những chủ động, xử lý.
Cần tạo thói quen sử dụng xe điện
Tham gia toạ đàm, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID chia sẻ về việc truyền thông thay đổi nhận thức của người tiêu dùng để hoàn thiện chuỗi giá trị xe điện. Theo bà Khanh: "Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam không thể bỏ qua việc chuyển đội lĩnh vực tiêu tốn rất nhiều năng lượng là giao thông".
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID
Tương lai xe điện trong 10 năm tới sẽ thay đổi vô cùng lớn. Nhiều dự báo 2025 lượng xe điện bán ra sẽ vượt lượng xe động cơ đốt trong, dựa trên nhận định từ nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này.
Năm 2019 châu Âu đã vượt qua Trung Quốc khi đầu tư gấp 3 lần so cho xe điện. Các nước châu Âu cũng đang dẫn đầu lượng xe điện bán ra. Gần đây chiến lược của Tổng thống Mỹ Biden cũng là một động lực mới cho việc phát triển xe điện.
Theo một dự báo từ nhiều năm trước đây khá trùng hợp với những gì diễn ra, giá pin sẽ giảm từ 14 - 16% trong giai đoạn 2020 – 2030. Năm 2030 sẽ giá pin giảm 80% so với thời điểm hiện nay. Đây là những cơ sở rất quan trọng để thúc đẩy xe điện phát triển.
Tuy nhiên người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng, vì họ chính là thượng đế. Trong các chiến lược của các nước họ cũng rất đề cao việc thay đổi nhận thức sử dụng xe điện, trong đó Chính phủ luôn phải đi đầu trong các chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
Chúng tôi hy vọng Việt Nam cũng sẽ đi theo xu hướng thúc đẩy nhận thức cộng đồng.
Ông Florian J. BERANEK – Chuyên gia chính của UNIDO khuyến nghị: "Phát triển xe điện thì không cần quan tâm đó là ô tô, xe máy hay xe đạp điện. Tại Việt Nam, VinFast hiện là động lực phát triển chính. Tuy nhiên chúng ta cũng cần xem xét đến việc phát triển xe điện tại các đô thị như thế nào.
Ông Florian J. BERANEK – Chuyên gia chính của UNIDO
Việt Nam cần nâng cao khả năng tiếp cận với xe điện thông qua hạ tầng sạc, phần mềm và các dịch vụ phụ trợ. Cũng cần xem đến các yếu tố nhân lực, việc làm trong ngành, như: bảo trì, bảo dưỡng từ xe động cơ đốt trong sang động cơ điện. Dự báo sẽ có hàng chục nghìn nhân lực cần chuyển đổi. Vì thế đây là cơ hội để phát triển ngành xe điện nhưng khi xe hết niên hạn thì việc tái chế ắc quy như thế nào nhằm đảm bảo môi trường.
Cần nhìn thấy bức tranh phát triển bền vững, cần xem xét xe điện trong tổng thể với các loại phương tiện khác. Cần giáo dục ý thức phát triển xanh và xây dựng thói quen sử dụng xe điện. Cần làm sao xe điện vừa thuận tiện, xanh và rẻ hơn nữa.
Trong khuyến khích phát triển hạ tầng xe điện, cần cả các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng. Cần có những khuyến nghị chính sách cho các doanh nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải và cả EVN nữa".
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Phó trưởng bộ môn Ô tô, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (bên trái)
Chia sẻ về kinh nghiệm nghiên cứu dòng xe hybrid, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho biết: "Khả năng tận dụng năng lượng tái tạo của dòng xe này rất tốt. Cụ thể, trong điều kiện nội đô dòng xe này có thể tái tạo 30% năng lượng nhiên liệu. Đường trường là 50%.
"Có lẽ chúng ta đang quên nguồn năng lượng tái tạo ngay trong xe, là quá trình nạp pin trong quá trình sử dụng phanh. Đó là nguồn năng lượng xanh cần tận dụng. Ở Việt Nam nên có những nghiên cứu đánh giá về hiệu quả của nguồn năng lượng này. Nay nếu có 1 triệu xe hybrid có thể đóng góp bao nhiêu chứ không chỉ nghĩ đến nguồn ngăng lượng từ lưới điện. Tôi nghĩ như vậy chúng ta sẽ có những quyết sách để giải quyết bài toán năng lượng”, Ông Đàm Hoàng Phúc, Phó trưởng Bộ môn Ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận