Ngày 2/6, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, mới đây Ban và Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức kiểm tra đối với 104 cây xà cừ cổ thụ được di dời từ phố Kim Mã vào năm 2016 để lấy mặt bằng phục vụ thi công dốc hạ ngầm và ga S8 của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Kết quả cho thấy, các cây đang được ươm, phục hồi tại vườn cây tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) có tỷ lệ sống ước tính khoảng 80% (81 cây phát triển tốt, 2 cây có dấu hiệu phát triển kém và 21 cây hiện không phát triển).
Dù kết quả cây phục hồi khả quan, song Ban quản lý dự án cho biết, hiện đang phát sinh khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tiếp theo đối với các cây xanh nói trên, như về địa điểm để trồng cây, thanh toán kinh phí cho nhà thầu di dời. Trong khi đó, gần đây có thông tin nhà thầu bỏ bê chăm sóc cây, không thanh toán tiền thuê đất cho chủ vườn…
Cụ thể, Ban Quản lý dự án cho biết, đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng với Công ty Beepro (đơn vị di dời, chăm sóc cây) và đến nay chưa có hướng giải quyết. Đó là do các loại cây trên đều không thuộc chủng loại cây xanh đô thị (rễ ngang, tán nặng, chiếm không gian lớn, mất cân đối và dễ đổ khi mưa bão) nên các cơ quan chuyên ngành vẫn đang cân nhắc về địa điểm dịch chuyển trồng cây cố định sau khi hết hợp đồng chăm sóc tại vườn ươm.
Bên cạnh đó, đến nay nhà thầu chưa nhận được đủ kinh phí theo hợp đồng. Nguyên nhân do đây là công tác thí điểm, lần đầu tiên thực hiện và thực hiện một lần nên không có định mức đơn giá dẫn đến việc hoàn thiện thủ tục đơn giá gặp nhiều khó khăn.
Được biết, Công ty Beepro thực hiện theo hợp đồng với Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội và được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép dịch chuyển, di dời. Trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại, đại diện công ty Beepro cho rằng, doanh nghiệp đang mắc kẹt trong việc thực hiện hợp đồng chăm sóc số cây nói trên.
“Ban Quản lý dự án chỉ ký hợp đồng chăm sóc cây trong một năm, nhưng sau đó hết hạn hợp đồng cũng không gia hạn hợp đồng và cũng chưa thanh toán đủ kinh phí, trong khi doanh nghiệp đang phải gánh nợ ngân hàng nên rất khó khăn. Câu chuyện là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Hà Nội cần khẩn trương tìm địa điểm di chuyển, trồng cố định các cây xanh nói trên, cũng như thanh toán đủ chi phí cho nhà thầu”, đại diện doanh nghiệp nói.
Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, Ban nhiều lần có văn bản đôn đốc, yêu cầu công ty tiếp tục chăm sóc cây xanh, đảm bảo tỷ lệ sống của cây cao nhất cho đến khi thành phố có hướng dẫn cụ thể về địa điểm trồng cây. Thời gian qua, Ban đã tổ chức các cuộc họp liên ngành với Sở Xây dựng và công ty Beepro để thống nhất phương án giải quyết các vướng mắc và báo cáo UBND TP. Hà Nội trong thời gian tới đề xuất giao cho đơn vị chuyên ngành chuyển dịch các cây về trồng và chăm sóc tại địa điểm thích hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận