Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Honda Việt Nam triệu hồi xe SH thuộc các chủng loại Honda JF442 SH125i và KF143 SH150i - Ảnh: honda.com.vn |
Sau loạt bài trên Báo Giao thông và sự vào cuộc mạnh mẽ của các báo, sáng qua (30/11), Cục Đăng kiểm Việt Nam đã gửi văn bản yêu cầu Honda Việt Nam phải thực hiện triệu hồi công khai để khắc phục lỗi đã xảy ra đối với xe SH, thuộc các chủng loại Honda JF442 SH125i và KF143 SH150i theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Lỗi từ chi tiết được quảng cáo là công nghệ mới
Chưa đầy một tháng sau khi tung ra thị trường mẫu xe SH trang bị khóa điều khiển từ xa, nhiều chủ sở hữu đã được các đại lý ủy quyền của Honda Việt Nam liên hệ mang xe đến để “chăm sóc”. Tuy nhiên, những chiếc xe này đã ngay lập tức được thay thế linh kiện trong bộ phận khóa điều khiển từ xa, mà chủ sở hữu không nhận được bất kỳ lời giải thích nào.
Sự việc sáng tỏ sau khi Báo Giao thông phản ánh Honda Việt Nam “ém” lỗi của xe SH và không đưa ra bất kỳ một lời cảnh báo nào tới người tiêu dùng về nguy cơ rủi ro do lỗi kỹ thuật.
Honda Việt Nam “bao biện” rằng, lỗi chìa khóa xe SH không ảnh hưởng đến an toàn vận hành với người sử dụng và đây chỉ là tính năng thêm nên doanh nghiệp cứ “âm thầm” gọi từng khách hàng mang xe đến khắc phục lỗi.
Thậm chí, Honda Việt Nam còn đề nghị Báo Giao thông đính chính toàn bộ thông tin đăng tải trong bài báo liên quan đến việc Honda Việt Nam giấu thông tin liên quan đến lỗi của xe SH.
Tuy nhiên, lỗi trên xe SH lại bắt nguồn từ đúng chi tiết mà Honda Việt Nam quảng cáo là công nghệ mới có tính an toàn cao trong việc bảo vệ sản phẩm. Điều này có thể khiến chủ sở hữu bị mất tài sản do chủ quan tin vào những lời giới thiệu của liên doanh xe máy lớn nhất Việt Nam.
Honda Việt Nam bị buộc phải triệu hồi công khai xe SH dù “cố gắng” giấu lỗi kỹ thuật - Ảnh: Trang Trang |
Cục Đăng kiểm Việt Nam vào cuộc
Sau khi người tiêu dùng và truyền thông phản ánh sự việc, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã yêu cầu Honda Việt Nam giải trình cụ thể lỗi trên dòng xe SH. Tuy nhiên, phải đến lần thứ 3, liên doanh xe máy lớn nhất Việt Nam mới làm rõ được lỗi với cơ quan quản lý chất lượng phương tiện thuộc Bộ GTVT.
Mặc dù thừa nhận có lỗi đối với chìa khóa xe SH, nhưng Honda Việt Nam vẫn cố gắng “thuyết phục” Cục Đăng kiểm Việt Nam là lỗi nằm trên một lựa chọn thêm (option) của sản phẩm và không tạo ra nguy hiểm, nhằm tránh phải mở một chiến dịch triệu hồi xe theo đúng quy định của pháp luật.
Không đồng ý với đề nghị của liên doanh xe máy Nhật Bản, Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, hệ thống báo động chống trộm tự hủy sau 10 phút kích hoạt đã hoạt động không đúng theo chức năng thiết kế và công bố của Công ty Honda Việt Nam.
Đồng thời, cơ quan này cũng chỉ rõ, lỗi xảy ra liên quan đến hệ thống báo động chống trộm của xe SH có thể gây nguy hiểm đến tài sản của người sử dụng, cụ thể là mất tài sản, trong một số điều kiện sử dụng nhất định.
Sáng 30/11/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã gửi văn bản yêu cầu Honda Việt Nam phải thực hiện triệu hồi công khai để khắc phục lỗi đã xảy ra đối với xe SH, thuộc các chủng loại Honda JF442 SH125i và KF143 SH150i theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng?
Honda Việt Nam đã thừa nhận lỗi của xe SH và sẽ phải tiến hành triệu hồi công khai để thực hiện đầy đủ trách nhiệm với những người đang sử dụng sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, theo ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương), hành động của Honda “ém” lỗi kỹ thuật và không thông báo kịp thời cho khách hàng mà chỉ đưa ra chiến dịch dịch vụ để âm thầm thay và sửa bộ phận lỗi là hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
* Lỗi của xe SH đã vi phạm Điểm c, Khoản 1, Điều 11, Chương III của Thông tư 45/2012/TT-BGTVT ngày 23/10/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm tra chất lượng và an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất và lắp ráp mô tô, xe gắn máy. * Những xe SH được Honda Việt Nam “mời” tới trong chiến dịch dịch vụ chưa từng có (có thể trong diện phải thay khóa vì lỗi) được sản xuất trong khoảng thời gian từ ngày 19/8 - 16/10. Tổng số xe mắc lỗi là 12.111 chiếc, trong đó phiên bản SH 125 là 6.721 chiếc có số loại JF422 SH 125i, với số khung từ RLHJF4221FY000012 - RLHJF4228FY004726. Còn phiên bản SH 150 có 5.397 chiếc, số loại KF143 SH 150, số khung từ RLHKF1432FY000013 - RLHKF1438FY005832. |
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 3, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trường hợp các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, sản phẩm phát hiện ra hàng hóa có khuyết tật thì phải thực hiện việc thu hồi theo quy định tại Điều 22, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan sẽ phải bồi thường theo quy định tại Điều 23, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm: Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 5 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 5 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông…”, ông Quảng dẫn Khoản 2, Điều 22, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Với những trường hợp rõ ràng là giấu lỗi sản phẩm và vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì thương nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có khuyết tật sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 - 50.000.000 đồng nếu không thông báo công khai về hàng hóa khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó theo quy định hoặc không báo cáo kết quả thu hồi hàng hóa có khuyết tật cho cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định.
Trong trường hợp Honda Việt Nam không giải thích rõ ràng và thể hiện đầy đủ trách nhiệm với sản phẩm đang mắc lỗi, khách hàng của liên doanh xe máy lớn nhất Việt Nam có thể khiếu nại tới hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Quảng khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận