Theo Bloomberg.com, các lãnh đạo của hai nước Pháp và Nhật Bản sẽ có cuộc thảo luận bàn về tương lai của liên minh Renault-Nissan ngay tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Argentina. Tính đến thời điểm hiện tại cả 3 thương hiệu lớn là Nissan, Renault và Mitsubishi đều đã cắt các chức vụ của ông Ghosn sau những cáo buộc về trốn thuế và gian lận tài chính.
Theo nhận định của giới phân tích, việc định hướng tương lai cho liên minh ô tô hàng đầu thế giới Renault-Nissan thời hậu Carlos Ghosn là một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay. Bởi vì, hiện chính phủ Pháp đang nắm giữ 15% cổ phần của Renault, trong khi Renault lại đang kiểm soát 43% cổ phần của Nissan, nhưng đổi lại nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chỉ được nắm giữ 15% cổ phần của Renault nhưng không có quyền tham gia biểu quyết.
Chính phủ Pháp cho biết, họ muốn giữ nguyên cấu trúc vốn hiện tại của liên minh. Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố rằng ông và Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko đã nhất trí rằng, việc duy trì cơ cấu vốn hiện có của liên minh là điều cần thiết. Tuy nhiên, ông Seko lại từ chối đưa ra bình luận về tuyên bố này của Bộ trưởng Tài chính Pháp.
Sau khi Ghosn bị bắt giữ, Nissan đã lên tiếng khẳng định rằng, Renault đang nắm quá nhiều quyền kiểm soát hãng xe Nhật. Đặc biệt, vào năm 2015, khi chính phủ Pháp nâng số cổ phần của mình tại Renault lên 15%, Nissan đã bày tỏ quan ngại rằng Pháp có thể đang bắt đầu tác động quá nhiều đến nền kinh tế Nhật Bản.
Trước đó ngày 19/11, ngành công nghệ xe hơi thế giới chấn động sau khi nhà chức trách Nhật Bản tiến hành bắt giữ ông Ghosn, nhân vật được cho là có tầm ảnh hưởng trong ngành ô tô của nước này, với cáo buộc vi phạm Luật quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính, thao túng các hồ sơ tài chính và báo cáo không đầy đủ thu nhập cá nhân.
Các nhà chức trách Tokyo mới đây cũng cho biết, việc giam giữ ông Ghosn đã được tăng thêm tối đa 10 ngày để xem xét những vấn đề liên quan. Ngay sau vụ việc này, Nissan và Mitsubishi đã lập tức cách chức ông Carlos Ghosn khỏi vị trí chủ tịch, trong khi đó, Renault vẫn duy trì chức vụ giữ giám đốc điều hành và chủ tịch của ông Carlos Ghosn trong giai đoạn sóng gió này.
Tới nay, Nissan cho biết vẫn đang hợp tác chặt chẽ và cung cấp thông tin đầy đủ cho các cơ quan điều tra. Tuy nhiên, thời gian điều tra và giam giữ ông Carlos Ghosn vẫn chưa được xác định. Nếu bị kết tội, ông Ghosn sẽ đối mặt với bản án tù lên tới 10 năm và khoản phạt khoảng 10 triệu Yên. Bên cạnh việc gián đoạn hoạt động điều hành, hình ảnh bị tổn hại cũng sẽ khiến ông khó lòng giữ vị trí cao nhất ở các đơn vị mình đang lãnh đạo.
Ông Ghosn năm nay 64 tuổi, được sinh ra ở Brazil, con của một gia đình gốc Lebanon. Ông bắt đầu sự nghiệp với Michelin (Pháp) và chuyển sang Renault. Ông gia nhập Nissan vào năm 1999 sau khi Renault mua cổ phần kiểm soát và trở thành CEO của công ty này vào năm 2001. Ông Ghosn vẫn giữ vị trí này cho đến năm ngoái. Tuy nhiên ông vẫn nắm giữ chức chủ tịch của cả Reunault và Mitssubishi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận