Số liệu của Bộ Tài chính cho hay, hai quý đầu năm tổng doanh thu từ phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ mô tô, xe gắn máy đạt hơn 431 tỷ đồng.
Số tiền chi bồi thường cho chủ xe máy trong cùng kỳ thống kê chỉ khoảng 42 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 9,7%.
So với tỷ lệ bồi thường của các phương tiện cơ giới khác, như ô tô có tỷ lệ bồi thường khoảng 35%, tỷ lệ bồi thường cho xe máy chưa bằng một phần ba so với ô tô.
Năm 2023, toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ đạt doanh thu 4.342 tỷ đồng từ bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới (bao gồm ô tô, xe máy, xe chuyên dùng) trong đó bồi thường 948 tỷ đồng.
Như vậy, tỷ lệ bồi thường chung đạt khoảng 22%, cao hơn gấp đôi tỷ lệ bồi thường cho chủ xe máy, trong khi tai nạn xảy ra với người đi xe máy nhiều hơn, khi xảy tai nạn thì người đi xe máy gặp thương tích nặng nề hơn.
Theo các chuyên gia bảo hiểm, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm bắt buộc cho xe máy thấp đến từ hai nguyên nhân.
Thứ nhất, tỷ lệ chủ xe máy tham gia bảo hiểm thấp, theo các dữ liệu đưa ra con số ước tính chỉ khoảng 10% số lượng xe máy tham gia giao thông (khoảng 7,19 triệu xe) được mua bảo hiểm bắt buộc.
Thứ hai, khi chủ xe máy gây ra TNGT cho bên thứ ba, nếu bên thứ ba gặp tai nạn đến mức phải bồi thường thì bản thân chủ xe máy rất có thể cũng bị thương tích nào đó, mức độ từ nghiêm trọng đến tử vong.
Do đó khâu lập hồ sơ, hoàn thiện thủ tục bảo hiểm ách tắc, do chủ thể đòi bồi thường và người được bồi thường (bên thứ ba) cùng bị tai nạn.
Bốn năm qua, Bộ Tài chính liên tục hối thúc các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cải cách thủ tục bồi thường bảo hiểm bắt buộc đối với chủ xe máy.
Ngoài Luật kinh doanh bảo hiểm đã sửa đổi bổ sung năm 2023, nhiều luật liên quan đến người và phương tiện tham gia giao thông được sửa đổi, bổ sung năm 2024 đều có thêm quy định về bảo hiểm bắt buộc chủ xe máy, theo hướng liên thông minh bạch và đơn giản hóa thủ tục.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận