Ô tô nhập khẩu về nước vẫn tăng mạnh
Theo số liệu ước tính từ Tổng cục Thống kê, tháng 3/2023, ước tính có 15.000 ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam, trị giá ước tính khoảng 332 triệu USD.
So với cùng kỳ năm trước, ô tô nhập khẩu ước tăng gần 50% cả về số lượng và giá trị.
Số lượng ô tô nhập khẩu từ đầu năm đến hết 15/3/2023 đang cao hơn so với cùng kỳ năm trước
Với 15.000 ô tô nhập khẩu tháng 3, ước tính Quý I/2023, cả nước nhập khoảng 41.780 ô tô các loại, tổng trị giá 903 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước tăng tới 76% về lượng và hơn 60% giá trị.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 3/2023, cả nước nhập khẩu 7.285 ô tô nguyên chiếc các loại, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Còn khi so với cả tháng trước, lượng ô tô về nước nửa đầu tháng 3 đã bằng 59%. Đồng thời cũng tăng mạnh 67% so với nửa cuối tháng 2 khi lúc này, các doanh nghiệp chỉ nhập khẩu 4.342 ô tô các loại.
Cộng dồn từ đầu năm đến kỳ thống kê nửa đầu tháng 3/2023 của Tổng cục Hải quan, cả nước đã nhập khẩu 34.064 ô tô các loại, tăng tới 72% so với cùng kỳ năm trước.
Từ những số liệu trên, có thể thấy ô tô nhập khẩu vẫn đang tăng tốc, trái ngược với tình hình ô tô sản xuất lắp ráp trong nước.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tháng 3/2023 vừa qua, ước tính số lượng xe xuất xưởng đạt 33,2 nghìn chiếc, tăng 41%. Tuy nhiên nhìn vào tổng sản lượng ước tính Quý I/2023 chỉ đạt 81.900 xe. So với cùng kỳ năm trước vẫn sụt giảm khoảng 14%.
Ô tô nhập khẩu dù tồn kho vẫn tăng số lượng
Nhập nhiều nhưng lại lo tồn kho
Trong văn bản kiến nghị gửi tới Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công thương và Tài chính, Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô được uỷ quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) cho biết, số lượng ô tô bán ra đã giảm kể từ tháng 11/2022. Tình trạng dư tồn kho tiếp tục diễn ra nghiêm trọng hơn nhiều đối với các nhà nhập khẩu và đại lý CBU.
Tình trạng thừa hàng ngày càng trầm trọng hơn và tồn kho từ tháng 10/2022 đến nay đang gây áp lực tài chính lớn. Chỉ một số nhà nhập khẩu và đại lý mới có thể trụ vững về mặt tài chính nếu không có sự hỗ trợ lệ phí trước bạ cho cả ô tô nguyên chiếc CBU.
Vì vậy, VIVA đề xuất cần có giải pháp hỗ trợ tương tự và công bằng với xe CKD vì toàn bộ thị trường đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước đó, với tình trạng khó khăn, tồn kho hiện hữu, UBND tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) và TC Group đã có văn bản kiến nghị gửi tới Chính phủ, đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% trước bạ với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước trong khoảng thời gian thích hợp. Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo TC Group, trong ngắn hạn, nếu sức mua không được cải thiện và thị trường không tăng trưởng trở lại, để giảm áp lực tồn kho, các nhà sản xuất sẽ không thể duy trì nhịp sản xuất ổn định và buộc phải giảm công suất, nhân công, điều này sẽ tác động trực tiếp tới tình hình lao động – việc làm, từ đó ảnh hưởng tới an sinh xã hội.
Thực tế số liệu thống kê ước tính ở trên cũng đang cho thấy, lượng ô tô sản xuất lắp ráp vẫn đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận