Ngày 9/11, dịch vụ taxi điện Xanh SM sẽ chính thức khai trương tại Lào, nhưng cuối tháng 10 hãng taxi đã bắt đầu chạy thử nghiệm miễn phí tại thủ đô Viêng Chăn.
Trước đó, Công ty GSM, đơn vị sở hữu thương hiệu xe điện Xanh SM đã hoàn tất việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự tại Lào.
Đội ngũ tài xế được xem là gương mặt đại diện của thương hiệu, cũng là yếu tố then chốt làm nên chất lượng dịch vụ, luôn được GSM đặc biệt chú trọng.
Sự tương đồng trong văn hóa Lào và Việt Nam giúp GSM dễ dàng đưa tiêu chuẩn dịch vụ 5 sao của hãng tiếp cận khách hàng tại thị trường quốc tế đầu tiên.
“Tôi đã lái taxi nhiều năm nhưng xe điện với nhiều tính năng thông minh cho tôi một trải nghiệm hoàn toàn khác. Đặc biệt, tiêu chuẩn dịch vụ văn minh, lấy khách hàng làm trung tâm của Xanh SM là lý do thuyết phục tôi gia nhập GSM dù đây là một hãng hoàn toàn mới tại Lào”, tài xế Sisomphone Mounthalay tự tin chia sẻ.
“Người Lào rất trọng văn hóa chào hỏi, cả bằng cử chỉ và lời nói. Xanh SM dường như rất thấu hiểu đặc trưng tâm lý này. Điều đó mang lại cho khách hàng như tôi cảm giác gần gũi, thân thiện và đi một lần là muốn đi thêm nhiều lần nữa”, chị Chanthavong (32 tuổi), nhân viên văn phòng, chia sẻ sau lần đầu trải nghiệm taxi Xanh SM.
Truyền thông Lào đánh giá, GSM đã chọn đúng thời điểm vàng để gia nhập thị trường nước này.
Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Thongphat Inthavong cho biết, người dân Lào bắt đầu sử dụng xe điện nhiều hơn sau tình trạng thiếu nhiên liệu năm 2022.
Để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, Chính phủ Lào đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xe điện chiếm ít nhất 1% tổng số phương tiện lưu thông và đạt tối thiểu 30% vào năm 2030.
Sau Lào, GSM dự kiến sẽ tiếp tục đưa dịch vụ taxi điện made-in-Vietnam thâm nhập các thị trường khác tại Đông Nam Á.
Các chuyên gia đánh giá, với sự lên ngôi của xe điện, mục tiêu phát thải ròng bằng "0" của các Chính phủ cùng những lợi thế riêng có, GSM có triển vọng rất lớn trong việc “vẽ lại” thị trường gọi xe trong khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận