Chuyện dọc đường

Nghị định 116 vì lợi ích của ai?

05/03/2018, 08:55

Thực tế đang dần chứng minh những “bức xúc” và kiến nghị đối với các quy định 116 là không có cơ sở.

2

Mẫu Honda CR-V đã được Chính phủ Thái Lan cấp GCN kiểu loại ô tô và nhập khẩu về Việt Nam

Công nghiệp ô tô VN đang đứng trước bước ngoặt lớn khi thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN theo Hiệp định thương mại ATIGA được xóa bỏ (thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN về mức 0% từ ngày 1/1/2018, nếu tỷ lệ nội  địa hóa đạt từ 40% trở lên), đồng thời Chính phủ ban hành các chính sách mới để cân bằng giữa xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. 

Tuy nhiên, những chính sách điều chỉnh kịp thời và cần thiết nhằm bảo vệ, duy trì sản xuất trong nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ấy lại đang gặp phải những phản ứng gay gắt của một số liên doanh vốn đang sẵn sàng dừng lắp ráp để nhập khẩu ồ ạt ô tô về Việt Nam kiếm lời.

Thực tế, kể từ khi quy hoạch, xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam từ hơn 20 năm qua, các liên doanh ô tô tại Việt Nam đã nhận được quá nhiều ưu đãi về thuế và các chính sách khác. Tuy nhiên, hơn 20 năm thực hiện cho thấy, dù được kỳ vọng rất nhiều nhưng những liên doanh này lại mang đến một sự thất vọng không hề nhỏ. 

Trong đó, một chỉ tiêu quan trọng nhất, được các liên doanh cam kết thực hiện để từ đó thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020 là đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 30 - 40% đã bị đổ bể, đến nay mới chỉ đạt khoảng 10%. Có thể nói, đây là nguyên nhân dẫn đến sự thua thiệt của ngành công nghiệp ô tô Việt khi Hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực. Chính điều này cũng đã khiến Chính phủ phải tiếp tục xây dựng và ban hành một bản quy hoạch mới và gần như phải đặt lại các mục tiêu mà lẽ ra đã hoàn thành.

Thế nhưng trong những tháng qua, khi Nghị định 116 và Thông tư số 03 về điều kiện kinh doanh ô tô được ban hành và chính thức có hiệu lực, không ít liên doanh ô tô trong nước đã liên tục kêu khó và nêu lên những “bất cập” về một số quy định. Tuy nhiên thực tế đang dần chứng minh những “bức xúc” và kiến nghị này là chưa hợp lý và không có cơ sở. 

Bởi chỉ vài ngày trước khi một số DN còn kêu khó về Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô thì ngay lập tức Honda Việt Nam đã có loại giấy này và nhập khẩu lô xe hàng ngàn chiếc đầu tiên từ Thái Lan về Việt Nam. Không những thế, hàng loạt các thương hiệu khác như: Ford Ranger, Ford Everest, BMW, Peugeot, Mazda, KIA… đã được phía đối tác cấp Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô. Bên cạnh đó, các quy định như: kiểm tra theo lô xe nhập khẩu, quy định phải có đường thử xe dài 800m… cũng được Bộ GTVT khẳng định là phù hợp và cần thiết để kiểm soát chất lượng hàng hóa cũng như sự an toàn của các loại phương tiện.

Vì thế có thể thấy, việc một số DN kêu khó thực chất cũng chỉ là nhằm bảo vệ, níu giữ những lợi ích của mình được hưởng bấy lâu nay cũng như lợi thế của xe nhập khẩu chứ chưa chắc đã vì mục tiêu kiến tạo một ngành công nghiệp ô tô đủ mạnh và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. 

Mặt khác, thực tế cũng cho thấy từ khi Nghị định 116 ra đời, nhiều DN lắp ráp và sản xuất ô tô trong nước cũng như một số liên doanh ô tô đã mở rộng sản xuất và đang tính tới việc tái sản xuất nhiều dòng xe trong nước thay vì nhập khẩu. Điều đó cho thấy chính sách mới đang tạo ra những hiệu ứng tích cực. Đó chính là công ăn việc làm cho người lao động, tạo động lực để DN mở rộng sản xuất và tăng tỷ lệ nội địa hoá để hưởng lợi khi có thể xuất khẩu xe trong khu vực ASEAN, còn người tiêu dùng thì hưởng lợi từ chất lượng xe nhập khẩu đã được kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng khi nhập khẩu về Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.