TCT XÂY DỰNG TRƯỜNG SƠN

Viết tiếp trang sử mở đường chiến lược

Ở các dự án lớn, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã gây dựng thương hiệu, uy tín bằng tiến độ, chất lượng của sản phẩm làm ra. Chất lượng ấy đã được thời gian khảo nghiệm cho đến ngày hôm nay.

Hơn 6 thập kỷ phát triển với nhiều thăng trầm, song, kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng, Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn vẫn vững vàng bước qua thử thách, định vị là một thương hiệu lớn, một nhà đầu tư, nhà thầu uy tín góp phần quan trọng vào sự nghiệp hiện đại hóa hạ tầng, phát triển KT-XH, đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ, với sự thay đổi trong tư duy đi cùng 8 chữ: "Tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả" là hành trình để đơn vị viết tiếp "trang sử vàng" trên những con đường chiến lược sắp tới.

photo-1696927884857

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc với lãnh đạo Binh đoàn 12 tại trụ sở dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang tháng 1/2023.

Vượt giông bão, ghi dấu trên mỗi cung đường

- Nhìn lại hành trình hơn 64 năm hình thành và phát triển, ông có thể điểm lại những dấu mốc quan trọng của Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn?

Binh đoàn 12 là đơn vị kế tục truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn anh hùng. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Bộ đội Trường Sơn chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế.

Tháng 10/1977, Binh đoàn 12 được thành lập trên cơ sở lực lượng làm cầu, đường của Bộ đội Trường Sơn trong chiến tranh, được giao nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng.

Nối tiếp truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng Binh đoàn 12 không quản ngại khó khăn, gian khổ, có mặt ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, tập trung xây dựng đường Hồ Chí Minh, tuyến Đông Trường Sơn từ Nghệ An đến Bình Phước dài hơn 1.200km; Xây dựng đường vành đai chiến lược 279 chạy suốt vùng phụ cận biên giới Việt - Trung, từ Quảng Ninh đến Lai Châu dài gần 1.000km.

Cùng đó, là xây dựng 6 tuyến đường sắt với tổng chiều dài hơn 400km; tham gia xây dựng các nhà máy thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Dray H’linh, Yaly, Srepoc 3, Buôn Kuôp, Buôn Tuashar; Mở mới, nâng cấp hơn 3 vạn km cầu, đường bộ...

Không chỉ tham gia kiến thiết, xây dựng hạ tầng giao thông trên khắp mọi miền Tổ quốc, lực lượng Binh đoàn 12 còn "sải cánh tay" đến Lào và Campuchia, giúp nước bạn xây dựng 9 tuyến đường bộ, với tổng chiều dài 360km, 36 cầu vĩnh cửu, xây dựng các công trình kinh tế, văn hóa... góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Bước sang thời kỳ đổi mới, đến đầu năm 1988, Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã có chủ trương về chuyển đổi mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của các đơn vị quân đội làm kinh tế. Năm 1989, Binh đoàn 12 có tên doanh nghiệp là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, các đơn vị trở thành các công ty, xí nghiệp.

Kể từ đây, Binh đoàn 12 không còn được bao cấp về chi phí và bảo đảm việc làm như trước đây, bước vào hạch toán độc lập thông qua phương thức đấu thầu là chủ yếu, tự lo việc làm, bảo đảm đời sống người lao động và nộp ngân sách Nhà nước theo quy định...

- Ngược dòng thời gian về những ngày đầu bước ra khỏi bao cấp của Nhà nước, tự lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường để kiếm công ăn việc làm, những khó khăn nào Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã phải vượt qua, thưa ông?

Đó là một hành trình đầy chông gai, có thể gọi là thời kỳ thử thách khắc nghiệt nhất của Binh đoàn khi phải tự đi trên đôi chân của chính mình trong tình cảnh thiếu vốn, thiếu việc, phương tiện xe máy thi công qua nhiều năm khai thác đã hết khấu hao, lạc hậu, thiếu đồng bộ, đặc biệt tư duy bao cấp vẫn còn tồn tại khi doanh nghiệp đã chuyển sang cơ chế tự hạch toán.

Trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực quản lý, khả năng tiếp cận thị trường và xử lý thông tin của cán bộ, nhân viên cũng rất hạn chế.

Song, phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng cùng kinh nghiệm đã tích lũy trong quá trình chuẩn bị chuyển đổi mô hình, thích ứng với xu thế phát triển của đất nước, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã thực hiện đổi mới toàn diện, kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô ngành nghề, phát triển thị trường, đối tác.

Với định hướng lấy xây dựng cơ bản là chủ yếu, trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, thủy điện, sân bay, bến cảng là trung tâm, Binh đoàn 12 đã tập trung đầu tư có chiều sâu cả nguồn nhân lực và trang thiết bị, công nghệ tiên tiến, tạo bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

Xác định để định vị được thương hiệu, khẳng định uy tín trước tiên là từ các dự án trọng điểm, vừa đóng vai trò động lực thúc đẩy KT-XH phát triển, vừa có tính chất củng cố an ninh - quốc phòng, Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã từng bước vượt qua khó khăn để ghi tên mình vào hàng loạt công trình quy mô lớn trong thời kỳ đổi mới.

Từ dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tiếp tục là nhà thầu được Chính phủ, Bộ GTVT, các chủ đầu tư lựa chọn tham gia vào loạt các công trình kế tiếp, là cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Hà Nội - Thái Nguyên; Các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ huyết mạch: Quốc lộ 5, quốc lộ 6, quốc lộ 1A; Đường Trường Sơn Đông; Đường tuần tra biên giới, các dự án cao tốc Bắc - Nam, cao tốc kết nối trục ngang…

Từ đường bộ, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn mở rộng ra lĩnh vực hạ tầng hàng không, hàng hải với các công trình tiêu biểu như: Xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu; Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc; Cảng Liên Chiểu; Tuyến đê biển Đình Vũ… sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành, sân bay Phan Thiết, sân bay Vinh, sân bay Buôn Ma Thuột, sân bay Savanakhet (Lào)…

Hai đột phá lớn

- Nếu nói về những đột phá lớn của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, ông sẽ nói về điều gì?

Đột phá của Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trước hết là vị thế, thương hiệu có được trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Từ những ngày phải dò dẫm tìm đường tiếp cận thị trường, đến hiện tại, Binh đoàn 12 đã có thể tự tin định vị mình là một trong những nhà thầu lớn, chuyên nghiệp được lựa chọn tham gia nhiều công trình trọng điểm nhất ở Việt Nam.

Minh chứng có thể thấy rõ khi những năm trở lại đây, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã góp mặt trên nhiều dự án lớn như: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, La Sơn - Túy Loan; Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ… Trong đó, tại dự án Cam Lộ - La Sơn, vượt qua hàng loạt khó khăn về thời tiết, bão giá, Binh đoàn 12 là một trong những nhà thầu hoàn thành khối lượng công việc được giao sớm nhất trong các đơn vị thi công tham gia.

photo-1696927886196

Trụ sở Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn.

Từ sự nỗ lực và uy tín có được ở những dự án trước đó, cuối năm 2022-2023, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tiếp tục được Chính phủ, Bộ GTVT, địa phương tin tưởng giao thực hiện hàng loạt các gói thầu lớn tại các dự án quan trọng quốc gia như: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau; Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, mới đây nhất là các gói thầu tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nhà ga T3 Sân Sơn Nhất, cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội…

Đột phá thứ hai là trên cơ sở kinh nghiệm, nguồn lực tích lũy được, Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn không chỉ đơn thuần tham gia các dự án ở mảng thi công xây lắp mà còn trở thành nhà đầu tư góp vốn thực hiện dự án giao thông trọng điểm theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Điển hình tháng 2/2018, Binh đoàn tham gia triển khai trên vai trò nhà đầu tư dự án BT cao tốc La Sơn - Túy Loan với giá trị trên 11.285 tỷ đồng, có chiều dài 66km, năm 2021 sau ba năm thi công và quản lý dự án đã hoàn thành. Tháng 5/2021, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cùng với các nhà đầu tư trong liên danh đã ký hợp đồng BOT với Bộ GTVT để triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt trị giá hơn 11.000 tỷ đồng.

"Biến nguy thành cơ" để tiếp tục phát triển

- Giai đoạn 2021-2030, kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông được Đại hội Đảng XIII xác định là một trong ba đột phá chiến lược, ông nhận định thế nào về thách thức và cơ hội của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trong chiến lược ấy?

Có thể nói, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, cơ hội luôn đan xen với thách thức. Với Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, chúng tôi luôn xác định tư tưởng, ở mỗi dự án mới sẽ có thách thức mới. Song, yêu cầu đặt ra là phải biến "nguy" thành "cơ" để tồn tại, sau đó là khẳng định bản lĩnh, vị thế.

Vị thế ấy không chỉ mang tính ước lệ mà nó được thể hiện qua khối lượng công việc, dự án Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã được Chính phủ, Bộ GTVT, các bộ, ngành Trung ương, địa phương tin tưởng lựa chọn là nhà thầu thi công xây lắp.

Đó là đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, Nội Bài - Bắc Ninh; Là cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Long Thành - Dầu Giây; Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; Quốc Lộ 1 (đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, Vinh - Đông Hà, Đông Hà - Quảng Trị...).

Ở các dự án này, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã gây dựng thương hiệu, uy tín bằng tiến độ, chất lượng của sản phẩm làm ra. Chất lượng ấy đã được thời gian khảo nghiệm cho đến ngày hôm nay.

Quay trở lại câu hỏi của bạn, trước hết phải khẳng định, Đại hội Đảng XIII xác định đột phá kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược, đó là một chủ trương hết sức đúng đắn nhất là trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phục hồi nền kinh tế sau một khoảng thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong nhóm các giải pháp này, hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng "đi trước mở đường", tạo đà thu hút đầu tư, thúc đẩy KT-XH phát triển.

photo-1696927886683

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc (thứ hai từ phải qua), Tư lệnh Binh đoàn 12 chỉ đạo thi công tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.

Thế nhưng, cơ hội của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đến đâu sẽ tùy thuộc vào bối cảnh thực tiễn ở từng giai đoạn các dự án được triển khai. Với tinh thần của "người nhà binh", chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, ngại dấn thân vào các dự án quy mô, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp. Ở đâu Tổ quốc cần, ở đâu người dân cần, ở đâu có yêu cầu của Chính phủ, yêu cầu của Bộ, chúng tôi sẽ có mặt.

Với Binh đoàn 12, chúng tôi luôn đi theo phương châm: "Không đánh đổi chất lượng lấy số lượng". Mỗi dự án được giao sẽ được hoàn thành theo đúng cam kết, đúng quy định hợp đồng, đúng thiết kế. Đó cũng là cơ sở để chúng tôi có được lòng tin, sự tín nhiệm của các cấp có thẩm quyền trong suốt thời gian qua.

5 thế mạnh tạo sức cạnh tranh

- Theo ông, đâu là lợi thế để Binh đoàn 12 tự tin cạnh tranh với các doanh nghiệp giao thông khác?

Như tôi vừa nói. Lợi thế cạnh tranh của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trước hết là uy tín được chứng minh ở loạt dự án trọng điểm quốc gia đã được hoàn thành, đưa vào khai thác.

photo-1696927887324

Thứ hai, hiện tại, Binh đoàn 12 là nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thi công xây lắp hạ tầng ở hầu hết các lĩnh vực giao thông, từ công trình đường bộ, sân bay, bến cảng, đường sắt.

Riêng đường bộ, chỉ tính trong khoảng 10 năm qua, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã tham gia thi công hơn 260km đường bộ cao tốc trên cả nước. Khi đưa vào khai thác, sử dụng, tất cả các dự án đều được chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý đánh giá cao về chất lượng.

Thứ ba, Binh đoàn 12 sở hữu lực lượng lao động hùng hậu, chuyên môn cao với 33 đơn vị trải dài từ Bắc vào Nam thuận lợi trong việc làm chủ được các mỏ vật liệu, thi công dự án.

Về nguồn lực, tính đến nay, Binh đoàn có tới 5.000 cán bộ cùng 10.000 lao động hợp đồng và hơn 4.500 đầu máy, thiết bị, trong đó có hơn 2.500 thiết bị đầu tư mới.

Thế mạnh thứ tư cũng là điều tạo nên sự khác biệt giữa Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn với các nhà thầu thuần túy đó là nét văn hóa của một doanh nghiệp quân đội. Chúng tôi luôn bảo đảm tính kỷ luật cao trên công trường, thi công đến đâu gọn đến đó. Công tác vệ sinh môi trường được đặt lên hàng đầu.

Cuối cùng là thế mạnh trong công tác dân vận xã hội. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, lấy dân làm gốc, luôn gần dân, sát dân, giúp đỡ dân sao cho "đi dân nhớ, ở dân thương", có thể tự tin khẳng định, hầu hết các gói thầu/dự án Binh đoàn 12 triển khai thi công đều được người dân rất ủng hộ, tạo thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng.

Có những dự án dù chưa đền bù nhưng người dân vẫn sẵn sàng bàn giao mặt bằng để đơn vị thực hiện công trình. Một số dự án người dân chưa đồng thuận, Ban Điều hành dự án của Binh đoàn lại phối hợp với cán bộ địa phương gõ cửa từng nhà để vận động cho bà con hiểu và ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Đây chính là "bàn đạp" quan trọng giúp Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn luôn đáp ứng được tiến độ công việc theo hợp đồng ký kết ở các dự án giao thông dù lớn hay nhỏ, dù ở đồng bằng hay vùng sâu, vùng xa.

photo-1696927887727

- Sau những công trình đường bộ cao tốc được đầu tư mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến giai đoạn tiếp theo, nguồn lực sẽ được tập trung phát triển đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị. Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã có sự chuẩn bị như thế nào cho lĩnh vực này?

Nhiều người cho rằng, các dự án đường sắt tốc độ cao là những dự án mới. Mặc dù vậy, với truyền thống và bản lĩnh của những người lính Trường Sơn, chúng tôi cho rằng, đây là sự tiếp cận về công nghệ mới của đường sắt.

Riêng với Binh đoàn 12, khi đang chuyển đổi mô hình từ những năm của thế kỷ trước, chúng tôi đã thi công đường sắt và là lực lượng tiên phong trong thi công các dự án đường sắt của đất nước như: Tuyến đường sắt Quán Triều - Núi Hồng (qua tỉnh Thái Nguyên), tuyến đường sắt Hà Hiệu - Chợ Rã, Lộc Bình - Chi Ma (Lạng Sơn), cải tạo, sửa chữa đường sắt Bắc - Nam...

Từ kinh nghiệm có được, chúng tôi đã và đang đào tạo đội ngũ kỹ sư tiếp cận các dự án đường sắt, đường sắt tốc độ cao. Chúng tôi luôn tin tưởng với trình độ, phẩm chất, bản lĩnh trên các công trình đã đi qua, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các dự án này khi được Chính phủ, các bộ, ngành tin tưởng giao phó.

Thay đổi tư duy, khẳng định khí chất của người "lính thợ"

- Chèo lái Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đâu là phương châm ông tâm đắc nhất để một doanh nghiệp giao thông có thể tồn tại được trong bối cảnh yêu cầu phải "làm nhanh, làm thật, làm chất lượng" như hiện nay?

Theo tôi đó là sự thay đổi trong tư duy, "phải thường xuyên đổi mới, phải thường xuyên vận động" và "đặt con người là trung tâm của mọi sự phát triển". Đi cùng đó là 8 chữ "Tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả". Đã nói thì phải làm, phải đương đầu khó khăn thì mới thành công. Có như vậy mới xây dựng được tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ, cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

photo-1696927888145

Điều này đòi hỏi người chỉ huy, quản lý doanh nghiệp cần phải quan tâm đến thực tế đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, kỹ sư, người lao động.

Thực tế, những năm qua, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn luôn làm tốt vấn đề nêu trên, tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ, người lao động thi đua học tập, phát huy, lan tỏa "văn hóa doanh nghiệp Trường Sơn" đến với chủ đầu tư, các bạn hàng, đối tác bằng những sản phẩm chất lượng, đạt yêu cầu cao về kỹ, mỹ thuật, khẳng định uy tín và khí chất, tinh thần của những người "Lính thợ Trường Sơn".

Phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn trong thời kỳ mới, thời gian tới, Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh sắp xếp, tái cơ cấu, đổi mới quản trị doanh nghiệp bảo đảm "tinh, gọn, mạnh, hiệu quả".

Cùng với đó, là tập trung nâng cao nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh; Coi trọng đầu tư chiều sâu xây dựng nguồn lực con người, đổi mới trang, thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng lực; Tăng cường liên danh, liên kết với các doanh nghiệp mạnh trong và ngoài nước để tăng sức cạnh tranh; Gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả chính trị - xã hội; Phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng, an ninh, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cảm ơn ông!

Bên cạnh lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn còn là nhà thầu thi công nhiều công trình thủy điện lớn như: Hòa Bình, Yaly, Sơn La, Lai Châu, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah; Tổng thầu xây dựng nhà máy thủy điện Srêpok3 (Đắk Lắk), Thủy lợi Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế), Hồ chứa nước EaHleo, Ngàn Trươi (Hà Tĩnh), HCN Cánh Tạng (Hoà Bình)...