Chuyên gia hiến kế đi xe máy an toàn cho người Việt Nam |
Đây là hội thảo quốc tế nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy châu Á (FAMI) và lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Tham gia hội thảo có các chuyên gia đến từ Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy quốc tế (IMMA), các hiệp hội các nhà sản xuất xe máy của các nước là thành viên FAMI gồm: Indonesia, Nhật Bản, Philipine, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm thành công về an toàn giao thông đường bộ, thông qua đó để các nước thành viên FAMI, trong đó có Việt Nam, cũng học hỏi lẫn nhau, và thảo luận các giải pháp an toàn giao thông hiệu quả.
Tại hội thảo, bà Mei-chu Shih, đại diện Hiệp hội sản xuất xe máy Đài Loan đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai hệ thống giao thông thông minh, tiên tiến và chiến lược quản lý xe máy nhằm đảm bảo ATGT.
Đặc biệt theo bà Mei-chu Shih, tuy đường phố tại Việt Nam luôn nhiều xe máy nhưng thực tế vẫn đứng sau Đài Loan về tỷ lệ xe máy lưu thông trên đường. Theo thống kê ở Việt Nam, bình quân cứ 1.000 người dân sở hữu khoảng 460 xe máy trong khi đó, tỷ lệ này ở Đài Loan là 676 xe máy/1.000 người. Tại Đài Loan, thị phần xe máy chiếm 63% so với tất cả các loại xe có động cơ.
"Dù mức thu nhập khá cao và giá ô tô khá rẻ, chỉ bằng 1/3 giá bán tại Việt Nam nhưng người Đài Loan vẫn ưa chuộng sử dụng xe máy cỡ nhỏ. Tuy có mật độ xe máy lưu thông rất cao nhưng người Đài Loan lại quy hoạch hạ tầng giao thông khá tốt.
Bên cạnh đó, người dân có ý thức cao trong việc chấp hành luật giao thông. Họ luôn đi đúng làn đường, để xe đúng nơi quy định. Do đó, lượng xe dù nhiều nhưng giao thông không hỗn loạn, đường phố vẫn trật tự, không lộn xộn như ở Việt Nam. Nếu vi phạm giao thông, cơ quan chức năng chỉ cần gửi hóa đơn đến nhà, quá hẹn nộp sẽ bị phạt lũy tiến và quá 1 năm sẽ bị tịch thu xe sung công quỹ", bà Mei-chu Shih cho biết.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 3,2 triệu ô tô và 49 triệu xe máy đã đăng ký và tốc đổ tăng trưởng rất nhanh. Trong đó tỷ lệ tăng trưởng xe máy vẫn cao hơn ô tô (tỷ lệ tăng trưởng của ô tô là 6,5% và xe máy là 7,3%). Đi cùng với tốc độ tăng trưởng các loại phương tiện, tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông tuy có giảm (năm 2016 giảm hơn 50,6% so với năm 2009) nhưng vẫn còn ở mức cao. Điều này đòi hỏi cần có nhiều giải pháp hơn nữa để kéo giảm tai nạn giao thông nói chung và tỷ lệ người chết/đầu phương tiện nói riêng.
Buổi hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan chức năng Việt Nam và các Hiệp hội thành viên FAMI |
Tại hội thảo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) chia sẻ về những giải pháp và khó khăn đang vấp phải khi thực hiện kiện toàn cơ sở hạ tầng cho xe máy ở TP.HCM và đưa ra những mô hình của một số nước trong khu vực đang được TP.HCM lựa chọn và dự kiến áp dụng như: triển khai các tuyến đường bộ, giải pháp tổ chức giao thông đảm bảo ATGT đường bộ cho người đi xe máy; quản lý bãi đỗ xe gắn máy bằng các biện pháp kỹ thuật, chính sách thuế, phí,...
Hội thảo lần này không chỉ là cơ hội để các thành viên của FAMI ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong công tác quản lý và bảo đảm ATGT mà còn nhìn rõ những khó khăn, thách thức về giao thông mà Việt Nam đang đối mặt. Từ đó, FAMI, VAMM và chính phủ Việt Nam sẽ đề xuất những kế hoạch hợp tác hiệu quả, bền vững, chung tay góp phần cải thiện tình trạng giao thông tại Việt Nam, kéo giảm và tiến tới không có tai nạn vào những thập kỷ tiếp theo.
Hội thảo lần này còn đặc biệt có ý nghĩa khi Việt Nam đang đẩy mạnh chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân và đưa ra lộ trình cấm xe máy tại một số thành phố lớn nhằm kéo giảm tai nạn, ùn tắc giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận