Quy định trạm dừng nghỉ phải có chỗ sạc xe điện không chỉ là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp đầu tư trạm sạc, mà còn đem lại nhiều lợi ích cho các chủ xe.
Trạm cũ, mới đều phải có
Sau 25 phút chờ nạp điện cho chiếc xe VFe34 tại trạm dừng nghỉ Hải Dương trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, anh Duy Hòa - một tài xế đối tác của hãng Xanh SM nhận xét: "Xe dịch vụ tranh thủ sạc đúng lúc khách muốn vào trạm nghỉ ăn uống là rất hợp lý, tài xế bớt phải lo vừa dò đường đi vừa tìm trạm sạc, tiết kiệm nhiều thời gian".
Nhiều trạm dừng nghỉ sẽ phải bổ sung trạm sạc cho xe điện trong thời gian từ nay đến 2027.
Tuy nhiên, theo anh Hòa, đây chỉ là số ít các trạm dừng nghỉ đường bộ có hệ thống trạm sạc cho xe điện. Bởi thế, với việc Thông tư 09/2024 sửa đổi, bổ sung quy định mới về trạm dừng nghỉ đường bộ vừa được Bộ GTVT ban hành, anh Hòa cũng như nhiều tài xế xe điện khác rất phấn khởi.
Theo đó, Thông tư 09 quy định, từ ngày 5/10, tất cả các trạm dừng nghỉ mới xây dựng trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ hay đường tỉnh đều bắt buộc phải tích hợp trạm sạc xe điện.
Các trạm dừng nghỉ loại 1 (diện tích trên 10.000m2) và loại 2 (diện tích trên 5.000m2) phải dành ra ít nhất 10% tổng số bãi đỗ cho việc sạc xe điện. Việc đầu tư vào hạ tầng cần thiết như trụ sạc, thiết bị sạc sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và các giai đoạn đầu tư khác nhau.
Các trạm dừng nghỉ loại 3 và 4, với diện tích tối thiểu lần lượt là 3.000m2 và 1.000m2, việc bố trí bãi đỗ xe điện chiếm 10% tổng bãi đỗ được khuyến khích nhằm thúc đẩy sử dụng xe điện.
Với các trạm dừng nghỉ xây dựng và đưa vào hoạt động trước khi Thông tư 09 có hiệu lực, chủ sở hữu phải sửa chữa và nâng cấp theo quy chuẩn mới. Các công trình cần được cập nhật bao gồm trạm sạc và khu vực đỗ xe dành cho xe điện, hạn chót hoàn thành là ngày 1/1/2027.
Phù hợp với thực tiễn
Đánh giá về quy định này, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, Thông tư 09 quy định số chỗ đỗ xe điện chiếm 10% tổng số chỗ đỗ xe là phù hợp với điều kiện Việt Nam, do lượng xe điện chưa nhiều như các nước phát triển.
Thị trường trạm sạc xe điện Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng nhưng cần chính sách, quy định cụ thể để thực sự phát triển.
"Hàn Quốc đã bắt buộc bố trí trạm sạc trên quốc lộ từ năm 2021 và tiếp tục bổ sung quy chuẩn trạm sạc vào các loại công trình công cộng như tòa nhà, văn phòng, bãi đỗ xe... Do đó, thông tư mới bổ sung trạm sạc là một loại hạ tầng đường bộ rất kịp thời, phù hợp thực tiễn", ông Đàm Hoàng Phúc phân tích.
Còn theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, quy định mới dù không đề cập công nghệ trạm sạc ở chỗ dừng nghỉ là sạc nhanh hay chậm, sử dụng điện một chiều (DC) hay xoay chiều (AC), nhưng theo logic kinh tế kỹ thuật thì không ai làm sạc chậm ở trạm nghỉ. Tất cả sẽ là sạc nhanh, đáp ứng nhu cầu của người ít thời gian.
"Song, việc lựa chọn nhà cung ứng trạm sạc nào để đáp ứng nhiều kiểu loại xe điện sẽ là bài toán cần đặt ra đối với các doanh nghiệp đầu tư trạm dừng nghỉ", ông Đồng nói.
Thuận lợi cho các doanh nghiệp, hãng xe
Đại diện một doanh nghiệp phát triển trạm sạc lớn tại Việt Nam nhận định, đây là quy định được mong chờ từ rất lâu. Nội dung thông tư đã định nghĩa rõ ràng trạm sạc trong trạm dừng nghỉ là công trình hạ tầng giao thông đường bộ, tức là phải có trạm sạc từ khâu thiết kế xây dựng.
Thứ hai, quy định này giúp cả chủ sở hữu mặt bằng làm trạm nghỉ và nhà phát triển trạm sạc có cơ sở pháp lý khi triển khai dự án. Cơ sở pháp lý rõ nhất là số chỗ đậu xe để sạc ít nhất 10% tổng số chỗ đỗ xe, có phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, có trang bị phòng cháy chữa cháy đúng quy định...
Đại diện một nhà phân phối xe điện của Đức tại Việt Nam cho rằng, quy định phải có trạm sạc trên cao tốc có lợi cho nhiều hãng xe điện, khi các nhà cung cấp dịch vụ sạc "có chỗ để làm ăn", kích hoạt thị trường xe điện: "Không còn giới hạn cự ly theo dung lượng của pin, người mua xe điện sẽ hết lo giữa đường hết pin".
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Phân phối vận hành và Bảo trì sạc ô tô điện (Ever EV) nhận định, vài năm qua, các doanh nghiệp hạ tầng sạc khi triển khai luôn vướng khá nhiều vấn đề. Thứ nhất là quy định phòng cháy chữa cháy. Thứ hai là vấn đề trạm biến áp, nay đã cụ thể hóa trong quy định mới.
Theo ông Cường, đưa trạm sạc bổ sung vào quy chuẩn hạ tầng giao thông là tất yếu để phát triển xe điện. Việc bổ sung trạm sạc vào hạ tầng giao thông sẽ là tiền đề để các quy chuẩn xây dựng đô thị mới, dự án chung cư hoặc trung tâm thương mại xây mới cũng bắt buộc phải có trạm sạc.
Hiện Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Thông tư về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách. Tại dự thảo, Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung quy định cho phép lắp đặt sử dụng trạm sạc cho xe điện trong phạm vi bến xe khách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận