Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp ô tô vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Quan điểm không cần sản xuất ô tô, chỉ nhập khẩu là sai lầm khi chúng ta tăng cường tự chủ kinh tế”. Vậy, cần những chính sách hỗ trợ và sự nỗ lực như thế nào để hiện thực hóa giấc mơ ô tô Việt?
Cần thêm ưu đãi về thuế
Với kỳ vọng xây dựng bằng được ngành công nghiệp ô tô nhằm đáp ứng nhu cầu của một thị trường có quy mô 100 triệu dân, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều quyết sách hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như: Hỗ trợ về tín dụng, ưu tiên mua xe nội trong các hoạt động đấu thầu mua sắm công, ưu đãi thuế, đất đai…
Cùng đó, những chính sách trực tiếp đối với hoạt động sản xuất ô tô trong nước cũng đã được ban hành. Cụ thể, trước thời điểm 2018 khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0%, Chính phủ cũng liên tiếp ban hành Nghị định 116 và Nghị định 125. Nếu Nghị định 116 với các quy định mới về việc bắt buộc xe nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) và phải kiểm tra theo lô… được coi là rào cản xe nhập khẩu, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước thì Nghị định 125 với quy định miễn thuế nhập khẩu linh kiện cho các doanh nghiệp đạt đủ điều kiện đã tạo những lợi thế nhất định cho những doanh nghiệp trong nước đạt được điều kiện về quy mô.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số doanh nghiệp, những chính sách hay một số quy định hiện nay chưa đủ hoặc một số quy định đã không còn tác dụng. Chẳng hạn như Nghị định 116 có đặt ra một số điều kiện đối với xe nhập khẩu như: Phải có Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô (VTA), kiểm tra khí thải theo lô hay phải có cơ sở bảo hành bảo dưỡng… thì đến nay hầu hết các hàng rào kỹ thuật này đã được các doanh nghiệp đáp ứng. Riêng về Giấy chứng nhận VTA đến nay chỉ có các mẫu xe xuất xứ từ Nhật Bản chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, sau khi Nghị định 125 được ban hành, một số doanh nghiệp đã tiến hành mua một số nhà máy hoạt động yếu kém để gia tăng quy mô sản xuất nhằm được hưởng ưu đãi nhưng vẫn chưa thể đáp ứng các điều kiện khiến chi phí sản xuất và giá thành còn cao.
Nhận định về các chính sách đối với công nghiệp ô tô hiện nay, ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô đã tương đối đầy đủ nhưng chưa thực sự hiệu quả. “Hiện Nghị định 125 về ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện đã được ban hành nhưng nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ chưa đủ điều kiện để được hưởng hay đề xuất miễn thuế cho phần giá trị linh kiện sản xuất trong nước mới đang được bàn bạc. Nếu cả hai việc này được sửa đổi và ban hành thì sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam”.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cũng cho rằng, các chính sách đã và đang được áp dụng cộng thêm chính sách miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện sản xuất trong nước mà Chính phủ và Bộ Tài chính đang nghiên cứu khi được ban hành sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, doanh nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. “Hiện Bộ Công thương cũng đang chủ trì xây dựng dự thảo mới về cách tính tỷ lệ nội địa hóa để từ đó có căn cứ xác định những ưu đãi cần thiết đối với các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước thời gian tới. Hiện Vụ đang tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện để có thể trình lên Bộ trong thời gian sớm nhất”.
Tăng cường nỗ lực giảm giá thành, hướng tới xuất khẩu
Đối với doanh nghiệp phụ trợ, trong tình hình hiện nay, sẽ cần phải có một doanh nghiệp dẫn dắt. Ví dụ như VinFast hay Thaco. Khi có doanh nghiệp dẫn dắt thì ắt sẽ có các doanh nghiệp phụ trợ đi theo và doanh nghiệp dẫn dắt sẽ hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ tại Việt Nam tiêu thụ sản phẩm.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương)
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, để phát triển công nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam, bên cạnh những cơ chế, chính sách ưu đãi thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải tự nỗ lực.
“Thị trường ô tô Việt Nam hiện nay rất nhỏ với dung lượng chỉ khoảng hơn 300.000 xe/năm thì các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam phải nâng cao tính cạnh tranh, giảm giá thành và hướng tới xuất khẩu. Các doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam hiện nay có khoảng mười mấy doanh nghiệp lớn nhưng thị trường Việt Nam lại nhỏ, quá nhiều các dòng xe nên nếu không mở rộng xuất khẩu sẽ rất khó gia tăng quy mô sản xuất dẫn đến giá thành cao.
Theo nhiều chuyên gia ô tô trong nước, ngoài những tác động từ Chính phủ, các nhà sản xuất cần tối ưu hoá các chi phí để sản phẩm có sức cạnh tranh tốt nhất. Nhiều thương hiệu lớn hiện nay như: Thaco, Hyundai Thành Công hay VinFast cũng đang dần thực hiện điều này. Nhiều công nghệ và hệ thống quản lý tối ưu đang được những tên tuổi kể trên áp dụng.
Để tăng cường nội lực cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, theo ông Trần Quang Hà, các hãng xe cần phải bắt tay nhau để có thể sử dụng chung các linh kiện, phụ kiện thì các nhà sản xuất linh, phụ kiện mới có sản lượng lớn để người ta tập trung đầu tư. Khi đã có tiềm lực phụ trợ đầy đủ, dung lượng lớn thì xuất khẩu nên là thị trường hướng tới, chỉ khi đó dung lượng thị trường mới có sự bứt phá và giảm được giá thành.
“Hiện nay, ngành sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam cũng đang có những dấu hiệu tích cực như Thaco và Hyundai Thành Công đã và đang xây dựng thêm nhà máy phục vụ sản xuất lắp ráp. Hay Thaco hiện nay đã có khoảng 200 doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam đi theo sản xuất linh, phụ kiện. Hiện Toyota Việt Nam cũng đang xin đất để mở rộng nhà máy, nâng công suất sản xuất lắp ráp từ 60.000 xe/năm như hiện nay lên thành 90.000 xe/năm…”, ông Hà cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận