Luật sư Nguyễn Thanh Hà |
Xung quanh thông tin nhiều khách hàng phản ánh tình trạng lỗi hộp số trên một số dòng xe Ford, phóng viên Xe Giao thông đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty luật SB Law (Đoàn luật sư Hà Nội).
Theo ông, với những phản ánh của khách hàng về lỗi hộp số trên một số dòng xe Ford tại Việt Nam, khách hàng có nên kiện hãng xe ra tòa hay không? Trong trường hợp ra tòa, khách hàng có cần sự trợ giúp của cơ quan quản lý hay các tổ chức xã hội nào không?
Theo tôi, nếu thấy quyền lợi của mình bị xâm hại, người tiêu dùng có thể sử dụng toà án làm cơ quan giải quyết để bảo vệ mình.
Trong trường hợp này, nếu có sự vào cuộc của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng hay cơ quan quản lý nhà nước thì việc giải quyết vụ việc sẽ rất hiệu quả, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.
Để kiện một hãng xe thì khách hàng cần làm những thủ tục gì và bước đi cụ thể như thế nào? Trong trường hợp nhiều khách hàng bị ảnh hưởng bởi cùng một lỗi sản phẩm thì có nên tập hợp nhiều người làm cùng một đơn hay không?
Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định như sau: a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này; …”.
Như vậy, khi quyền lợi bị xâm hại, người tiêu dùng có thể khởi kiện đối tượng vi phạm tại Tòa án nơi bị đơn có trụ sở.
Để Tòa án thụ lý, người tiêu dùng cần phải có yêu cầu rõ ràng, cụ thể và có chứng cứ chứng minh được yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ.
Cụ thể, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015, kèm với đơn khởi kiện, người tiêu dùng cần phải cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ, như:
- Hợp đồng mua bán xe giữa Khách hàng và hãng xe;
- Các giấy tờ liên quan đến bảo hành, bảo hiểm với chiếc xe;
- Các bằng chứng, chứng minh lỗi của hãng xe;
Tòa án sẽ giải quyết vụ án căn cứ yêu cầu của người tiêu dùng và trên cơ sở các hồ sơ, tài liệu do các bên cung cấp.
Trong trường hợp này, nếu nhiều người gặp lỗi thì có thể làm đơn kiện tập thể. Việc người tiêu dùng ủy quyền cho cá nhân hoặc tổ chức đứng ra thay mặt khởi kiện sẽ giúp quá trình chứng minh thiệt hại nhanh , chính xác, kỹ càng hơn.
Thực tế, trình độ nhận thức và kiến thức pháp luật của người dân không đồng đều. Khi họ ủy quyền cho người hiểu biết hơn hoặc một cơ quan có chuyên môn thì công việc sẽ trôi chảy và có khả năng đạt kết quả tốt hơn nhiều.
Người tiêu dùng còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc vì không phải trực tiếp lui tới tòa nhiều lần. Nó cũng khắc phục được “quán tính rề rà” của đương sự mỗi khi tham gia các vụ án tại tòa vì họ chỉ việc ngồi nhà chờ kết quả từ người, từ nơi mình đã tin tưởng ủy quyền, ...
Vì đây là lỗi kỹ thuật ô tô nên nếu từng người tiêu dùng đánh giá, xác minh về lỗi kỹ thuật của xe để có bằng chứng xác thực sẽ rất khó khăn. Vậy theo ông, người tiêu dùng cần có giám định từ phía cơ quan nào hay chỉ cần chuyên gia kỹ thuật xác định?
Theo tôi, vì đây là những vấn đề kỹ thuật nên để có một phán quyết đúng đắn, có thể Toà án sẽ phải trưng cầu một công ty giám định độc lập, kết quả giám định có thể là một chứng cứ quan trọng để toà án xem xét và ra quyết định về thắng thua ở vụ kiện này.
Theo ông, các quy định pháp luật hiện nay đã đầy đủ để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng hay chưa, đặc biệt là với sản phẩm kỹ thuật cao như ô tô?
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 đã tạo lập hành lang pháp lý cần thiết cho việc bảo vệ người tiêu dùng, xác lập được sự ổn định trong quan hệ giữa người tiêu dùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Từ đó đã hình thành được nền tảng tư duy mới trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và thiết lập được vị thế các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ, hướng tới mục tiêu xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, một số quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bộc lộ sự bất cập, quy định đề ra trong Luật chưa được cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc.
Ví dụ, theo quy định tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, quyền của người tiêu dùng được nhà làm luật quy định khá chi tiết và tương đối bao quát trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, có một số nội dung quan trọng gắn liền với quyền lợi của người tiêu dùng chưa được ghi nhận trong quy định về quyền cơ bản của người tiêu dùng, đó là, quyền được thông tin về điều kiện mua bán, cung cấp bảo hành của các hàng hoá dịch vụ; quyền được giao kết hợp đồng một cách công bằng; …
Hơn nữa, tuy là quyền cơ bản của người tiêu dùng, nhưng xét về logic nhà làm luật lại chưa quy định nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan là cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền của người tiêu dùng được thực thi trên thực tế. Cũng như vấn đề giải quyết tranh chấp phát sinh của các cơ quan có thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Thứ hai, các quy định có liên quan đến trách nhiệm sản phẩm: Người tiêu dùng là đối tượng thụ hưởng của hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nên khi lựa chọn sản phẩm cho mình, cần có các kiến thức nhất định về chất lượng sản phẩm hàng hóa nói chung. Điều quan trọng hơn là người tiêu dùng hãy lên tiếng khi quyền lợi bị xâm phạm, thông qua việc phản ánh, khiếu nại đến các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, về những hành vi vi phạm của doanh nghiệp, cá nhân.
Trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm do mình tạo ra rõ ràng là đã được quy định trong pháp luật về chất lượng sản phẩm. Trên thực tế, người tiêu dùng thường không thiết lập quan hệ pháp lý trực tiếp với nhà sản xuất mà khi sản phẩm, hàng hóa đến được tay người tiêu dùng đã trải qua nhiều khâu của hệ thống phân phối, đặc biệt là những hàng hóa nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng là người cung cấp sản phẩm, hàng hóa cần phải chịu trách nhiệm về khuyết tật của sản phẩm mà chính họ không tạo ra. Từ đây nảy sinh chế định pháp lý về trách nhiệm sản phẩm (product liability). Theo đó, nhà sản xuất hàng hóa phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, được hình thành do khuyết tật của sản phẩm, mặc dù, người tiêu dùng có thể không có giao dịch trực tiếp với nhà sản xuất.
Như vậy, trách nhiệm sản phẩm không phải là trách nhiệm phát sinh trực tiếp từ quan hệ tiêu dùng và như thế chế độ trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng (dân sự), theo pháp luật dân sự, khó có thể áp dụng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO Law: "Hội bảo vệ người tiêu dùng nên đứng đơn"
"Tôi cho rằng việc kiện hãng xe ra tòa là quyền và cũng nên kiện để các hãng, công ty làm việc nghiêm túc. Nhiều khi có những cái do vô ý hãng sai, đôi khi là cố tình, kể cả những hãng uy tín nước ngoài thì cần cơ quan pháp luật vào cuộc để giải quyết. Để không chỉ một người mà nhiều người khác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nói chung. Việc kiện lỗi do nhà sản xuất hiện nay tại Việt Nam rất ít. Ở nước ngoài họ rất bài bản và rõ ràng. Hành lang pháp lý, hành xử của doanh nghiệp rồi luật sư cũng làm đầu mối để thu thập chứng cứ thì rất dễ. Việt Nam đa số những vụ kiện như vậy, người tiêu dùng thường rất mệt mỏi. Trong luật bảo vệ người tiêu dùng hiện nay, việc kiện tập thể không rõ ràng. Thực tế cho phép kiện tập thể sẽ tạo ra sức mạnh, cùng nhau lên tiếng. Bên cạnh đó, phải cho phép Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đứng ra kiện thay vì kiện lẻ tẻ hay trực tiếp người tiêu dùng đứng ra kiện. Bên cạnh đó nên có những trung tâm giám định độc lập về kỹ thuật để đảm bảo tính khách quan trong việc giải quyết các tranh chấp... |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận