Áp thuế tối thiểu và quy định thuế với các gã khổng lồ công nghệ
Cụ thể, tối 1/7, theo giờ VN, 130 quốc gia đã đồng ý về quy định áp mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu và phân bổ lại doanh thu từ thuế đối với các tập đoàn lớn, có lợi nhuận cao.
Kế hoạch cải cách thuế toàn cầu bao gồm 2 điểm chính. Thứ nhất là áp mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các doanh nghiệp có doanh thu trên 750 triệu euro (tương đương 888 triệu USD). Tức là nếu một tập đoàn và các công ty con của các công ty này nộp thuế ở nước ngoài dưới mức 15% thì họ sẽ tiếp tục phải nộp nốt khoản chênh lệch so với mức tối thiểu đó tại chính quốc gia của họ.
Khi đó, các doanh nghiệp là đối tượng bị áp mức thuế tối thiểu trên sẽ không còn hứng thú chuyển lợi nhuận sang các quốc gia khác có mức thuế thấp hơn để hưởng lợi nữa.
Thứ 2 là đưa ra những quy định buộc các tập đoàn công nghệ như Amazon và Facebook cùng nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn cầu phải đóng thuế tại các quốc gia mà họ bán sản phẩm và dịch vụ dù có đặt trụ sở tại đó hay không.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định sẽ không còn những cuộc đua giảm thuế xuống đáy để thu hút doanh nghiệp nữa
Khi được thực thi, thỏa thuận này sẽ ngăn chặn các quốc gia tham gia vào cuộc đua cắt giảm thuế để thu hút doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ lấp những lỗ hổng thuế vô cùng lớn trên thế giới và tạo ra ước tính 150 tỉ USD lợi nhuận thuế gia tăng mỗi năm, theo Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD).
Thỏa thuận cuối cùng sẽ định hình lại thương mại, củng cố tài chính vốn bị suy yếu tại một số quốc gia sau hơn 1 năm chật vật vì đại dịch. Đây cũng có thể là dấu chấm hết cho cuộc chiến thương mại toàn cầu về thuế đang âm ỉ về việc đánh thuế các công ty như Amazon, Google, Facebook và một số công ty khác vốn kiếm doanh thu qua hình thức trực tuyến trên quy mô toàn cầu.
Trước khi có thỏa thuận này, chính quyền Mỹ, từ dưới thời ông Donald Trump đến nay, đã nhiều lần đe dọa sẽ áp thuế trả đũa nếu Ấn Độ, Anh, Pháp... đánh thuế dịch vụ điện tử đối với các công ty từ Mỹ.
Còn nhiều việc phải làm để xóa những "thiên đường thuế"
Một số "thiên đường thuế" nổi tiếng nhất tại khu vực Caribe là Bahamas, Pananma và quần đảo Cayman.
Với sự đồng thuận của 130 nước kể cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nga... thỏa thuận này có thể sẽ được nhóm Các nước công nghiệp phát triển và mới nổi lớn nhất (G20) thông qua tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 dự kiến được tổ chức vào tuần tới tại Italy. Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Daniele Franco tự tin, G20 sẽ thông qua thỏa thuận này.
Tuy nhiên, hiện tại, một số “thiên đường thuế” rất lớn như Ireland, một vài quốc gia tại khu vực Caribe vẫn chưa ký vào thỏa thuận nên có thể, hiệu quả từ kế hoạch chấm dứt việc chênh lệch, dồn hết lợi nhuận về các quốc gia có mức thuế thấp chưa thực sự hiệu quả.
Do đó, sau khi đạt được thỏa thuận, OECD và G20 tiếp tục phải thuyết phục các “thiên đường thuế” kể trên chấp nhận nhập cuộc. Có như vậy, việc cải cách thuế mới có sự thống nhất và hiệu quả trên quy mô toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ tài chính Ireland Paschal Donohoe khẳng định, Ireland vẫn tham gia vào các cuộc đàm phán và sẽ tìm kiếm thỏa thuận công bằng, bền vững và toàn diện. Theo quan điểm của chính phủ Ireland, họ cần một thỏa thuận để tạo điều kiện cho các nước nhỏ có lợi thế cạnh tranh với các nước lớn, bù đắp vào những tổn thất nếu họ buộc phải tăng thuế.
"Thiên đường thuế" là gì? "Thiên đường thuế" là một quốc gia cho phép các cá nhân và tổ chức không phải nộp thuế, hoặc nộp thuế với mức cực thấp trong khi không yêu cầu doanh nghiệp phải hoạt động (hoặc cá nhân phải cư trú) tại các quốc gia, hoặc vùng lãnh thổ này.. Đặc điểm nổi bật của những "thiên đường thuế" kiểu này là rất hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế nước ngoài, nhất là những thông tin về tài chính. Nhờ đó, các cá nhân, tổ chức không phải là đối tượng cư trú tại các thiên đường thuế có thể tận dụng chế độ thuế ưu đãi để né tránh thực hiện nghĩa vụ tại quốc gia mà họ cư trú. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận