Do hệ thống trạm sạc công cộng chưa nhiều, thời gian chờ khá lâu nên các bộ sạc xe điện tại nhà không chính hãng, giá rẻ hơn đã xuất hiện. Điều này giúp người đi xe điện có thêm giải pháp, song cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ.
Rẻ hơn bộ sạc chính hãng
Một bộ sạc treo tường 11kW giá khoảng 10 triệu đồng có xuất xứ từ Trung Quốc
Trên các trang mạng xã hội xuất hiện khá nhiều quảng cáo bán bộ sạc xe điện tại nhà với rất nhiều mẫu mã, thương hiệu và hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc như: Zencar, Gentek, Mida, Besen, EV, Growatt.
Ngoài ra là một số hãng từ châu Âu như: ABB (Thụy Sĩ), Wallbox (Tây Ban Nha). Những loại sạc này đều theo chuẩn sạc Type 2 của châu Âu, tương thích với những mẫu xe điện của VinFast, Porsche… đang bán ở Việt Nam.
Các bộ sạc di động hoặc treo tường có mức công suất phổ biến từ 3,5 kW, 7 kW, 11 kW, 22 kW và dùng được với nguồn điện dân dụng.
Tuy nhiên, với công suất 11 kW trở lên cần có điện 3 pha. Ngoài ra, một số nơi cung cấp cả trụ sạc nhanh dùng điện 1 chiều, có công suất từ 30-150 kW.
Liên hệ một cửa hàng tại quận 12 (TP.HCM), trong vai người tìm mua bộ sạc cho xe điện VinFast VF e34, PV được nhân viên tư vấn về bộ sạc công suất 7,4 kW của một thương hiệu Trung Quốc có giá 6 triệu đồng, bảo hành 1 đổi 1 trong 12 tháng.
Người này cho biết, bộ sạc có kích thước nhỏ gọn tương tự loại chính hãng, song cho phép điều chỉnh nhiều mức độ dòng sạc thay vì cố định một mức công suất, tương thích với nguồn điện dân dụng và việc lắp đặt tương đối đơn giản.
“Bộ sạc có thể dùng với điện dân dụng 1 pha. Nếu muốn sạc dòng lớn, cần có dây chịu tải lớn loại 2x6 mm2 hoặc 2x8 mm2, nối thẳng từ cầu dao tổng ra ổ cắm để cắm bộ sạc.
Với xe VF e34, thời gian sạc từ 30-100% khoảng 7 tiếng, tức là về nhà cắm sạc qua đêm sẽ đầy pin”, nhân viên bán hàng cho biết.
Theo anh Hùng, chủ một cơ sở kinh doanh bộ sạc xe điện tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), loại sạc 7 kW hoặc 11 kW được đa số khách hàng lựa chọn, có giá khoảng từ 5-20 triệu đồng tuỳ thương hiệu, công suất và chất lượng linh kiện. Mức giá này thấp hơn so với một số bộ sạc chính hãng được nhà sản xuất xe phân phối.
Đơn cử, bộ sạc treo tường tại nhà 7,4 kW của VinFast hiện có giá 9,4 triệu đồng, trong khi nhiều loại do bên thứ 3 sản xuất với các tính năng tương tự giá chỉ trên dưới 5 triệu đồng.
Với mẫu xe sang Porsche Taycan, bộ sạc di động chính hãng có giá gần 60 triệu đồng.
Anh Nguyễn Thành Trung Hiếu, Giám đốc kinh doanh EV One - đối tác phân phối chính hãng thiết bị sạc của ABB tại Việt Nam cho biết, các bộ sạc treo tường ABB công suất 7,4 kW và 11 kW có giá từ 25-35 triệu đồng.
Các trụ sạc công suất cao giá khoảng từ 400 triệu – 2,5 tỷ đồng. Riêng loại công suất 350 kW cao nhất, chi phí đầu tư lên tới hơn 3 tỷ đồng.
Theo anh Hiếu, sự chênh lệch về giá giữa bộ sạc của ABB và các thương hiệu Trung Quốc đến từ chất lượng các linh kiện cấu thành như bo mạch, tụ, nguồn… và thuật toán sạc do mỗi hãng tự viết. Đây là những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng vận hành ổn định, độ bền của bộ sạc cũng như của xe.
Dùng sạc không chính hãng có được bảo hành?
Anh Nguyễn Mạnh Thắng (ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), người dùng ô tô điện VinFast VF 8 cho biết, anh chọn lắp tại nhà bộ sạc đang bán trên thị trường thay vì chính hãng do phù hợp với nhu cầu và thói quen sử dụng.
“Xe VF 8 của tôi hỗ trợ công suất sạc 11 kW nhưng hiện tại VinFast chỉ bán bộ sạc có công suất tối đa 7,4 kW. Ở mức 7,4 kW này, sạc pin VF 8 từ 10-100% mất khoảng 12 tiếng. Với người thường xuyên đi sớm, về muộn và chạy quãng đường dài mỗi ngày, thời gian sạc như vậy không đủ để khi về cắm sạc qua đêm tới sáng hôm sau xe đầy pin”, anh Thắng nói.
Theo kinh nghiệm của anh Thắng, nếu dùng loại sạc này, việc lắp đặt phải đầy đủ, chuẩn xác để tránh gây hư hỏng cho xe. Có nhiều lựa chọn về công suất và tính năng hơn so với sạc chính hãng, song người dùng cũng cần lưu ý khi dùng bộ sạc xe điện của bên thứ 3 để tránh lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Đơn cử như vấn đề bảo hành xe và pin.
Về vấn đề này, trao đổi với PV, đại diện VinFast cho biết, hãng khuyến cáo khách hàng chỉ sử dụng thiết bị sạc, trạm sạc do VinFast Trading cung cấp, hoặc có thể dùng nguồn sạc khác tương thích với xe và tuân thủ TCVN 13078:2020 hoặc tiêu chuẩn tương đương.
Trong trường hợp khách hàng dùng thiết bị sạc của bên thứ 3 đáp ứng các điều kiện kể trên và xảy ra lỗi về pin, VinFast sẽ kiểm tra và đánh giá. Nếu là lỗi do người dùng hoặc bộ sạc của bên thứ 3 gây ra, khách hàng sẽ cần đền bù pin (với khách hàng thuê pin) hoặc không được bảo hành (với khách hàng mua pin). Nếu lỗi từ phía nhà sản xuất, xe vẫn được bảo hành.
Trong khi đó, Porsche Việt Nam khuyến cáo chỉ sử dụng bộ sạc chính hãng cho mẫu ô tô điện Taycan để tương thích tốt nhất và tránh gây hỏng hóc các linh kiện trên xe.
Theo ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ GTVT), Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn cho thiết bị sạc xe điện. Vì vậy để đủ điều kiện lưu thông trên thị trường, các bộ sạc của bên thứ 3 vẫn cần đáp ứng tiêu chuẩn do nhà sản xuất công bố.
“Người dùng cần lưu ý lựa chọn những bộ sạc phù hợp, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và có chuẩn sạc, công suất, điện áp tương thích với xe. Những sản phẩm giá quá rẻ, chất lượng kém sẽ nhanh gặp trục trặc và có nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng. Sự sai lệch về công suất, điện áp có thể gây hỏng linh kiện, thiết bị trên xe. Nếu sạc với dòng điện lớn và các tiếp điểm điện tiếp xúc kém, lỏng lẻo cũng có thể dẫn tới hỏng hóc, thậm chí gây chập, cháy”, ông Hà nhận định.
Mới đây, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ KH&CN bổ sung trụ, thiết bị sạc điện thuộc danh mục phương tiện phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quyết định, đồng thời sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ, thiết bị sạc điện cho xe điện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận