So với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tỷ lệ mua ô tô điện rất cao, trung bình cứ 10 ô tô bán ra có một chiếc là xe điện. Đáng lưu tâm, doanh số xe điện vẫn chủ yếu đến từ VinFast.
VF3 mang tới đột phá
Các báo cáo doanh số thị trường ô tô trong nước cho thấy, người Việt Nam ngày càng mua ô tô điện nhiều hơn. Doanh số ô tô điện chủ yếu từ VinFast, Wuling. Hiện, các thương hiệu xe sang đã phân phối xe điện nhưng do giá bán cao nên doanh số không đáng kể.
Lượng xe điện bán ra tại Việt Nam chiếm tỉ trọng không hề nhỏ so với quy mô thị trường.
Báo cáo doanh số từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hyundai Thành Công cho thấy, quý I/2024, thị trường tiêu thụ 68.279 ô tô các loại. Cùng khoảng thời gian này, VinFast cho biết đã bán tổng cộng 9.689 ô tô điện trên toàn cầu, trong đó doanh số tại Việt Nam là chủ yếu, khoảng 8.200 chiếc.
Tính chung, doanh số xe điện trong quý I/2024 chiếm hơn 10% tổng số ô tô bán ra tại Việt Nam. Tỷ lệ này cao hơn mức 8% của năm 2023 và 2,2% năm 2022. Có thể thấy, doanh số ô tô điện đang có tốc độ tăng khá mạnh tại Việt Nam.
Mới nhất, ngày 15/5, VinFast cho biết, chỉ sau 66 giờ mở bán chiếc ô tô điện mini VF3, đã có gần 28.000 người đặt cọc mua mẫu xe này. Đây là số lượng nhận đặt cọc cao kỷ lục với một mẫu ô tô tại Việt Nam. Nếu lượng xe này được bàn giao hết trong năm, doanh số ô tô điện tại Việt Nam năm 2024 sẽ có bước đột phá.
Tỷ lệ mua xe điện cao nhất khu vực
Nhìn sang một số thị trường ô tô lớn trong khu vực, tỷ lệ mua ô tô điện của Việt Nam hiện nay đang có mức tăng trưởng ấn tượng. Báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Đông Nam Á (AAF), tại các thị trường lớn như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan, lượng xe điện tiêu thụ vẫn rất thấp so với quy mô thị trường.
Xe điện bị giới hạn về quãng đường di chuyển và thời gian sạc lại. Trong khi hạ tầng trạm sạc hiện nay khiến nhiều người vẫn có cảm giác vẫn chưa được thuận tiện như xe xăng, dầu. Các thương hiệu ô tô điện tại Việt Nam hầu hết đều rất mới, cần thời gian để chứng minh chất lượng. Đến một thời điểm nào đó, khi hội tụ các yếu tố thuận lợi, việc chuyển đổi sang xe điện sẽ nhanh hơn.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc
Như tại Indonesia, năm 2022, tổng doanh số toàn thị trường đạt khoảng 1,084 triệu ô tô thì lượng xe điện bán ra chỉ đạt 10.327 chiếc (chiếm khoảng 1%). Năm 2023, lượng xe điện bán ra tăng lên 17.051 chiếc, chiếm gần 2%. Quý I/2024, doanh số xe điện là 5.918 chiếc, chiếm 2,75% trên tổng số 215.069 ô tô các loại bán ra.
Tương tự ở Thái Lan, năm 2022, lượng ô tô điện bán ra chiếm 1,3% tổng số xe toàn thị trường, đến 2023 tăng lên thành 6,3% (49.113 xe), nhưng quý I/2024 lại giảm xuống chỉ còn 2,2% (bán ra 3.665 xe).
Tại Malaysia, năm 2022 có 2.631 xe điện được bán, chiếm khoảng 0,3% tổng doanh số ô tô. Sang năm 2023 tăng lên 10.149 chiếc (chiếm 1,26%) và quý đầu năm 2024 bán được 2.703 xe (chiếm 1,33%).
Vẫn cần chuẩn hóa tiêu chuẩn kỹ thuật xe điện
Một đại diện của VAMA cho hay, để dự đoán tốc độ tăng trưởng ô tô điện tại Việt Nam sẽ rất khó. Bởi lẽ doanh số hiện chủ yếu tới từ VinFast nhờ giá rẻ, có lợi thế hệ thống trạm sạc. Nếu không có VinFast, số lượng ô tô điện các thương hiệu khác bán được tại Việt Nam vẫn chưa cao so với một số nước như Indonesia hay Thái Lan, Malaysia.
Doanh số xe điện hiện nay chủ yếu tới từ VinFast nhờ giá rẻ, có lợi thế hệ thống trạm sạc.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng để phát triển ô tô điện. "Đến lúc nào đó VinFast mở hệ thống trạm sạc cho các hãng xe khác sử dụng, chắc chắn tốc độ phát triển ô tô điện sẽ tăng rất nhanh", vị này nói và cho rằng, để thúc đẩy xe điện hơn nữa, cần chuẩn hoá các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan. Phải làm sao để các linh kiện đạt tiêu chuẩn toàn cầu để vừa có thể lắp ở Việt Nam, vừa lắp được trên xe xuất khẩu.
"Nhà nước cần ưu đãi, hỗ trợ những nhà đầu tư trạm sạc. Khi đó, các trạm sạc sẽ phải chia sẻ để sử dụng chung. Còn về chi phí mua xe hiện nay, những hỗ trợ như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay miễn lệ phí trước bạ đang khá tốt", vị đại diện nói thêm.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, khi các hãng bán ô tô điện nhiều lên, chất lượng được khẳng định thì sức mua ô tô điện sẽ tăng. Hạ tầng trạm sạc đầy đủ, xe điện bán nhiều, cơ hội giảm giá lớn hơn, người tiêu dùng càng dễ tiếp cận.
"Bên cạnh vấn đề về hạ tầng trạm sạc và các ưu đãi cho xe điện, doanh nghiệp cũng đề xuất miễn, giảm thêm một số loại thuế, phí như bảo trì đường bộ, phí cấp biển, VAT... Thêm vào đó, có thể trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua xe điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng", ông Phúc nói.
Trong khi đó, báo cáo của bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC nhận định: "Chìa khóa để vượt qua những rào cản phổ biến ô tô điện ở Việt Nam nằm ở đầu tư cơ sở hạ tầng. Vốn cũng là một trở ngại. Ước tính chỉ riêng lắp đặt đủ hạ tầng sạc xe điện và công suất phát điện tái tạo đủ cho lượng xe điện mới theo dự báo sẽ cần khoảng 12,3 tỷ USD giai đoạn 2024-2040".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận