Hiện nay, vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ vẫn là bức xúc lớn nhất trong các công ty nước ngoài nói chung và xe hơi nói riêng tại Trung Quốc. Hàng loạt thương hiệu xe sang có tiếng đến từ châu Âu như: BMW, Audi, Land Rover… bị các công ty nội địa nhái kiểu dáng và được bán với giá siêu rẻ. Thậm chí, những sản phẩm này còn ngang nhiên trưng bày chung với các mẫu xe bị sao chép thiết kế tại một số kỳ triển lãm.
Năm 2016, Jaguar Land Rover (JRL) đã từng đệ đơn kiện nhà sản xuất mẫu xe X7 Landwind khi cho rằng hãng xe Jiangling Motors đã copy trắng trợn thiết kế của mẫu xe Range Rover Evoque. "Kẻ bắt chước" X7 Landwind được phát hiện ngay khi JRL ra mắt phiên bản Evoque dành riêng cho thị trường Trung Quốc với sự hợp tác sản xuất cùng hãng Chery. Tuy nhiên sau đó đơn kiện đã bị chính phủ Trung Quốc bác bỏ. Sau đó, chính quyền địa phương đã quyết định hủy bằng sáng chế của cả hai công ty khi cho rằng bằng sáng chế về thiết kế ngoại thất của cả Evoque và X7 đều “không hợp lệ”.
Zotye - một hãng xe hơi Trung Quốc đang bán khá nhiều xe tại thị trường Việt Nam. Các mẫu ô tô của nhà sản xuất này có giá thành phải chăng chỉ từ hơn 700 triệu đồng nhưng được trang bị nhiều tính năng không khác gì những mẫu xe sang. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm của Zotye được cho là "vay mượn" thiết kế từ các hãng xe khác. Mẫu Zotye SR9 được coi là bản sao của Porsche Macan. Trong khi đó Zotye Z8 - mẫu xe bán chạy nhất hiện nay của Zotye tại Việt Nam lại có phần phía trước giống mẫu SUV Maserati Levante nhưng nhìn từ phía sau lại giống Jaguar F-Pace.
Ở phía bên trong, xe Z8 cũng không ngoại lệ khi phần vô lăng xe được "lấy cảm hứng" từ thương hiệu xe thể thao Porsche còn bảng điều khiển trung tâm được vay mượn từ hãng xe Volvo (Thụy Điển)... Tuy bị nhái khá nhiều nhưng những hãng xe trên thế giới không có nhiều cơ hội thắng kiện tại quốc gia này.
Theo nhiều chuyên gia quốc tế, đây chính là chính sách bảo hộ và định hướng phát triển nền công nghiệp ô tô của Trung Quốc. Trước đây, chính phủ Trung Quốc yêu cầu các thương hiệu xe hơi nổi tiếng muốn bán sản phẩm của mình tại quốc gia này đều phải lập liên doanh và chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất trong nước. Chính điều này đã giúp bản quyền công nghệ cũng như thiết kế các mẫu xe sang dễ dàng được nhiều thương hiệu xe Trung Quốc như BAIC, Zotye, Geely hay Baojun sử dụng.
Một biện pháp khác cũng đang được các hãng xe Trung Quốc thực hiện rất hiệu quả là đổ tiền thâu tóm các thuơng hiệu xe nổi tiếng. Câu chuyện Geely mua lại Volvo với giá 1,3 tỷ USD và vực dậy nhãn hiệu xe Thụy Điển này vào năm 2010 vẫn thường được coi là hình mẫu thành công nhất cho việc một công ty ô tô Trung Quốc thâu tóm nhãn hiệu phương Tây. Bên cạnh việc tái sinh nhãn hiệu xe Thụy Điển, Geely còn sử dụng những công nghệ tân tiến của Volvo để nâng cấp cho hàng loạt dòng xe riêng của mình.
Trong năm 2013, Geely cũng đã mua London Taxi Company với giá 17,5 triệu USD và 4 năm sau đó đã mở cửa một nhà máy ở West Midlands để sản xuất xe taxi điện. Tiếp nối thành công, Geely còn "nhăm nhe" mua 5% cổ phần của tập đoàn Daimler với số tiền 4,5 tỷ USD nhưng bị từ chối.
Thương vụ mua lại công ty sản xuất lốp xe Ý Pirelli trị giá 7,86 tỷ USD trong năm 2015 bởi China National Chemical Corp vẫn là vụ đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực ô tô nước ngoài của Trung Quốc cho tới lúc này. Nhà cung cấp linh kiện lớn nhất Trung Quốc, Wanxiang Group, cũng là một gương mặt đáng gờm khi chiếm 12% thị phần thị trường linh kiện xe quốc tế bên ngoài Trung Quốc.
Với những ràng buộc về cổ phần kèm theo khoản lợi nhuận khổng lồ từ thị trường Trung Quốc là những nguyên nhân chính khiến nhiều thương hiệu ô tô nổi tiếng thế giới không thể mạnh tay kiện các hãng xe Trung Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận