Theo QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ, có hiệu lực từ 1/7/2020, xe bán tải (xe pick-up), xe tải van có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950 kg, xe 3 bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg, trong tổ chức giao thông, được xem là xe con. Trong khi đó, cũng những mẫu xe này nhưng nếu khối lượng chuyên chở từ 950 kg trở lên được gọi là xe tải.
Khác với trước đây, theo QCVN 41:2016/BGTVT, cùng là xe bán tải, tải van nhưng có khối lượng hàng chuyên chở dưới 1.500 kg được coi là xe con. Sự khác biệt giữa hai định nghĩa nằm ở khối lượng hàng chuyên chở thay đổi từ 1.500 kg về 950 kg.
Điều này có nghĩa, nếu như trước đây, một chiếc xe bán tải có khối lượng hàng chuyên chở là 951 kg sẽ được coi như xe con và lưu thông như xe con. Nhưng kể từ ngày 1/7/2020, chiếc xe bán tải này sẽ được phân loại là xe tải, phải tuân theo các quy định về tốc độ, làn đường và giờ hoạt động tại các trung tâm thành phố như xe tải.
Ví dụ, một mẫu Ford Ranger XLS đời 2013 và 2015 lần lượt có khối lượng chuyên chở cho phép khi tham gia giao thông là 991 kg và 957kg. Tuy nhiên ở đời 2016 chỉ số này chỉ là 827 kg. Như vậy với cùng một mẫu xe, cùng dòng xe nhưng từ 1/7 tới đây, chỉ Ford Ranger XLS đời 2016 mới được coi là xe con, còn đời 2013 và 2015 sẽ bị coi là xe tải khi lưu thông.
Tuy nhiên theo đánh giá, định nghĩa mới theo QCVN 41:2019/BGTVT sẽ không làm khó xe bán tải phổ thông hiện nay bởi hầu hết các mẫu xe như: Hilux, Ranger, Triton,… đều có khối lượng chuyên chở dưới 950 kg. Ngay cả các loại xe Van như: Kia Morning hay Chevrolet Spark cũng vẫn được coi là xe con, không chịu tác động.
Thậm chí, những mẫu xe tải nhỏ như của Suzuki là Carry, Window Van, Blind… vẫn được coi là xe con, không hạn chế di chuyển trong đô thị. Thế nhưng, phân khúc chịu ảnh hưởng nhiều nhất lại là xe tải nhẹ như Hyundai New Porter 150 hay VEAM VPT950,…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận